Theo dõi chồng để làm gì?

16/06/2017 - 11:30

PNO - 70-80% chị em nói, nếu theo dõi chồng và gặp những thông tin không mong đợi, sẽ chỉ... khóc thôi.

Dòng tin trên báo được đưa vào phần “Tin sốc”: 43% phụ nữ thừa nhận đã từng theo dõi chồng mình. Sao lại sốc nhỉ, chuyện đó chả có gì đáng ngạc nhiên, nhất là đối với phụ nữ Việt Nam, những người thường bảo rằng chẳng thể nào tin được chồng và “chồng là thứ... cứ sểnh ra là mất”.

Theo doi chong de lam gi?
 


Chuyện thường ngày trong nhà

Có đến hàng chục lần tôi bắt gặp cô bạn gái thân miệng thì nói chuyện leo lẻo với tôi, mặt và cổ vẫn ngay đơ, đưa ra phía trước, nhưng mắt thì liếc ngang màn hình của chồng khi điện thoại của anh ta phát tín hiệu có tin nhắn mới. Nhiều lúc, mắt bạn tôi lé xệch lé xẹo theo dõi đoạn chat của chồng, nhưng ông chồng chả biết gì, cứ tưởng vợ đang tám chuyện với bạn bè.

Bà chị họ của tôi có cái quầy tạp hóa ngay mặt tiền đường. Khách ra vào nườm nượp mỗi ngày, bọn trẻ con táy máy chân tay thường thó đồ trên kệ nhanh như chớp. Thế nhưng, cứ đúng giờ ông chồng về, vào buồng tắm, là dù khách đang đông cỡ nào, nguy cơ mất đồ cỡ nào, chị cũng bỏ hết, phóng vèo vào phòng ngủ lục cái điện thoại ổng đang để trong túi quần treo trên vách. Đó là hồi điện thoại còn "chưa thông minh", chưa có khóa khiếc, có mật khẩu này kia. Từ ngày ổng có cái điện thoại đời mới, không còn tự do mà mở mà xem được, bả bứt rứt, khổ sở như ngồi trên đống lửa. Mỗi lần chồng mở khóa bàn phím trước mặt bả là tôi lại thấy bả nhìn chăm chắm như thám tử, như các chuyên gia chuyên đoán chữ theo khẩu hình của người ta. Thế mà rồi gom góp mỗi ngày một chữ, bả cũng kiên nhẫn dò ra được cái mật khẩu của chồng, tôi phục lăn.

Dòng tin trên báo đưa thêm, gần 40% phụ nữ thừa nhận rằng họ theo dõi tin nhắn trên điện thoại của chồng, 18% đăng nhập vào các tài khoản mạng xã hội của người kia, 16% kiểm tra lịch sử định vị vệ tinh GPS, và 13% kiểm tra nội dung email. Đây là những kết quả từ một cuộc khảo sát ở Mỹ. Chứ nếu các cuộc khảo sát thế này được thực hiện ở Việt Nam, tôi đoan chắc là các con số phải cao hơn nhiều. Vì các bà vợ Việt Nam chưa rành công nghệ thông tin, chưa biết đến những công cụ theo dõi hiện đại mấy. Với họ, việc theo dõi còn bó gọn trong kiểm tra tin nhắn điện thoại và giờ đây là các com hay like trên facebook. Cao hơn nữa và có tiền hơn nữa là thuê thám tử tư, thuê các bác xe ôm hay thuê chính anh em cháu chắt trong nhà đi sau 
lưng chồng. 

Theo dõi hay không theo dõi?

Theo doi chong de lam gi?
Ảnh minh họa

Có câu chuyện của một cô vợ đẹp và là “hot facebooker” mà tôi nghe cứ thấm thía mãi. Cô bảo: “Em chả hiều vì sao các bà vợ cứ phải lén lút, mưu mô, rình rập cho mệt. Quyền của mình là phải được biết hết những gì có liên quan đến đời sống hai vợ chồng, sao cứ phải vật vã. Có lần, do tình cờ mà em biết chồng em, cũng thuộc hàng đại gia, đẹp trai, tài giỏi, nói không đúng với em về việc anh đang ở đâu, làm gì. Sau hai lần như vậy thì em kết luận rằng đó không phải là tình cờ. Em mời chồng ngồi lại và yêu cầu cho xem điện thoại, lý do vì sao em đòi xem. Chồng em viện dẫn ra quyền tự do và lòng tin, em nói nếu em sai, em sẽ xin lỗi, còn nếu không muốn cho em coi, tất phải có chuyện mờ ám. Thế là chồng đành đưa điện thoại cho em và tất cả bằng chứng rành rành trong đó về một mối quan hệ khác đều có đủ”.

Khi quyết định đòi quyền của mình, cô nói rằng cô đã chuẩn bị hết tinh thần, kể cả cho một cuộc ly hôn. Cô tự tin vào vị trí của mình, giá trị của mình và quyền hạn của mình. Nó khiến cô không phải hèn trước chồng mà lo lắng mình làm thế này sai hay đúng, có lợi hay không có lợi. Dù có phải chia tay cũng bảo vệ những giá trị của mình. Và kết quả của buổi kiểm tra ấy là chồng cô đã xin lỗi cô, gọi điện thông báo cắt đứt quan hệ với người kia trước mặt cô. 

Đã nhiều lần, tôi hỏi những phụ nữ đang phải khổ sở theo dõi chồng, tìm đến với báo Phụ Nữ nhờ thuê dịch vụ theo dõi, rằng nếu phát hiện ra chuyện sai quấy thì họ sẽ làm gì. 70-80% chị em  ngẩn ra, không biết mình sẽ làm gì. Thậm chí có người còn bảo… chắc là chỉ khóc thôi. Và như vậy thì tôi khuyên họ chẳng nên theo dõi làm gì.

Chỉ để biết và khóc thì chắc sẽ có ngày sẽ biết, không sớm thì muộn. Cũng không phải không có người cứ ngồi đó, đoán già đoán non rồi lại hỏi tôi: “Có nên theo dõi ổng hay không?”. Tôi chỉ khuyên họ đúng một câu: Khi nào hiểu rõ mình sẽ làm gì với kết quả, lúc đó câu hỏi theo dõi hay không theo dõi sẽ dễ trả lời hơn nhiều". 

Song Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI