Thế nào là một người đàn ông ga-lăng?

04/08/2016 - 13:05

PNO - Ai sẽ trả tiền khi hai người hẹn hò hay đơn giản là khi phụ nữ và đàn ông gặp nhau trong một quán cà phê?

Không ít phụ nữ sẽ nói ngay: “Đàn ông ga-lăng thì phải trả tiền”. Ga-lăng chỉ đơn giản là vậy thôi sao? Chúng ta thử theo dõi cuộc chuyện trò của ba người phụ nữ về vấn đề này.

The nao la mot nguoi dan ong ga-lang?
Ảnh minh họa

* Bạn nghĩ một người đàn ông ga-lăng là thế nào?

Chị Cao Bảo Vy (Trưởng bộ phận Marketing Ngân hàng Foreign Bank): Mỗi khi nghĩ đến từ “ga-lăng”, tôi thường liên tưởng đến từ “gentleman”. Tôi không chắc hai từ này có đồng nghĩa không nhưng với tôi, một người ga-lăng đúng nghĩa phải là một gentleman - một quý ông. Nghĩa là, những cử chỉ, hành động ga-lăng của họ không phải để “làm màu”, để chứng tỏ hay cưa cẩm mà xuất phát từ bản chất, từ suy nghĩ và sự thấu hiểu rằng phụ nữ là để nâng niu; mình là đàn ông lịch lãm thì phải nhường nhịn, tử tế và hỗ trợ họ trong những hoạt động cần thiết.

The nao la mot nguoi dan ong ga-lang?

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Trân: Đàn ông ga-lăng là người hiểu mình sẽ làm gì để quý bà vui và không nên làm gì để quý bà nổi nóng.

Chị Nguyễn Thị Ngọc (nhân viên văn phòng): Tôi nghĩ đó là người biết ân cần, chăm sóc, quan tâm đến những phụ nữ quanh mình, bất kể người đó là vợ, là bạn gái hay chỉ là một đồng nghiệp, thậm chí là một người chỉ gặp gỡ trên xe bus, trong cửa hàng.

* Vậy thì ga-lăng là một phẩm chất hay một thuộc tính của đàn ông?

Chị Nguyễn Thị Ngọc: Tôi nghĩ ga-lăng đúng ra phải là một thuộc tính của đàn ông, thuộc tính của phái mạnh. Sinh ra là đàn ông thì đương nhiên là phái mạnh và nghiễm nhiên phải biết ga-lăng với phụ nữ. Điều này không có nghĩa là họ phải tài giỏi, thông thái, mạnh mẽ hay phải kiếm tiền nhiều, mà là biểu hiện tất nhiên của mọi người đàn ông, dù mạnh khỏe hay yếu đuối.

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Trân: Theo tôi, ga-lăng là phẩm chất bắt buộc phải có ở mọi quý ông. Đó là nghĩa vụ của phái mạnh: quan tâm, giúp đỡ, chở che cho phụ nữ. Chuyện một người đàn ông ga-lăng phải là chuyện đương nhiên.

The nao la mot nguoi dan ong ga-lang?

Chị Cao Bảo Vy: Ga-lăng thật sự thì gần như thuộc về tính cách và cách cư xử thông thường của người đàn ông, chứ không phải là một điều đặc biệt, chỉ dành cho một ai đó đặc biệt.

* Theo đánh giá như trên của các bạn thì đàn ông Việt có galăng không? Bạn có thường gặp những người đàn ông như thế hay họ chỉ có trong… tiểu thuyết?

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Trân: Theo tôi thì ở Việt Nam những quý ông ga-lăng đang ngày càng hiếm. Đôi khi tôi tự hỏi, đó có phải là hậu quả do phụ nữ chúng ta kêu gào quyền bình đẳng quá nhiều hay không? Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ đàn ông ga-lăng chưa… tuyệt chủng. Tôi và bạn bè thỉnh thoảng vẫn được những người đàn ông nhiệt tình giúp đỡ. Tôi từng được một người đàn ông đẩy xe giúp giữa trời trưa nắng khi xe tôi bị chết máy. Nói thật, khi gặp những người đàn ông làm ngơ không giúp phụ nữ đang gặp khó khăn thì tôi xem họ không phải là đàn ông.

Chị Cao Bảo Vy: Tôi không biết nhiều lắm về các nền văn hóa nhưng trong một chừng mực nhất định, những người tôi từng gặp và tại những nơi tôi từng có dịp đến, thì đàn ông Pháp và Thụy Sỹ có thể được xem là điển hình của gentleman. Anh bạn người Pháp của tôi luôn trò chuyện nhã nhặn, cư xử đúng mực, giữ cửa cho phụ nữ, kéo ghế cho phụ nữ khi ngồi vào bàn ăn… Ngay cả khi không thích một điều gì đó, anh vẫn nhẹ nhàng: không sao nhưng không cười để thể hiện là mình không thích nhưng tuyệt đối không nhăn mày, khó chịu hay lớn tiếng. Anh ấy cư xử như thế với tất cả các cô bạn của mình, không chỉ riêng với người yêu hay người anh ấy có ý định theo đuổi. Đàn ông Việt Nam không hiếm người ga-lăng, nhưng galăng từ cách suy nghĩ và thật sự có bản chất tôn trọng phụ nữ thì không nhiều.

Chị Nguyễn Thị Ngọc: Tôi ít để cho đàn ông phải ga-lăng với mình. Có lẽ vì tính tôi khá mạnh mẽ và độc lập. Tôi không bao giờ chờ ai đó mở cửa hay đỡ tôi xuống xe. Tôi thường nhanh hơn họ. Nhưng, tôi ấn tượng về người đàn ông của mình. Ngày xưa anh luôn tặng hoa cho tôi, thậm chí còn làm thơ vào những ngày kỷ niệm. Tất nhiên đó là khi đang yêu. Còn khi đã là vợ chồng hơn 20 năm thì anh làm nhiều điều khác cho tôi hơn.

The nao la mot nguoi dan ong ga-lang?

* Trên các trang mạng xã hội đang thảo luận ồn ào về chuyện “Ai là người nên trả tiền trong một cuộc hẹn hò”, theo các bạn, người đàn ông galăng có cần phải luôn trả tiền cho phụ nữ?

Chị Nguyễn Thị Ngọc: Thật sự tôi chưa gặp người đàn ông nào bắt phụ nữ trả tiền hay chia chi phí cho một buổi gặp gỡ. Hầu như những người đàn ông tôi biết, dù là bạn bè hay gặp vì công việc đều vui vẻ trả tiền cho các cuộc gặp. Nếu tính việc này là một trong những biểu hiện của ga-lăng thì có lẽ đàn ông Việt Nam ga-lăng nhất thế giới. Tôi nghe bạn bè kể, đàn ông phương Tây rất sòng phẳng chuyện này, đi ăn chung thì mạnh ai nấy trả phần của mình. Nghĩ cho kỹ, việc này cũng có gì đó không công bằng. Phụ nữ cứ hay đòi bình đẳng, nhưng đụng đến vật chất thì lại muốn ưu tiên là sao?

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Trân: Tôi cho rằng không nên đưa tiền bạc vào một trong những tiêu chuẩn về ga-lăng, trừ trường hợp người đàn ông đi với một phụ nữ khó khăn hoặc hết tiền. Ai thích hoặc có nhiều tiền hơn thì trả thôi. Hôm qua, có một ông chat với tôi, bảo: “Em bớt viết lách đi, để dành thời gian cho tình yêu”. Tôi nghĩ, ông này không bình thường và chẳng ga-lăng chút nào. Galăng theo ý tôi còn hàm ý phải trân trọng những gì người phụ nữ đang có như nghề nghiệp, gia đình, con cái…

Chị Cao Bảo Vy: Có nhiều người nghĩ, ga-lăng chỉ đơn giản là vung tiền đưa bạn gái đi ăn sang chảnh, tặng quà đắt tiền… Theo tôi, ga-lăng và việc chứng tỏ mình giàu có là hai chuyện hoàn toàn khác. Tôi sẵn lòng dành thời gian và chia sẻ chi phí hẹn hò với một gentleman hơn là một anh chàng ga-lăng theo kiểu vung tiền nhưng lại không thật sự trân trọng người phụ nữ bên cạnh mình.

* Bạn có nghĩ một người đàn ông ga-lăng nhất định sẽ là một người chồng tốt và ngược lại?

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Trân: Chắc chắn là vậy rồi. Những người biết quan tâm, lo lắng, chăm sóc cho người khác một cách thật lòng, phát xuất từ trái tim, từ tính cách, từ việc được giáo dục chu đáo thì chắc chắn sẽ là một người chồng tốt. Nhưng ở Việt Nam thì không có chuyện ngược lại. Tôi thường nghe bạn bè than vãn về những ông chồng luôn thô lỗ với vợ con nhưng vẫn có trách nhiệm với gia đình. Tôi cũng không hiểu đó là do sự quê mùa hay gia trưởng. Tôi lại thấy có người khi theo đuổi thì rất ga-lăng với người yêu, nhưng thành vợ thành chồng rồi thì biến ngay thành một người khác. Theo tôi, đó là do họ không có thói quen và cách nghĩ đúng về hình ảnh của một người đàn ông. Tôi cũng thấy nhiều người đàn ông khi ra đường thì rất lịch sự, ân cần với phụ nữ; nhưng ở nhà lại hách dịch, gia trưởng với vợ con. Ra đường là họ lăng xăng chăm sóc người này người kia, khuấy giùm ly nước, kiếm giùm chai dầu…; nhưng về nhà lại không mó tay mó chân vào việc gì, thậm chí thấy vợ dắt cái xe lên dốc cao cũng không động tay vào đỡ.

Chị Nguyễn Thị Ngọc: Tôi từng nghe nhiều lời ca thán của bạn bè về sự thay đổi đến chóng mặt của các ông chồng trước và sau khi cưới. Trước khi cưới họ chiều chuộng, nâng niu bao nhiêu thì sau khi cưới họ gia trưởng, bảo thủ, lười biếng, vô trách nhiệm bấy nhiêu. Tôi nghĩ những người đàn ông đó, ngay cả trước khi cưới cũng không phải là những người đàn ông ga-lăng đúng nghĩa, mà chỉ là cố tình ngụy tạo hình ảnh đẹp cho mình, chỉ đóng vai ga-lăng mà thôi. Phụ nữ phải tỉnh táo và nhìn cho ra bản chất của những người như thế. Mặt khác, phụ nữ cũng phải bớt mơ mộng, lãng mạn sau hôn nhân. Chồng bạn chẳng thể nào suốt ngày tặng hoa hay lẵng nhẵng bám theo bạn tán tụng như khi đang yêu. Mọi thứ còn tùy vào hoàn cảnh sống, điều kiện kinh tế. Lúc đó, những biểu hiện ga-lăng có thể sẽ biến đổi sang một hình thức khác, bạn phải nhận ra và hạnh phúc với điều đó.

Chị Cao Bảo Vy: Tôi nghĩ, để một người đàn ông biết cách cư xử đúng đắn với phụ nữ không phải là chuyện một sớm một chiều mà là cả một quá trình giáo dục từ bé. Nếu được như thế, nó sẽ không tự dưng biến mất sau ngày cưới như một số chị em vẫn than vãn về ông chồng của họ.

* Nói như chị Cao Bảo Vy thì việc đàn ông có ga-lăng hay không còn xuất phát từ chính chúng ta, những người phụ nữ nuôi dạy nên những người đàn ông. Các chị nghĩ gì về điều này?

Chị Cao Bảo Vy: Tôi rất thích câu nói: “Nếu một người đàn ông cư xử với người phụ nữ của anh ta như một công chúa, chắc chắn anh ta đã được nuôi dạy bởi một nữ hoàng”. Tính cách galăng ở đàn ông cũng vậy, đó là do một quá trình giáo dục cho đến khi trở thành thói quen và cách cư xử hiển nhiên.

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Trân: Con trai tôi ga-lăng với phụ nữ đến mức… ngố luôn. Từ nhỏ nó đã biết chuốt viết chì cho bạn gái, lấy nước cho bạn gái uống… Tôi nghĩ mọi việc phụ thuộc vào nếp nhà mà người đàn ông đó lớn lên. Người con trai thương mẹ thì sẽ thương vợ, ga-lăng với mẹ thì sẽ ga-lăng với vợ.

Chị Nguyễn Thị Ngọc: Tôi và chồng tôi luôn dạy con trai mình biết sống có trách nhiệm và tình cảm. Tôi thích hai từ đó hơn là từ ga-lăng. Nó cụ thể và có vẻ… thật hơn!

* Cám ơn các chị.

Song Văn (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI