Thấy con dùng tấm bằng tốt nghiệp làm miếng lót chuột máy tính, vị giáo sư đùng đùng nổi giận

02/01/2017 - 11:30

PNO - Không nghe nhau nói, không nói cho nhau nghe, không đủ lắng nghe để nắm lấy một tâm sự vừa khởi đầu. Tôi liên tưởng đến cách mà những đứa trẻ đã bị “từ bỏ” dưới những mái nhà.

Câu chuyện rất ngắn: trong căn phòng ngủ lúc nửa đêm, cô bé 10 tuổi tranh luận với mẹ về ánh đèn phòng. Cô bé nhất quyết “phải để đèn cho đến khi ngủ thiếp đi”. Người mẹ phản đối “Thế nếu con đi học về gặp lúc trời tối thì sao?”. Cô bé giải thích yếu ớt: “Nhưng mà, bóng tối bên ngoài ít đáng sợ hơn”. Người mẹ đứng phắt dậy “Đừng có vớ vẩn!”, rồi tắt đèn.

Tôi ám ảnh rất lâu về câu chuyện đó, về cuộc đối thoại nửa chừng bị cắt phăng, về cái “bóng tối bên trong” nào đó lẽ ra đã được khơi lên trong lời giải thích yếu ớt của đứa con, về cái lát cắt chớp nhoáng trước khi người mẹ tự tay “bứt chốt” để bóng tối tràn khắp căn phòng. Tôi tưởng tượng những tình tiết tiếp theo của lát cắt đó. Đứa bé sẽ im lặng rồi ngủ thiếp đi trong sợ hãi, không bao giờ nói gì “vớ vẩn” với mẹ nữa, hay nó sẽ gào lên?

Không nghe nhau nói, không nói cho nhau nghe, không đủ lắng nghe để nắm lấy một tâm sự vừa khởi đầu. Tôi liên tưởng đến cách mà những đứa trẻ đã bị “từ bỏ” dưới những mái nhà.

Tôi nhớ mãi lời chia sẻ của một vị giáo sư nổi tiếng ngành cơ khí trong buổi trò chuyện về cách nuôi dạy con. Ông ra sức khuyên con thi vào ngành cơ khí, nhưng lấy lý do “thích làm kinh tế và không muốn làm cái bóng của ba”, Tuấn - con ông, kiên quyết từ chối.

Thay con dung tam bang tot nghiep lam mieng lot chuot may tinh, vi giao su dung dung noi gian

Đối thoại bất thành, trong khi con trai tích cực tìm kiếm thông tin về các trường đại học ở nước ngoài để làm hồ sơ du học, ông tuyên bố không đủ khả năng hỗ trợ sinh hoạt phí nếu con ra nước ngoài. Tuấn đành “đầu hàng”.

Suốt 5 năm đại học, Tuấn liên tục làm hài lòng bố với số điểm dẫn đầu lớp chất lượng cao, nhưng càng về sau, sự bất cần, chán nản càng bộc lộ khi anh thờ ơ với học bổng cao học, cũng chẳng mảy may muốn tìm việc làm. Một buổi sáng không lâu sau lễ tốt nghiệp của con, bất ngờ thấy con đang dùng tấm bằng tốt nghiệp làm… miếng lót chuột máy tính, vị giáo sư đùng đùng nổi giận.

Trong khi vị giáo sư bày tỏ sự thất vọng vì “con bất hiếu, vô trách nhiệm với bản thân”, thì đứa con trai 23 tuổi lại thẳng thắn: “Con học là học cho bố. Nhưng con muốn bố biết rằng, tấm bằng kỹ sư chất lượng cao bố mơ ước với con cũng chỉ là miếng lót chuột thôi!”.

Trong cuộc đối thoại bị kéo dài ấy, có một sự bày tỏ không được lắng nghe, để rồi được “diễn đạt” dưới hình thức khác. Không được lắng nghe nguyện vọng học kinh tế, Tuấn chuyển hóa bằng thái độ “học lấy học để theo ý bố” cho hoàn thành nghĩa vụ, nhưng lại thờ ơ với chuyện tốt nghiệp, xin việc làm. Cuối cùng, việc “lấy bằng tốt nghiệp làm miếng lót chuột” lại trở thành một lời thoại, thẳng thắn và quyết liệt.

Trên facebook, một nữ doanh nhân khá nổi tiếng kể câu chuyện “trốn học, tiêu hoang” của mình thời trẻ. Thấy bố mẹ giàu có nhưng khổ sở hà tiện từng chút một, con cái mỗi lần xin tiền là mỗi lần đau khổ với các kiểu than vãn, mắng nhiếc, chị đâm bất mãn. Phản ứng bất thành, chị thường lén lấy tiền của mẹ để… bao cả lớp đi ăn chè, đi bar.

Mỗi lần “trộm” trót lọt, thấy mẹ không hay biết việc mất tiền mà với bà là “tiền mồ hôi nước mắt”, chị thấy thỏa mãn với niềm tin rằng bố mẹ đang tiết kiệm một cách vô nghĩa. Không khẳng định hành động của mình là đúng, nhưng nữ doanh nhân thừa nhận, ngay cả việc nỗ lực kiếm tiền và… tiêu tiền sau này của mình, cũng là một cách phản ứng với lối sống “khổ hạnh” vô lý của cha mẹ ngày xưa.

Những đứa con đã phải tốn bao lần nói, phản ứng, thậm chí phải sống cả một cuộc đời thật khác sau này, chỉ để truyền đạt duy nhất thông điệp cho bố mẹ. Thông điệp ấy có khi là một câu phân trần yếu ớt của con khi bị điểm kém, rằng con không hiểu bài, mà người mẹ nóng vội đã chăm chăm vào con điểm, vào sự yếu kém của đứa con để trút ra bằng hết những thất vọng, so sánh, buộc tội.

Để rồi, trong sự hoang mang về chính bản thân mình (trước lời trách cứ, buộc tội của ba mẹ), và ẩn ức từ một trục trặc (có thể là hiện tượng mất tập trung thường tình ở một đứa trẻ) không được sẻ chia - bao nhiêu phản ứng bốc đồng có thể bùng nổ.

Tôi từng chứng kiến nhiều sinh viên bỏ học giữa chừng, nhiều bạn trẻ đi làm được dăm hôm đã kiên quyết… thi lại đại học, để “sống với ước mơ của mình”. Tôi cũng chứng kiến nhiều bậc phụ huynh sau phiên tòa của những tội phạm vị thành niên, hay phổ biến hơn cả là những bậc phụ huynh mệt mỏi bước ra từ phòng giám thị của trường phổ thông.

Hầu như, họ đều có câu chuyện gì đó để kể về thiếu sót của mình với những đứa con đang lầm lạc. Trong những câu chuyện đó, luôn có cái chậc lưỡi tiếc nuối khi nhắc về những tín hiệu đã được phát ra từ đầu ở đứa con. Tiếc rằ ng họ lại không lắng nghe trọn vẹn.

Sự thờ ơ ấy lắm khi lại biểu hiện trong chính sự sốt sắng, quan tâm, khi mà cha mẹ chẳng nghe ra điều gì từ con mình. Vị giáo sư kể trên phân trần về sự áp đặt của mình rằng trong những tháng ngày nuôi con, ông bao lần thấy Tuấn táy máy, tháo lắp, thao tác với những món đồ điện hư nhịp nhàng một cách kỳ lạ. Ông nhận thấy Tuấn có năng khiếu về kỹ thuật.

Nguyện vọng học kinh tế của Tuấn được ông cho rằng là một “cơn say nắng” nhất thời trước sức hút của lối sống vật chất. Ép buộc Tuấn học kỹ thuật với niềm tin… “sẽ có ngày con nhận ra, và cảm ơn bố”, để rồi khi mọi sự vỡ lở, Tuấn cương quyết cất tấm bằng loại giỏi mà xin đi làm marketing cho một hãng giải khát, ông phải đau đớn xin lỗi con.

Sự lắng nghe chỉ trọn vẹn khi người ta xóa sạch những tiền giả định, những ảo tưởng về sự hiểu biết của mình với người đối thoại; khi người ta bước vào một câu chuyện với tâm thế của người khám phá. Thật lạ, là từ những ngày đầu của “mối quan hệ” này, chính cha mẹ đã từng là những người lắng nghe tuyệt vời. Ngay cả khi con chưa biết nói, cha mẹ đã dịch ra mọi thông điệp từ những lần quấy khóc, vui cười, những cái trở mình, nhăn mặt, nhíu mày của con.

Cha mẹ thường lật đật chạy lại chỗ con mình để giải thích cho một người nào đó ý nghĩa của những câu chữ rời rạc của đứa bé. Những câu chữ bập bẹ, vô nghĩa ngày đó, lẽ nào lại tỏ bày được nhiều hơn khi người ta trưởng thành, nói tròn vành rõ chữ? Hay là, chính cha mẹ đã từ bỏ ngôi vị của mình. Chính họ, đã nhân danh những trải nghiệm và thước đo của mình, để tắt ánh đèn phòng, để bóng tối vây phủ những đứa con?

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI