Tết về ngoại là nhất

13/02/2018 - 11:42

PNO - Trước hiên nhà mẹ là chậu mai vàng rực trong nắng. Chậu cúc cũng đẹp. Khoảng sân sạch bong. Đúng là nhà có mẹ, mọi thứ như đều sẵn sàng.

Con gái và con trai được nghỉ tết sớm hơn bố mẹ - như mọi năm vẫn thế. Tôi đành đưa chúng sang nhà bà ngoại trong ngậm ngùi, hồi tưởng những ngày xưa: bằng tuổi chúng, tôi đã thành thạo trăm thứ việc nhà. Giờ đứa học lớp ba, đứa học lớp một, tôi vẫn không yên tâm để các con ở nhà chăm sóc nhau trọn một ngày, dù chị đã biết nấu cơm, biết chăm em ở mức sơ đẳng. Thôi thì cho về ngoại là nhất.

Cuối năm, công việc dồn đống; những ngày nghỉ, hầu như ai trong chúng ta cũng chỉ muốn được nghỉ ngơi, mọi việc khác đều phiên phiến. Nhưng các cụ thì khác. Cả năm có vài ngày tết thôi mà.

Nhà ngoại ở ngoại thành, chạy xe 30 phút là tới. Về đó, chúng tha hồ bày bừa, chạy nhảy. Tôi nói với theo khi chồng chở các con đi: “Anh dặn mẹ để em mua sắm đồ luôn, đừng bày nhiều quá, tết nhất không ăn nhiều đâu”.

Tôi cũng dặn mẹ chồng tôi ở quê như thế; nhưng hình như các mẹ, lớn lên trong thời bao cấp, luôn sẵn tính lo xa - luôn phải dự trữ thật nhiều. Năm nào cũng dặn, cũng cằn nhằn, nhưng có thay đổi được đâu. Con đẻ nói còn chưa nghe, con dâu hay con rể sao dám lên tiếng, có khi lại bị cho là so đo, tính toán.

Tet ve ngoai la nhat
Ảnh: Internet

Sáng giáp tết, phố phường tấp nập người xe. Khi những sắc màu rực rỡ nhuộm đầy phố: đào, quất, mai và trăm thứ hoa khoe sắc… thì tôi vẫn tới công ty giải quyết nốt mớ công việc cuối cùng. Gần trưa ra khỏi cơ quan, chẳng còn tí sức lực nào cho việc rẽ ngang dọc mua sắm, đành chạy xe thẳng về nhà mẹ nghỉ ngơi. Bụng bảo dạ: “Mình còn mấy ngày nữa cơ mà, vội gì”.

Trời ơi không thể tưởng tượng được. Trước hiên nhà mẹ là chậu mai vàng rực trong nắng. Chậu cúc cũng đẹp. Khoảng sân sạch bong. Đúng là nhà có mẹ, mọi thứ như đều sẵn sàng. Tôi nhìn lên bàn thờ cha, mẹ cũng đã bày biện mâm ngũ quả đủ cả. Căn nhà ấm áp không khí xuân. Không thấy mẹ và bọn trẻ, tôi vòng ra phía sau nhà, rồi chợt sững người vì cảnh tượng trước mắt. Mẹ tôi đó, bên nồi bánh chưng đỏ lửa, đang gò lưng nạo dừa. Hai đứa cháu nội, hai đứa cháu ngoại xúm xít vây quanh. Đứa xiên bắp ngô đưa vào than đỏ, nướng; đứa bắt chước bà nạo cùi dừa ra rổ. Vừa làm, mẹ và bốn đứa cháu không ngừng chuyện trò, cười tít cả mắt. Chuyện gì tôi không rõ, chỉ thấy mấy bà cháu má hồng ánh lửa và mắt lấp lánh vui. Cả một trời ký ức tuổi thơ bỗng ùa về.

Tet ve ngoai la nhat
Ảnh: Internet

Tuổi thơ tôi cũng đã từng mong đợi cái cảnh canh nồi bánh chưng như thế, từng háo hức được đi chợ tết, dù chỉ để ngắm phố xá đông vui. Chúng tôi từng đợi chờ mẹ mua cho tấm áo mới… Những năm tháng ấy, khó khăn biết bao, nhưng không tết nào mẹ để chúng tôi thiếu thốn. Cái háo hức đợi tết của tôi luôn được mẹ đáp ứng đầy đủ. Cũng kỳ cụi theo mẹ rửa lá dong, sắp từng sợi lạt cha chẻ, rửa từng khuôn bánh; cũng bắt chước mẹ làm mứt dừa, mứt gừng… để đón tết về. Để rồi khoảng tối 28 hay 29, vớt bánh ra, cùng sắp cành đào, mâm ngũ quả, bày hộp mứt bọc giấy bóng xanh đỏ lên bàn thờ là thấy tết đã về đến nhà mình, thấy sao mà tết thiêng liêng thế.

Người già hóa ra luôn có lý. Họ gìn giữ những giá trị tết xưa, chính là để truyền cho con cháu một sự trân trọng quá khứ, trân trọng gia tiên.

Hẳn là mẹ đã bày cho bốn đứa cháu ngoài kia gói bánh chưng, đã chuẩn bị cả ngô khoai cho một ngày chúng canh củi nồi bánh cùng bà, rồi cả việc làm mứt nữa… Nếu mẹ bảo tôi làm, chắc tôi sẽ từ chối. Những ngày cuối năm bận bịu, mệt mỏi, tôi chẳng đủ sức để làm một vệc tỉ mẩn như thế nữa. Có lẽ tôi sẽ nói với mẹ: “Mẹ bày ra làm gì, ngoài chợ bán đầy, làm chi cho cực”. Đúng rồi, chợ bây giờ có thiếu gì đâu. Đời sống đã khá lên, đủ thứ bày bán chứ đâu như ngày xưa cũ. Nhưng nếu tôi qua siêu thị mua mứt, nhặt vài cái bánh, các con tôi sẽ không có nụ cười vui vẻ thế kia, không có đôi má ửng hồng vì hơi lửa lúc chờ bánh chín, không có trải nghiệm để thấy tết thiêng liêng và đáng đợi chờ thế nào.

35 tuổi, tôi chợt hiểu ra một điều: thế hệ chúng tôi, vì mệt mỏi với những cuộc mưu sinh, nên chỉ thích mọi thứ giản đơn, để nghỉ ngơi cho lại sức, sẵn sàng bỏ quên nhiều thứ khác. Trong khi đó, cha mẹ già lại đang cố gắng nắm níu những giá trị xưa cũ, để kết nối các thế hệ trong niềm vui sum vầy. Tết, đâu phải chỉ là những bữa cơm sum họp, đâu phải chỉ là mâm ngũ quả đặt lên bàn thờ gia tiên. Quá trình chuẩn bị những điều đó chính là sự kết nối các thế hệ trong tình thương yêu. Khóe mắt tôi đột nhiên thấy cay cay. Tôi chưa làm được điều đó cho các con mình như mẹ tôi vẫn cần mẫn, chu đáo suốt bao nhiêu năm qua.

Đinh Thùy Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI