Tết nhất, vai những cô gái Việt lấy chồng Tây nặng thêm vạn lần

07/02/2018 - 08:07

PNO - Cuối năm, tết nhất thế này, trong khi những người thân ở Việt Nam ngóng đợi và vui sướng đón nhận những đồng ngoại tệ mới cáu gởi về thì ở trời Tây là cả những nỗi lòng.

"Nếu định cư ở trời Tây, sống vô tư được thì tụi mình sẽ rất sướng. Thế nhưng hình như mỗi cô gái Việt lập gia đình với người nước ngoài và sang đây sinh sống đều mang trên vai một gánh nặng vô hình, đó là trách nhiệm chèo chống con thuyền kinh tế cho cả gia đình ở quê nhà Việt Nam", Lan Thanh - cô gái Việt lấy chồng Đức và định cư ở đất nước này đã ba năm, cho biết.

Sau khi cưới Timo, chàng trai người Đức, như tất cả các cô gái Việt làm dâu xứ người khác, Lan Thanh chưa có điều kiện đi làm mà ở nhà nội trợ, sinh con và chăm sóc con nhỏ. Ở các nước phương Tây, an sinh xã hội tốt, trong thời gian ở nhà nghỉ thai sản và sau đó làm nội trợ, Lan Thanh vẫn được nhận những ưu đãi kinh tế từ xã hội. Cô có tiền Kindergeld (tiền trẻ em), Elterngeld (tiền bố mẹ). Bảng lương ông xã cũng được cải thiện rất nhiều sau kết hôn để lo được cho vợ con với mức sống cơ bản của xã hội. Nhưng không hiểu sao, Lan Thanh vẫn luôn cảm thấy "thiếu thốn".

Sự thiếu hụt từ trong tiềm thức đó xuất phát từ sự lo lắng và bao quát kinh tế cho gia đình phía quê nhà. "Ban đầu người nhà không ai yêu cầu mình làm thế cả, nhưng tự nghĩ mình lấy chồng Tây thì xuất phát điểm đã có ưu thế rất nhiều so với anh chị em ở nhà, nơi mà kiếm đồng tiền và mưu sinh quá ư vất vả. Thế nên mình tự động gói ghém dành dụm mỗi tháng vài ba trăm euro gửi về. Rồi cuối năm, tết nhất thế này thì phải gởi gấp đôi gấp ba cho xôm."

Nhưng ở đời, tự nhận về phía mình một trách nhiệm nào đấy và hoàn thành nó một cách tròn trịa, tức là đang gieo vào đầu óc những người có liên quan một sự mặc định, là thứ trách nhiệm mình phải làm cho họ một cách thường xuyên liên tục, thậm chí vô điều kiện. Nếu vì một lý do bất khả kháng nào đó, bản thân người trong cuộc chưa hoàn thành nhiệm vụ, sẽ bị những người liên đới lên án và suy xét.

Một đôi tháng vì những lý do thiếu kiểm soát chi tiêu, cô lạm vào số tiền để dành và chậm gửi tiền về, em trai cô ở Việt Nam đã riết róng gọi điện sang xin xỏ, thậm chí "nhắc nhở". Thực tế số tiền cô dành dụm gửi về là muốn cho ba mẹ có chút gọi là thuốc thang bổ dưỡng, hay tiền mừng tuổi cha mẹ, nhưng cậu em trai biết "điểm mạnh" - cũng là "điểm yếu" của bà chị, liên tục bòn rút số tiền đó của mẹ, và dùng chúng vào việc cá độ, lô đề.

"Tiền ở đâu cũng là mồ hôi nước mắt cả. Người thân cứ nghĩ ở nước ngoài kiếm đồng tiền dễ dàng, đồng euro đổi sang tiền Việt có giá nên họ cứ "mạnh tay" chi tiêu trước, thiếu hụt có "viện trợ" từ nước ngoài gửi về sau. Họ đâu biết chúng tôi cũng trầy da tróc vảy làm việc với cường độ cao nơi xứ người thì mới nhận về đồng tiền tương xứng. Chủ nghĩa tư bản đâu phải làm chơi hay dễ ăn đâu." - Lan Thanh bức xúc chia sẻ.

Tet nhat, vai nhung co gai Viet lay chong Tay nang them van lan

Dù là đồng tiền Việt hay ngoại tệ thì cũng là mồ hôi nước mắt của người làm ra nó. Nguồn Internet

Phương Trang, cưới chồng Pháp, cũng nặng gánh kinh tế gia đình phía Việt Nam. Cô không may mắn được như Lan Thanh, là có "quỹ đen" để tự xoay xở và tự gói ghém. Ngược lại, ông xã Pháp của Trang lại là tuýp người chặt chẽ trong chi tiêu. Cô chưa đi làm nên tất cả phụ thuộc vào kinh tế của chồng.

Hồi mới sang Pháp được bốn tháng, đang có bầu nên cô ở nhà lo dưỡng thai và chờ sinh. Tết nhất đến nơi, cô nhớ nhà nhớ ba mẹ già ở quê nhà, mới thẳng thắn trao đổi với chồng dự định gửi về chừng 400 euro. Ông xã Pháp cực kỳ ngạc nhiên: "Mỗi người có một số phận và cuộc đời riêng phải định đoạt. Tại sao em không lo cho em, cho con, cho gia đình chúng ta mà lại đi lo cho người khác? Cho dù đó là bố mẹ đi nữa thì anh cũng không đồng ý. Họ phải tự lo cho họ thôi, khi nào không tự lo nổi thì xã hội sẽ đứng ra làm việc đó."

Phương Trang suýt ngã ngửa vì câu trả lời của chồng. Người đàn ông nhân từ mà cô yêu thương và gắn bó suốt cuộc đời đây sao? Đến bố mẹ vợ mà anh còn đối xử vậy, thì còn mong chờ gì khác tương tự từ phía người đàn ông này? 

Sau này, khi đã ở Pháp thời gian lâu hơn, có dịp quan sát văn hóa cũng như cách nghĩ thực dụng của người phương tây nói chung, Phương Trang không khóc và oán trách chồng Pháp nữa. Đó là văn hóa của họ. Đàn ông phương Tây, khi lập gia đình và có vợ con, họ chỉ có trách nhiệm lo cho vợ con là đủ. Còn khi phải với cánh tay dài hơn, lo cho những người khác, họ cảm thấy rất khó hiểu. Anh đâu biết điều đó chỉ đúng với nền văn hóa và xã hội phương Tây, nơi an sinh xã hội tốt, người nhà được chăm sóc và hưởng dịch vụ tốt khi ốm đau bệnh tật hoặc không nơi nương tựa.

Cương quyết không đồng ý để vợ gửi tiền về cho bố mẹ Việt Nam, nhưng chồng Phương Trang lại rất thích mua những món quà nhỏ xinh có ý nghĩa và gửi bưu điện về cho bố mẹ vợ. Vào dịp Noel hay tết nhất, khi có dịp la cà phố xá, anh đều nghĩ đến bố mẹ vợ mặc cái áo ấm này vừa không, quàng cái khăn này hợp không... rồi sau đó mua về và khoe với vợ. "Mình cảm thấy ấm áp ở điều này. Dù sao thì anh ấy cũng không tệ như mình nghĩ. Tất cả sự hiểu lầm này là do xuất phát điểm và văn hóa Đông - Tây khác biệt. Không thể quy chiếu cách nghĩ và quan niệm quen thuộc của người phương Đông sang nền văn hóa phương Tây được", cô bộc bạch.

Để ông chồng Tây không có cảm giác mình trở thành "con bò bị vắt sữa", Như Mai lấy chồng Bỉ có cách nghĩ quyết liệt hơn. Trong thời gian ở nhà sinh con và ba năm đầu chăm sóc con nhỏ, cô quyết tâm trau dồi tiếng Pháp và tranh thủ học bằng lái xe (Bỉ là quốc gia đa ngôn ngữ, vùng cô sinh sống nói tiếng Pháp, trong khi các thành phố lân cận nói tiếng Hà Lan). Đợi khi con nhỏ đủ tuổi đi mẫu giáo, cô làm hồ sơ cá nhân và nộp đơn tìm việc làm.

"Ở thành phố mình ở, trường mẫu giáo cho con quy định chỉ nhận trẻ từ 8h -13h. Tranh thủ khung giờ buổi sáng đó, mình đã xin được một chân làm bán thời gian trong một siêu thị chuyên về mỹ phẩm. Công việc của mình chỉ là nhận hàng từ xe chuyên chở, sau đó xếp hàng hóa lên kệ cho chính xác về chủng loại và nhìn sao cho ngăn nắp khoa học.

Đồng tiền mình tự làm ra, nên mình có thể thoải mái sử dụng mà không phải "khai thác" từ ông xã. Đàn ông phương Tây phải làm việc vất vả nhưng số tiền tích lũy không được bao nhiêu vì đủ thứ thuế má hóa đơn đổ lên đầu mỗi cuối tháng. Số tiền mình kiếm được từ công việc bán thời gian, ngoài chi tiêu cá nhân, mình có thể dành dụm gửi về cho bố mẹ và với tâm thế ngẩng cao đầu. Ông xã mình cũng không dám can thiệp gì vì tiền mình làm ra do mình toàn quyền quyết định".

Tet nhat, vai nhung co gai Viet lay chong Tay nang them van lan
Các cô dâu Việt đừng vì nặng gánh gia đình phía quê nhà mà lỡ tay đánh mất hạnh phúc hiện tại. Ảnh: Internet

Sở dĩ cô nỗ lực tự đi lên từ đôi chân của mình là do đã nhìn thấy bài học nhỡn tiền từ phía người bạn gái Việt lấy chồng Bỉ cùng thành phố. Cô bạn chưa đi làm, dùng chung tài khoản với chồng. Khi bố mẹ ở quê nhà có việc lớn phải lo, là xây một căn nhà, cô đã lén chồng lấy số tiền chung hai người gom góp tích lũy được để gửi về cho bố mẹ. Anh chồng Bỉ phát hiện ra đã vô cùng giận dữ và yêu cầu cô hoàn trả lại só tiền đó. 

Người phương Tây sống tình cảm nhưng rất sòng phẳng chuyện tiền nong. Một khi niềm tin của họ bị đánh mất thì tình cảm vợ chồng cũng khó lấy lại được. Tình nghĩa vợ chồng người bạn sứt mẻ dần và kết cục dẫn đến ly hôn.

"Thử hoán đổi lại, nếu mình đi làm cật lực để kiếm ra được đồng tiền xương máu, trong khi ông xã lấy số tiền trên để gửi cho bố mẹ, lúc đó cảm giác của mình sẽ thế nào? Vậy nên trước khi hành động vì người thân, cô dâu Việt nên suy xét, kẻo vì việc nhỏ mà lỡ tay đánh mất hạnh phúc cả cuộc đời", Như Mai bộc bạch.

                                                                                                                          Mai Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI