Tết để quên, để sống vui ngày tiếp

19/02/2015 - 07:26

PNO - PN - Đêm Giao thừa, trời lạnh căm căm. Ở vùng quê xa xôi hẻo lánh như thế này, dù là đêm Giao thừa nhưng vẫn thấy tĩnh lặng. Đâu đó có tiếng chó sủa vọng lại. Gió không mạnh nhưng cứ thổi vi vút cộng với nhiệt độ thấp của...

edf40wrjww2tblPage:Content

Con đường đất nhỏ men theo bờ mương đi vào xóm nhà nằm nấp dưới bờ tre. Bỗng có tiếng xe máy. Chiếc xe đỗ ngay trước cổng nhà có mảnh sân nhỏ đầy những cây hoa vạn thọ. Trong nhà dường như vẫn còn người thức. Chị rút đôi bàn tay gầy ra khỏi đôi găng tay để dễ lấy tiền trong chiếc túi xách. Chị lấy tờ 100 ngàn đưa cho người lái xe chở chị về. Theo giao kèo ban đầu từ ngã ba Cầu Đà Di đến nhà chị là 70 ngàn nhưng chị đưa luôn tờ 100 ngàn và bảo “Thôi chú cứ giữ lại tiền thừa, chúc chú năm mới làm ăn phát tài”. Ông xe ôm tỏ vẻ ái ngại nhưng cũng đưa tay lấy. Ông cảm ơn chị rồi cho nổ xe chạy quay lại con đường mòn vào xóm lúc nãy.

Tet de quen, de song vui ngay tiep
 

Chị bước vào căn nhà cấp 4 đã nhiều phần xập xệ. Ba năm rồi chị chưa về nhà vào dịp Tết. Chị cứ cố lấy cớ là “làm ăn xa không kịp về Tết” nhưng thực chất là trốn tránh. Mấy năm trước, khi li dị chồng, chị trắng tay. Toàn bộ tài sản, tiền bạc đều bị tòa xử “phân nửa” dù thực chất toàn bộ là 1 tay chị mua sắm, làm nên. Chồng cũ của chị đã ngoại tình cùng với người bạn thân mà chị tin tưởng nhất. Cùng một lúc cả 2 con người gần kề chị nhất lại “trở mặt” với chị. Tòa xử li hôn, chị không còn chút tâm trí nào. Chị như ngã khụyu trước những đau khổ, mất mát và cả sự căm thù, uất ức. Chị gửi lại 2 đứa con cho ba mẹ chị nuôi và đi làm ăn xa. Từ đó đến nay, 3 năm rồi Tết năm nào chị cũng bảo theo chuyến hàng về không kịp, thôi để sang năm. “Cái sang năm” của chị đến nay là đã 3 năm tròn. Không hiểu lý do nào năm nay chị quyết định về nhà đón Tết.

Chị đi thẳng ra nhà sau. Nhà có vẻ sáng sủa hơn thường ngày. Bộ lư hương bóng loáng dưới ánh đèn trái ớt. Nghe có tiếng người bước vào, mẹ chị ngước lên “Hằng, con hả Hằng?”. Nói rồi bà chạy tới ôm chầm chị khóc tức tưởi. Bà mừng vì năm nay chị “chịu” về nhà. Bà mừng vì năm nay hai đứa con của chị có lẽ không phải hỏi “Sao Tết mà mẹ vẫn không  về hả ngoại?”. 3 năm qua, mỗi lần đến Tết, chị đều gửi tiền về cho mẹ để mua đồ Tết cho 2 đứa con nhưng tuyệt nhiên không về. Chị sợ về rồi bị bà con lối xóm dị nghị. Chị sợ phải thấy gương mặt 2 đứa con thân thương của chị có nét giống người cha bội bạc của chúng như tạc. Chị sợ sự căm giận vẫn còn trong lòng và đến một lúc nào đó không kiềm chế được chị sẽ hành động như những người phụ nữ tầm thường bị chồng đối xử bạc tình, bạn thân đối xử bạc nghĩa. Đó cũng là lý do 3 năm rồi chị nương nhờ nhà một người bà con xa ở vùng rừng núi heo hút. Chị muốn tĩnh lặng một thời gian, lấy lại tinh thần để gượng dậy sau cú sốc quá lớn.

Tet de quen, de song vui ngay tiep
 

Thấy mẹ khóc chị bảo “Con về rồi, má đừng khóc nữa, hai đứa nhỏ đâu má?”. “Hai đứa nó ngủ trong buồng của má. Con ăn gì chưa, tắm rửa đi rồi vô ăn cơm. Có ấm nước nóng má còn để ngoài bếp”. Chị buông tay mẹ, đi vào phòng. Hai đứa con trai của chị, một đứa lên 4, một đứa lên 6 đang nằm say ngủ. Nhìn tay chân 2 đứa còn lấm lem bùn đất chị đoán chừng chiều nay 2 đứa nó cùng ông ngoại phụ bứng mấy cây hoa vạn thọ cao to để đưa vào chậu. Chị khóc, những giọt nước mắt lăn dài trên má. Thâm tâm chị như đang có tiếng nói “Mẹ xin lỗi, mẹ xin lỗi 2 con vì mấy năm qua mẹ không về cùng hai con”. Chị kéo chiếc giỏ xách lấy ra mấy bộ quần áo có hình siêu nhân mà 2 đứa con trai chị vẫn thích.

Lúc nãy, đi ngang chợ, chị nhờ ông xe ôm dừng lại đợi chị để chị vào lựa đồ cho con. Thấy dáng vẻ chị cũng hiền lành nên ông đồng ý, mặc dù ông cũng gấp gáp lắm, ông cũng muốn chạy cho xong cuốc xe cuối cùng trong năm để về nhà với vợ con. Khi vào đến chợ thì hầu như các sạp quần áo đã dọn dẹp và đóng sạp. Ai cũng muốn về sớm một chút, trước giờ Giao thừa. Chị phải năn nỉ cô bán hàng cuối chợ mở cho chị xem mấy bộ quần áo cỡ con trai 4 tuổi và 6 tuổi. Cũng là một người phụ nữ, một người mẹ nên cô bán hàng động lòng và kiên nhẫn chờ chị chọn cho xong 6 bộ đồ có hình siêu nhân, cầu thủ bóng đá. Nhờ có vậy nên giờ chị mới tận tay ướm thử đồ cho 2 đứa con của chị. Chị tự hứa với lòng, dù cho có thế nào chị cũng không bao giờ bỏ 2 đứa con của chị như thế một lần nào nữa.

Tet de quen, de song vui ngay tiep
 

Mẹ chị bước vào “Con ra tắm đi. Má pha nước sẵn rồi đó. Tắm rồi má hâm lại nồi cá kho cho ăn”. Chị lấy tấm mền đắp cho 2 đứa con trai của chị vẫn còn say ngủ. Bước ra giếng, ba chị đang ngồi tỉa mấy nhánh hoa cúc để cho vào bình chưng trên bàn khách. Ba chị cũng nghe tiếng chị về nên thấy chị bước ra ông nói “Về kịp Giao thừa là tốt rồi”. Chị dạ một tiếng rồi bước vào tắm. Chị xối những ca nước thật mạnh vào người như muốn gột rửa đi những mệt mỏi sau một chuyến đi dài trên chuyến xe cuối năm đông nghẹt khách. Hơi ấm từ thau nước nóng mẹ chị pha hay hơi ấm của căn nhà cũ, phòng tắm thân quen khiến cho chị không còn cảm giác lạnh lẽo như lúc ngồi sau ông xe ôm. Mấy năm trước, những đêm Giao thừa như thế này chị lặng lẽ nằm yên một góc tối và khóc. Chị khóc vì nhớ con, nhớ nhà và nhớ gia đình. Chị khóc vì đêm Giao thừa, vì Tết mà không thể về nhà đoàn tụ cùng anh chị em, ba mẹ.

Ngồi trong phòng tắm nhưng chị nghe có tiếng pháo nổ tí tách từ dĩa băng nhạc. Chị thấy phấn chấn hẳn lên. Chị còn cảm nhận được cả mùi bánh tét chín bốc ra từ chiếc nồi to tướng đặt trên bếp lửa đang cháy hừng hực ở góc bếp. Bất chợt chị nhớ lại lời nói của cô bé sinh viên ngồi cạnh trên xe lúc chiều “Năm nào em cũng về nhà đón Tết. Dù không có tiền nhiều nhưng được về nhà ăn Tết là vui rồi chị à. Chị nghĩ coi, cả năm ai cũng lo học hành, làm ăn rồi nếu cứ hẹn hò lần lữa, lúc nào mới gặp mặt. Tết là để sum vầy, đoàn viên mà chị”. Ừ thì Tết là để sum vầy, đoàn viên. Với chị, 3 năm dài xa nhà ngày Tết cũng là quá đủ. Đủ để vết thương trong lòng lành lặn. Đủ để chị quên đi những hận thù, uất ức năm xưa. Đủ để chị nếm trải cảnh đón những cái Tết xa quê, xa người thân. Và cũng đủ để chị trở về làm lại cuộc đời mình sau biến cố. Đối với chị và cả 2 đứa con chị, Tết này mới thực sự là Tết đoàn viên.

HUYỀN NGA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI