'Tề gia' không nhất thiết phải siêng vào bếp

05/05/2017 - 10:25

PNO - Người phụ nữ giỏi giang, vén khéo là người luôn sống tích cực, vui vẻ bởi họ không thấy việc họ phải làm là nặng nề, họ không kể công rằng họ phải hy sinh.

Xưa nay, người ta thường nhắc đến bốn chữ “công-dung-ngôn-hạnh” như một tiêu chuẩn quan trọng để đo lường phẩm chất của một người phụ nữ (PN) hoàn hảo. Trong bốn tiêu chuẩn đó, chữ công được đặt lên hàng đầu, có nghĩa là người xưa coi trọng sự đảm đang, khéo léo, tề gia nội trợ của người PN hơn cả.

Điều đó liệu có còn nguyên giá trị cho thời hiện đại, khi PN gánh vác nghĩa vụ gia đình, xã hội ngang bằng với đàn ông?

Phóng viên: Ở nước ngoài, hay ngay trong giới trẻ ở Việt Nam hiện nay, nhiều người đã không coi trọng khả năng tề gia nội trợ của PN. Họ cho rằng miễn là cả hai cùng làm ra tiền và dùng tiền ấy giải quyết các vấn đề về ăn uống, dọn dẹp nhà cửa, thậm chí cả chăm sóc con cái…

'Te gia' khong nhat thiet phai sieng vao bep
Minh Uyên (giáo viên)

Tôi cho rằng, suy nghĩ đó và cách giải quyết những vấn đề nội trợ gia đình như vậy là rất hiện đại và đúng đắn. Trong cuộc sống hiện nay, thường cả vợ chồng cùng đi làm, gia đình có khả năng kinh tế thì việc thuê mướn người giúp việc nhà sẽ tạo điều kiện tốt cho cả hai có nhiều thời gian nghỉ ngơi, cùng nhau hưởng thụ cuộc sống.

Riêng khoản con cái thì không thể giao được, cha mẹ phải cùng dành thời gian chăm sóc và chơi đùa với con.  

Thu Giao: Lúc nào và thời nào thì tề gia nội trợ cũng hết sức quan trọng, và với đàn ông hay đàn bà, nó đều quan trọng như nhau chứ không chỉ là trách nhiệm của PN. Thế nhưng trước đây, do đàn bà ít đi ra ngoài xã hội, ít đi làm nên tất cả việc trong nhà đều do họ quán xuyến, rồi người ta áp đặt rằng hễ PN thì phải tề gia.

Quan điểm đó đến nay vẫn còn nhiều người đồng tình. Tề gia thời hiện đại rất khác so với tề gia cách đây 20 năm. Kỹ năng tề gia không chỉ là nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa nữa… Khái niệm tề gia nội trợ ở vào thời điểm chưa có siêu thị, chưa có dịch vụ giao hàng qua điện thoại, mua bán online chắc chắn là có những ý nghĩa khác với bây giờ.

Khi đủ mọi thứ dịch vụ ra đời thì ta phải nhìn lại: mục đích của tề gia nội trợ là gì và thực hành nó như thế nào? Mục đích là để cho không gian gia đình được ấm cúng, bền vững, vậy thì ta có thể sử dụng những dịch vụ cho thật tốt, miễn sao đạt được mục đích đó.

Khánh Nguyên: Gia đình là nơi bắt đầu, gia đình cũng là nơi kết thúc cuộc sống của con người ta, nên chẳng bao giờ việc tề gia nội trợ lại không quan trọng cả. Có điều, thời nay, việc ấy phải được san sẻ cho cả vợ và chồng, vì việc kiếm tiền cũng san sẻ rồi kia mà.

Tôi có nhiều người bạn trai biết nấu ăn, có người quản lý chuyện chi tiêu của gia đình, vợ của những người bạn ấy làm những việc khác trong nhà. Họ phân chia công việc với nhau một cách vui vẻ. Đó là hình mẫu gia đình rất đẹp và đúng đắn.

'Te gia' khong nhat thiet phai sieng vao bep
Khánh Nguyên (diễn Viên)

Bạn nghĩ gì về “khả năng đảm đang” của PN trong thời đại mà PN cũng bận rộn việc xã hội như đàn ông? Bạn và ông xã bạn đánh giá điều ấy ở bạn ra sao? Bạn có bao giờ cảm thấy mất tự tin nếu mình không giỏi tề gia nội trợ? 

Minh Uyên: Khả năng tề gia nội trợ của PN được trau dồi qua thời gian. Vào một độ tuổi nào đó, tầm 35 tuổi, PN sẽ có khả năng, đủ kinh nghiệm quán xuyến tốt mọi việc trong gia đình.

Cả tôi và ông xã đều nhận định là tôi không giỏi nấu nướng và chăm làm việc nhà, nhưng tôi có khả năng quản trị gia đình tốt, chăm sóc và giáo dục con cái chu đáo. Tôi nghĩ rằng, người PN đảm đang không nhất thiết là người phải nhúng tay vào làm tất cả mọi việc trong gia đình mà nên là người biết kết nối tất cả mọi thành viên trong gia đình cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau và thấy vui khi làm việc nhà.

Thu Giao: Một người PN tề gia nghĩa là tổng hòa của rất nhiều kỹ năng, ví dụ là một người biết cách xây dựng các mối quan hệ với gia đình đôi bên, biết dạy con, biết tạo ra một không gian đẹp cho nhà mình, chăm sóc nhà cửa, ăn sạch sẽ, sống sạch sẽ chứ không phải chỉ là nấu ăn.

Theo tiêu chuẩn của người xưa, tề gia là nấu ăn, đi chợ, tiết kiệm tiền, lo chu đáo cho gia đình, lúc nào cũng nhường nhịn… Còn bây giờ, yêu cầu về tề gia đòi hỏi sự tháo vát, ví dụ cũng nguồn lực như vậy nhưng phân bổ vào đâu, chi tiêu thế nào cho hợp lý. 

Tôi không dám nhận mình là người giỏi tề gia, nhưng bước vào căn nhà mình ở, người khác sẽ thấy tôi là người biết chăm sóc gia đình chu đáo. Thứ nhất là nhà luôn có hoa tươi, sạch sẽ, ngăn nắp; cơm nước thì có chất lượng, nghĩa là đồ ăn ngon và luôn thay đổi thực đơn.

Nhưng ngay cả những điều đó, theo tôi, cũng chỉ là một phần rất nhỏ của cuộc sống; cái quan trọng là trong gia đình có sự quan tâm đến nhau, có tình yêu thương, các thành viên dành thời gian cho nhau.

Khánh Nguyên: Tôi nghĩ chuyện giỏi giang việc nhà cũng có nhiều mặt, nhiều khía cạnh. Ngay cả trong nhà tôi, có người giỏi làm bánh thì không biết may vá, thêu thùa; ai cũng có mặt mạnh, mặt yếu, chả ai giỏi hết bao giờ.

Nên PN chẳng có gì mà phải mất tự tin. Chỉ cần học một chút là được, học những cái cơ bản thôi. Thời nay, học thành tiến sĩ, nhà quản lý mà chị em còn làm ngon hơn cả nam giới thì tôi nghĩ mấy chuyện nhà là “chuyện nhỏ”.

Đánh giá vẻ đẹp của một PN thông qua khả năng bếp núc, việc nhà là một biểu hiện của sự bất bình đẳng giới?

Minh Uyên: Người PN nếu có thể vừa giỏi việc nhà, việc xã hội thì quá tuyệt vời, nhưng điều đó chỉ có ý nghĩa khi cô ấy hạnh phúc và yêu thích công việc nội trợ cô ấy làm. Sẽ là bất bình đẳng nếu mặc định việc nhà là trách nhiệm mà PN buộc phải thực hiện hay đánh giá PN thông qua sự “đảm việc nhà”. 

Thu Giao: Tôi nghĩ là chẳng có người đàn ông nào thích một PN vụng về cả. Sự giỏi giang tề gia nội trợ chính là một điểm thể hiện tính vén khéo và điều ấy chắc chắn là hấp dẫn người xung quanh.

Người PN giỏi giang, vén khéo là người luôn sống tích cực, vui vẻ bởi họ không thấy việc họ phải làm là nặng nề, họ không kể công rằng họ phải hy sinh… Họ làm cho người xung quanh thấy nhẹ nhàng và hạnh phúc.

Người PN giỏi tề gia nội trợ cũng là người biết chăm sóc mình, biết làm cho người chồng tự hào, mở mày mở mặt khi đưa khách về ăn một bữa cơm. Đánh giá một người PN thông qua những điều như thế thì tôi thấy vẫn luôn luôn là chính xác.

'Te gia' khong nhat thiet phai sieng vao bep
Thu Giao (kinh doanh)

Khánh Nguyên: Có lần, bạn tôi mời nhóm tôi đến nhà ăn cơm. Khi đến nhà, tôi bất ngờ vì căn nhà nhỏ xíu của anh ấy rất đẹp và vì bữa cơm quá lịch sự, trang nhã do vợ anh ấy chuẩn bị. Phải nói là y như nhà hàng, vừa đẹp, vừa ngon, vừa rất khoa học, hợp lý.

Chị ấy là một PN có bề ngoài bình thường, nhưng từ hôm đó, chúng tôi đều hiểu vì sao bạn tôi thích về nhà ăn cơm và hay khoe cơm vợ nấu. Tôi cũng có nhiều bạn nữ không mấy thích chuyện bếp núc, nhưng họ giỏi công việc khiến nhiều người ngưỡng mộ. Người PN quyến rũ hay không, theo tôi là trong mắt người nhìn họ và yêu họ, chứ không theo tiêu chuẩn nào hết.

Nếu một người đàn ông khi yêu một PN mà nghe họ nói rằng không giỏi việc nội trợ, chăm sóc nhà cửa… và người đàn ông này thấy nản, thấy thất vọng thì bạn nghĩ gì về anh ta?

Minh Uyên: Thời nay, ngày càng nhiều PN ra ngoài xã hội làm việc, kiếm tiền và thăng tiến, thậm chí giữ những vị trí xã hội quan trọng hơn và cũng mơ ước phát triển sự nghiệp hơn cả đàn ông.

Nhiều người trong số họ không thích, không giỏi nội trợ. Nếu người đàn ông thấy nản và thất vọng vì điều đó thì chính họ tự làm khó mình, có khi còn chẳng chọn được vợ. Tôi còn thấy những trường hợp, khi người đàn ông nhất quyết chọn cho được người vợ giỏi nội trợ, nhường cơ hội thăng tiến cho chồng thì cuối cùng chính anh ta lại bị quyến rũ bởi những PN giỏi việc xã hội, khiến anh ta nể phục.

Thu Giao: Khi quen một người đàn ông, nếu cô gái nói rằng em không biết nấu ăn, hay em không thích làm việc nhà thì tôi chắc là người đàn ông sẽ thất vọng đôi chút và điều ấy tôi nghĩ cũng bình thường mà thôi, vì đàn ông nào mà không mong có được người vợ vén khéo.

Tuy nhiên, đó không phải là nhược điểm gì quá to lớn, vì nếu có tình yêu, có sự mong đợi, vun đắp hạnh phúc thì người PN chắc chắn sẽ biết cách học, biết cách tổ chức vì nấu ăn không phải là việc quá khó. Nếu người ta yêu thì người ta mong muốn cho cuộc sống của mình và người mình yêu hạnh phúc.

Còn một anh chàng mà nghĩ đến chuyện bỏ người yêu chỉ vì cô ấy không biết nấu ăn thì chắc đó là một anh chàng rất gia trưởng. Sống với người như vậy, sẽ rất khó khăn…

Khánh Nguyên: Nếu một anh chồng chỉ thích ăn ngon thì anh ta xem trọng việc lấy một người vợ giỏi nấu ăn. Còn những người đàn ông khác có thể có những mục đích khác nên sẽ lựa chọn theo cách khác. Với những mục đích riêng của mỗi người, người yêu thương sẽ biết tìm ra phương pháp để có thể đáp ứng chúng một cách tốt nhất thôi. 

Song Văn
 (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI