Quà quê trên phố

11/01/2016 - 07:07

PNO - Người thành phố ngày càng ưa chuộng những món có chữ “đồng”, như cá đồng, rau đồng... Mà “đồng” này có còn thật sự đến từ thửa ruộng bờ kênh.

Sáng nay, ngang qua con hẻm nhỏ, tôi bất chợt nhìn thấy người ta bày bán một mâm bánh cam đường. Thứ bánh hình tròn, tựa như bánh rán của người miền Bắc, bên trên có phủ một lớp đường vàng đã được thắng lửa cho chảy ra. Chỉ cần nhìn cái màu đậm đà óng ả kia thôi là đã có thể cảm nhận được vị ngọt lịm dẻo quẹo của nó...

Mâm bánh cam làm tôi dưng không nhớ tới người mẹ chồng đã khuất xa của mình. Hồi mẹ còn mạnh, vẫn thi thoảng nhắc tới thứ bánh “nhà quê” khó tìm ấy. Đôi ba lần, tình cờ gặp đâu đó ngoài đường, tôi liền mua vài chiếc làm quà cho mẹ. Mẹ vui lắm, tíu tít đầy xúc động: “Ngày xưa, mẹ đi chợ hay mua loại bánh này về cho mấy chị em chồng mày…”.

Cảm giác rưng rưng “gặp lại” ấy, sau này chính tôi đã đôi lần nếm trải như lúc trông thấy mấy quả bình bát chín hườm, hay rổ đọt nhãn lồng được bày bán khiêm tốn ở hàng rau. Y hệt như khi mình xa quê tưởng chừng lâu lắm, bỗng một ngày chẳng hẹn trước lại nhìn thấy hình ảnh quen thuộc thuở bé.

Qua que tren pho
Ảnh: Phùng Huy

Mỗi ngày đi làm, ngay góc cột đèn ngã tư, có một anh chàng nhìn qua là biết… nông dân gộc, bày ra bán những cái đài sen chưa lảy hột, còn cả cuống dài. Bây giờ, có lẽ ít ai siêng năng và có thời gian lẫn hứng thú để nhẩn nha với món quà vặt mát lành ấy nữa.

Thế nhưng, tôi vẫn bắt gặp nhiều người dừng xe để mua một ôm những cái đài sen xanh xanh, mà có thể ngày thiếu thời họ từng mang đi tặng bạn gái thay cho một bó hoa. Sáng nào tôi cũng chầm chậm chạy ngang qua, xao xác nhớ về một dạo mười sáu mười bảy, mối tình đầu cũ kỹ đã mang tặng tôi một “bó hoa” đặc biệt kiểu ấy.

Từng có mấy lần, tôi gặp cũng anh thanh niên ấy trưng ra một cái túi nho nhỏ chứa mớ củ năn nhỏ tí như đầu ngón tay, kèm với những trái bồ kết khô và mấy thanh “ô môi”, quả bần.

Còn ai thèm ăn mấy trái bần chua chát chấm muối hay không, khi hoa thơm quả ngọt Tây, Tàu tràn ngập thế kia? Tôi ngậm ngùi cầm lấy trái ô môi đen nhẻm, dài khằng và khô khan như que củi trên tay, băn khoăn chẳng biết liệu hai “đứa con thành phố” của mình có muốn dùng dao chẻ hai bên hông nó ra, gỡ từng miếng thịt “ô môi” ngòn ngọt, nhân nhẩn mà ăn không nhỉ?

Tôi có anh bạn người miền Trung, cứ nhắc thèm một tô bánh hỏi cháo lòng. Anh vẫn đều đặn kỳ công đi đến chỗ đó, quán ấy, chỉ để có thể húp trọn những cảm xúc quê nhà trong món ăn dân dã khó tìm lại của mình. Có thể, anh nhớ láng máng cái quán cháo hồi xưa đầu ngõ, mẹ thường sai anh đi mua về làm quà sáng. Cũng có khi, anh nhớ lần đầu rủ cô bạn học đi ăn vặt, hai người đã bối rối ngồi bên tô cháo từ lúc nó còn nghi ngút khói cho tới tận khi cháo nguội…

Thế nhưng, đôi khi “gặp lại” mà sao lòng kèm theo nỗi e dè, bởi mấy món ăn của ký ức xa xăm đã được “cải tiến” đâu đó, trong cái phẩm màu rực rỡ đầy nghi hoặc, hay hương vị đã thêm thắt khác xưa nhiều quá.

Người thành phố ngày càng ưa chuộng những món có chữ “đồng”, như cá đồng, rau đồng... Mà “đồng” này có còn thật sự đến từ thửa ruộng bờ kênh, hay được chăm bẵm kiểu công nghiệp, trà trộn giả dạng quà quê trên phố? Thế nhưng, người ta vẫn săn đón, giành giật, bởi sợ những thứ thực phẩm được nuôi vỗ, tẩm ướp ngụy trang, hay một phần vì thèm nhớ những hương vị còn phảng phất chút mùi bùn lầy váng phèn? Có lẽ là cả hai.

Người ta mang quà quê lên phố, bởi có đi đâu về đâu, vẫn khó quên được những món ăn đẫm hương vị quê nhà… Người ta chấp nhận đặt niềm tin vào những món quà thời xa xưa ấy, như một cách để bản thân được tạm “gặp lại” quê nhà, ngay giữa thành phố thân thương mình đang sống...

Hoàng My

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI