Phúc - họa kết hôn giả

02/06/2015 - 06:34

PNO - PN - Kết cục thiệt thòi, bẽ bàng rất có thể xảy ra nếu vợ chồng chung sống mà không đăng ký kết hôn. ngược lại, nếu vì lợi ích nào đó, hai người gắn với nhau bằng tờ hôn thú chứ không liên quan gì với nhau ở đời thực,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Phuc - hoa ket hon gia

Tính kỹ - dè đâu…

Vợ mất sớm, ông Minh Thuận (ngụ ở Chợ Mới, An Giang) dành hết tình thương cho Kiều Thanh(*), cô con gái xinh đẹp duy nhất. Năm 2009, trong xóm rộ lên phong trào lấy chồng nước ngoài, ông Thuận cũng ao ước Thanh lấy Việt kiều rồi ở luôn bên Mỹ, sau đó bảo lãnh ông. Cơ duyên đến, qua tiếp xúc với một tay môi giới, ông Thuận được biết việc qua Mỹ định cư không quá khó, chỉ cần làm thủ tục kết hôn giả với một Việt kiều Mỹ với tổng chi phí 40.000 USD: đóng 10.000 USD ban đầu khi tiến hành giao dịch, 20.000 USD khi thực hiện việc đăng ký kết hôn giả và bảo lãnh sang Mỹ, 10.000 USD khi qua đến đất Mỹ, thanh toán nốt khi được thẻ xanh và hoàn tất thủ tục ly hôn.

Thấy cơ hội đổi đời cho con hiện rõ mồn một, ông Thuận gom góp tiền bạc, bán hết đất đai, bán luôn căn nhà đang ở và vay mượn họ hàng để làm hợp đồng kết hôn giả, xuất cảnh cho con. Mọi việc diễn ra suôn sẻ, vào cuối năm 2012, cú điện thoại của Thanh từ Mỹ làm ông thở phào, vui sướng. Đi đâu ông cũng khoe chuyện con nhập cảnh trót lọt và tự hào có con gái là Việt kiều.

Đến năm 2013, “chàng rể hờ” bất ngờ đề nghị ông Thuận phải chi thêm 25.000 USD thì mới tiếp tục giao dịch. Ông Thuận không đồng ý (mà cũng chẳng còn tiền để nộp). Hai bên căng thẳng, chưa thỏa thuận ngã ngũ thì đùng một cái, ông Thuận nhận được tin Kiều Thanh bị trục xuất, cấm nhập cảnh vào Mỹ vĩnh viễn, lại còn phải đóng tiền phạt lên đến 250.000 USD. Liên lạc với tay môi giới lẫn “chàng rể” đều không được, ông Thuận đành đến văn phòng luật sư nhờ can thiệp.

Qua tìm hiểu sự việc, luật sư biết được vụ kết hôn giả của cô Thanh bị Sở Di trú Mỹ (USCIS) phát hiện, “chàng rể” phải đối mặt với bản án tù. Ông Thuận mất cả chì lẫn chài, không cách nào khởi kiện hay cứu vãn được khi ngay cả giấy chứng minh nhân dân, địa chỉ thường trú của tên môi giới, ông cũng không nắm rõ. Rồi đây khi “cô dâu Mỹ” bị trục xuất về nước, cha con ông còn phải đối mặt với mức xử phạt của pháp luật Việt Nam.

Nhắc tới “kết hôn giả”, người ta nghĩ ngay đến mục đích xuất cảnh. tuy nhiên, trên thực tế, nó có “công hiệu” khá đa dạng, là công cụ để trục lợi từ kẽ hở pháp luật. “lợi thì có lợi nhưng…” trường hợp của ông Hoàng Minh (ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) lại dở khóc, dở cười.

Là thầu xây dựng, ông Minh mua chịu vật tư của cửa hàng và hứa sẽ thanh toán một lần khi hoàn thành công trình. Hứa lần hứa lữa, chủ cửa hàng làm căng thì ông Minh lại cà rỡn: “Đại ca cứ an tâm, không phải lo gì, nhà em ở đây, chứ có bay đi đâu. Lỡ có gì thì đại ca dọn tới rồi đuổi em ra đường là xong”. Khi khoản nợ lên đến bạc tỷ, chủ cửa hàng khóa sổ và khởi kiện ông Minh. Việc hầu tòa cũng “trần ai khoai củ”, đến khi thắng kiện, đợi mãi vẫn không thấy ông Minh tự giác trả tiền, chủ cửa hàng bèn nộp đơn thi hành án, mới hay ông Minh đã “hô biến” căn nhà duy nhất của mình.

Để luồn lách trốn nợ, ông kết hôn giả với một bà góa; rồi sáp nhập căn nhà vốn là tài sản riêng của ông thành tài sản chung của “hai vợ chồng”. Chưa yên lòng, ông bà lại đem căn nhà thế chấp vay ngân hàng, giải trình với chủ nợ và cơ quan thi hành án là đã dùng số tiền vay được để mổ tim và chạy chữa đủ thứ chứng bệnh cho vợ, có đầy đủ hồ sơ bệnh án để chứng minh. Chạy tới chạy lui mất công mà chưa được gì, cuối cùng chủ nợ bỏ cuộc trong niềm hoan hỷ của ông Minh.

Nếu dừng lại ở đó thì quả là kế sách kết hôn giả của ông Minh thật hoàn mỹ, ngờ đâu “kẻ cắp gặp bà già”. Bà vợ đau ốm liên miên của ông Minh chọn thời cơ chín muồi khi chủ nợ đã rút lui, ông đã tất toán ngân hàng và lấy sổ hồng về, bà vùng dậy đòi ly hôn, chia tài sản. Dù có làm hợp đồng kết hôn giả nhưng ở tòa, ông Minh không thể trưng ra, vả lại, chính ông tự nguyện "sáp nhập", nên đành ngậm ngùi chia phân nửa giá trị căn nhà cho… “diễn viên vợ”.

Lý - tình nào cho kẻ bịt miệng sự thật?

Đâu ai “nội soi” hay mổ xẻ trái tim để biết cô dâu, chú rể đến với nhau bằng tình yêu chân thật hay chỉ ký tên vào tờ hôn thú để mưu cầu những lợi ích thực dụng. Vả lại, khá nhiều trường hợp kết hôn giả cũng đã “che được mắt thánh”, đưa lại cho họ khá nhiều cơ hội mới, giúp họ “lên hương”, giàu sang, sung sướng. Thực tế đó xúi giục họ bắt tay thỏa hiệp với sự giả trá. Có người biện minh: “có hại ai đâu, làm gì ghê vậy?”. Có! Nếu người ta không tiếp cận cuộc sống bằng lòng thành thì sẽ chẳng mang lại một kết quả tốt đẹp nào cả. “Nếu anh bịt miệng sự thật và chôn nó xuống đất, nó sẽ lớn và ngưng tụ sức mạnh bùng nổ tới mức vào cái ngày mà nó mọc lên, nó sẽ thổi bay mọi thứ” (Emile Zola); huống chi họ lại chà đạp lên phạm trù thiêng liêng nhất - gia đình.

Phuc - hoa ket hon gia

Khách quan mà nói, không phải cuộc đời diễn ra như mình hoạch định và rất có khả năng bản thân phải trả giá đắt cho những bất trắc trên đường đến mục tiêu. Vả lại, chắc gì mình luôn làm chủ được tình thế khi hợp tác, “đứng chung xuồng” với những kẻ hám lợi, lọc lừa, thay đen đổi trắng. Chắc gì mình không bị họ bán đứng, bị bạo hành, xâm hại tình dục hay lợi dụng danh nghĩa vợ chồng để khai thác các mối quan hệ với mục đích kiếm tiền. Chính vì thế, khi bạn ăn cắp sự thật, bạn sẽ mất - mất tiền bạc, uy tín, cảm hứng sống, mất cả niềm tin vào chính mình.

Vì những lẽ ấy, dù mượn chiêu kết hôn giả để làm bức bình phong, trốn chạy khỏi áp lực nào đấy thì cũng không thể cảm thông. Để che đậy cái thai vô thừa nhận, chị Nguyễn Thị Uyên (công nhân khu chế xuất Tân Thuận, Q.7, TP.HCM) đã rao tìm “chồng” trên mạng với gói hợp đồng 30 triệu đồng. Sau một năm “riêng sống”, gần đến thời điểm ly hôn, thanh lý hợp đồng, ông “chồng thuê” bắt đầu giở quẻ: tung hê mọi chuyện, bắt cóc đứa bé, đòi 100 triệu đồng tiền chuộc.

Nhờ đến công an, luật sư, trầy trật lắm chị Uyên mới giành lại được núm ruột của mình, nhưng rồi chị phải vất vả gian nan thực hiện các thủ tục pháp lý từ ly hôn đến làm lại giấy khai sinh cho con - loại bỏ tên cha. So với sự miệt thị, khinh rẻ dành cho người phụ nữ không chồng mà có con thì những gì chị Uyên phải gánh chịu khi sự việc đổ bể nặng nề hơn rất nhiều.

Kết hôn giả ở người đồng tính, song tính, chuyển giới cũng đem lại nhiều hệ lụy đáng tiếc, thậm chí đổ máu khi nạn nhân phát hiện bạn đời đã lừa gạt, kết hôn chỉ để che giấu xu hướng tính dục thật. Giả sử bạn thẳng thắn bộc lộ điều đó để tùy người kia chấp nhận, tự nguyện chung sống hay không (vì mục đích kiếm con, nương tựa tinh thần…) thì đâu gây tổn thương cho cả hai. Tại sao mình không dũng cảm đối mặt với áp lực ấy mà lại đẩy cho người khác? Sao không sống tốt, sống thật, sống thật tốt để thay đổi cách nhìn khắt khe đối với cảnh ngộ của mình? Yếu đuối cũng chính là ích kỷ!

Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định “Cấm kết hôn giả tạo” và theo điều 28 Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã có hiệu lực từ 11/11/2013 đã tăng mức phạt với một số vi phạm, cụ thể: Phạt tiền 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi làm giả giấy tờ để làm thủ tục đăng ký kết hôn; Phạt tiền 10 - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Lợi dụng việc kết hôn nhằm mục đích xuất cảnh, nhập cảnh; nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; lợi dụng việc kết hôn để hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để thực hiện các mục đích trục lợi khác; phạt tiền 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi môi giới kết hôn trái pháp luật.

Ai đó đang toan tính thì nên cân nhắc thấu đáo hệ quả pháp lý, đạo đức trước ý định thực hiện việc kết hôn giả tạo!

Luật sư BÙI MINH NGHĨA (Đoàn Luật sư TP.HCM)

(*) Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI