Phong vị đàn bà

11/02/2018 - 06:00

PNO - Chẳng có gì tự nhiên sinh ra, tự nhiên mất đi, vẻ đẹp nội tại của người đàn bà đã trở thành một phần trong vẻ đẹp của ngày tết gia đình.

Từ lúc boléro trở lại, tiệc tất niên trong xóm, đám ghiền karaoke hay nghêu ngao bài hát nịnh đầm: “Tết này anh không cần kẹo mứt vì đã có môi em thơm ngọt tựa sen hồng…”. Câu hát là chuyện nói cho nhau vui, nhưng nghĩ cho cùng, thẳm sâu sau những lời tưởng như dễ dãi ấy, là niềm vui vì cuộc đời mình có em, có thêm người đàn bà trong gia đình và từ đó mà cái tết bỗng trở nên hoàn toàn khác biệt. Ngày tết bao nhiêu là phong vị đặc sắc, nhưng cái phong vị ngầm ẩn chi phối tất cả những phong vị khác, ấy là người đàn bà trong gia đình.

Phong vi dan ba
Ảnh: Internet

Cũng chẳng phải cứ có người đàn bà là có cái phong vị ấy. Đôi khi vẫn nghe câu than phiền: “Thứ đàn bà vô vị!”. Thì ra cái phong vị đàn bà hoàn toàn không đơn giản. Cái phong vị ấy không phải là thứ có thể chưng trổ trong nhà, trong phòng khách, nó chẳng bao giờ hiện ra cụ thể, rõ ràng cho người ta có thể nắm bắt, nhưng cứ thử thiếu đi, thì sẽ nhận ra liền. Thiếu nó, mọi thứ trở nên lễnh loãng, nhạt phèo, không thể hòa quyện vào nhau mà tôn nhau lên được, có vẻ như mỗi thứ đều giảm đi một chút, mất đi một phần hồn vía, hương sắc. Ngày tết, không có người đàn bà chủ nhà, có mua bao nhiêu thứ về cũng khó mà đủ tết.

1. Tết năm rồi chị không ở nhà, cả gia đình cùng đi du lịch. Kế hoạch được lên từ trước, hành trình bao nhiêu điều thú vị, hấp dẫn. Vợ chồng con cái không cần lo lắng sắm sửa dọn dẹp nhà cửa gì, chỉ lo cái va-li, đôi giày, xe, máy ảnh và điện thoại... Hai sáu âm lịch, cả nhà chất lên xe, khởi đầu hành trình. Lúc đóng cửa, chị chợt cảm thấy tần ngần, lại mở cửa ra chạy lên lầu thắp một tuần nhang cuối, cả nhà đứng chờ nhang tàn hẳn rồi mới đi.

Cô út của chị 16 tuổi, vui lắm khi được đi chơi, láu táu hỏi ba: “Năm nay mình ăn tất niên dọc đường, ba nhớ chọn nhà hàng nào có màu sắc tết nha ba!”. Cả chuyến đi chẳng có nhà hàng nào như ý muốn con bé. Nó mau quên, nhưng chị thì nhớ mãi. Khi ăn cùng chồng con trên đường du lịch, những bữa ăn đắt đỏ mà toàn thực phẩm tủ lạnh, nhân viên phục vụ hồn vía đã để đâu ở nhà, lòng chị thắc thỏm nhớ căn bếp của mình. Chuyến đi kết thúc ở nhà nội ngày mồng Bốn tết. Thắp nén nhang lên bàn thờ ông bà, chị bảo chồng thôi năm sau mình đừng đi nữa, đi thì cũng vui, nhưng cũng thấy mình… dại.

Vốn là những đóa hoa sắc hương rực rỡ, nhưng những ngày cuối năm, người đàn bà tất bật với những lo toan, sắm sửa trong gia đình, vẻ long lanh bên ngoài có khi không còn thì giờ trau chuốt. Dễ hiểu vì sao mọi thứ trong căn nhà trở nên ấm áp lung linh hơn: bởi từ đôi bàn tay chăm sóc ấy, hơi ấm và vẻ đẹp của người đàn bà đã được chuyển vào trong những vật dụng, hoa trái, bữa ăn gia đình.

Chẳng có gì tự nhiên sinh ra, tự nhiên mất đi, vẻ đẹp nội tại của người đàn bà đã trở thành một phần trong vẻ đẹp của ngày tết gia đình. Chị nói với chồng, tưởng đón tết phương xa mình vừa được nghỉ ngơi vừa thêm phong vị mới, nhưng đi chơi rồi em mới thấy như mình đánh mất cái tết của cả nhà.

Phong vi dan ba

2. Má là một cựu nữ tù chính trị. Má sinh chồng chị vào tết Mậu Thân, giữa đêm đạn bom nổ rân trời bốn bề không biết đâu mà tránh, người đàn bà ôm bụng bầu sấp ngửa chạy trong ánh chớp lửa đạn, ra khỏi nhà thương, cơn đau trở dạ ập tới, má cắn răng chạy trở lại. Đêm giao thừa nhà thương vắng ngắt, cô mụ đỡ sanh an ủi người đàn bà trẻ: “Ráng lên em, sanh con ra thì mình được sống mà con mình cũng sống”. Má nói năm ấy không có tết, đứa con sơ sinh là tết của má, đang ôm trong lòng, là sức mạnh giúp má vượt qua tất cả. Sức mạnh ghê gớm của người đàn bà vừa được làm mẹ.

Nhìn bà già nhỏ xíu, tóc trắng bới một củ hành sau ót, hình hài mong manh trong tấm áo bà ba màu trắng ngà bông nho nhỏ thanh nhã hiền hậu, không thể hình dung nổi làm sao má có thể sống sót qua chừng ấy năm tù đày tra tấn, đánh đập man rợ. Một nhà văn viết về thế hệ của má: “Bất chấp mưa bom bão đạn, bất chấp tra tấn tù đày, các mẹ các chị vẫn kiên cường đấu tranh, vượt qua tất cả”. Má kiên quyết nói: “Không được, phải sửa liền con ơi. Làm sao mà “bất chấp” được, con? Có ông trời nào sinh ra phụ nữ để đi đánh nhau, để “bất chấp”, chỉ vì nó đánh nó giết chồng mình, con mình, mình không chịu nổi, phải chống lại, phải đấu tranh mới sống được. Hiểu không con, “bất chấp” không phải là sức mạnh của đàn bà mình đâu, cùng lắm, nó chỉ là một thứ lửa rơm của những người chưa từng trải”. 

Má kể, hồi đó, khi một thượng nghị sĩ Mỹ tuyên bố "Mỹ đã biến Sài Gòn thành một ổ điếm", sự xúc phạm sâu sắc đã khiến những người đàn bà đứng lên đấu tranh bảo vệ nhân phẩm, danh dự của mình. Đội quân phụ nữ là vô tận, sức mạnh và sự biến ảo, linh hoạt của đội quân ấy trong đấu tranh khiến kẻ thù khiếp sợ. Ý thức về lòng tự trọng, về quyền sống đã cho họ sức mạnh; bản lĩnh đàn bà không cho phép ai coi thường, khinh rẻ; họ dấn thân không phải chỉ vì mình mà còn vì những người mình thương yêu. Nhân phẩm của người đàn bà đâu chỉ là của riêng họ, còn là phẩm giá của chồng con, của nhiều thế hệ, của giống nòi. Quyền sống cũng là quyền làm người đúng nghĩa, mình cúi đầu chịu nhục từ bỏ cái quyền đó đi, kẻ thù tiếc gì mà không bắn không giết, không chà đạp xúc phạm luôn cả nòi giống của mình… 

Phong vi dan ba
Ảnh minh họa

Chị ngồi nghe chuyện, nghĩ những người đàn bà chưa hẳn đã hiểu tận bản thân mình, chị, em, mẹ, bà mình. Cứ nghĩ tuyên bố hùng hồn kiểu “bất chấp”, cứ nghĩ đòi hỏi ngang ngửa như đàn ông, là bình đẳng, là nữ quyền, mà không biết sai lầm lớn nhất của bình đẳng giới chính là không phân biệt giới tính. Cái sức mạnh riêng của người đàn bà chỉ thực sự có được khi người đàn bà hiểu được mình, chỉ tìm thấy trong cái nhìn nội tại. Nỗ lực quyết liệt kê vạn sự cho bằng giữa hai giới đôi khi lại làm suy giảm sức mạnh của chính những người phụ nữ, bởi nó ngăn người ta tìm tòi sâu hơn để hiểu chính bản thân mình và nguồn cội sức mạnh của mình. 

Chị nghĩ, cũng như tết, có thể người xưa thưởng xuân với cây nêu tràng pháo, nay nhà mình treo lá cờ trước cổng, đặt chậu hoa bên thềm; có thể đàn bà xưa loay hoay phơi dưa món, sên mứt, gói bánh tét bánh chưng, đàn bà nay tất tả lựa chọn, chất một xe đẩy đầy, rồng rắn xếp hàng trong siêu thị... nhưng phong vị đàn bà vẫn vậy, nguồn năng lượng vô tận để họ có thể lo toan mọi việc vẫn là từ tấm lòng yêu thương, lo lắng cho mỗi người thân, quán xuyến gia đình trong nhà ngoài ngõ. Vẻ ôn nhu hòa thuận của người đàn bà hòa hợp với tiết xuân, nên phong vị ấy nồng nàn thêm trong ngày tết.

3. Cái tết mang con gái lớn của chị trở về. Con bé học xa nhà đã mấy năm, về kéo theo “cái đuôi” là cậu bạn trai người Hà Lan, có lẽ mang lòng say mê cô bạn cùng trường học xuất sắc và “mạnh mẽ một cách bí ẩn” như cậu nói. Tiệc tất niên xong, cậu thanh niên trẻ khoác tạp dề vào đứng rửa chén, tự nhiên, thuần thục, trong khi con gái chị vẫn còn nán lại bên bàn uống rượu với ba. Con bé bảo đó là chuyện anh ấy thích làm, cứ để ảnh làm. Chị nghĩ có ai mà lại thích rửa chén, nhưng rồi mấy hôm sau chị thấy, cậu thanh niên thích đi siêu thị mua thực phẩm, thích nấu ăn… cũng thực lòng như thích lướt web và kể cho mọi người bên ấy nghe mình đang “nhậu” với ba của bạn gái như thế nào… 

Đàn bà cũng như mùa xuân, có những mùa xuân buồn, vui, thơm, chát, đắng, nồng... mùa nào cũng là tuyệt phẩm. Đi qua cái tết, mùa xuân của họ được san sẻ cho những người thương yêu, nhưng cứ nhìn đi: cuối mỗi mùa yêu thương ấy, mỗi người đàn bà hình như trở nên đằm thắm hơn, mặn mà hơn trong ý thức về nguồn năng lượng đặc biệt của mình. 

Hạnh Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI