Phố đèn đỏ tại sao không?

04/04/2018 - 12:17

PNO - Rất nhiều vấn đề sẽ phát sinh khi mại dâm được xem là một nghề, được hoạt động công khai, hợp pháp. Điều đó là chắc chắn. Nhưng nghiêm cấm mại dâm như lâu nay chúng ta vẫn làm liệu có ít vấn đề hơn?

Bài viết của tác giả Phong Vân dưới đây ủng hộ cho một khu phố đèn đỏ hợp pháp, nơi có thể có cả “khu mỹ nam” dành riêng. Còn bạn nghĩ sao?

Trong nhiều vụ ly hôn, có những vụ đương sự chỉ xem đó là cách đe dọa vợ/chồng, chứ thực tâm không muốn phải chia đôi gia đình. Như trường hợp của đôi vợ chồng đối nghịch nhu cầu tình dục, sau khi sinh con đầu lòng dưới đây.

Pho den do tai sao khong?
 

Người chồng, dẫu nỗ lực giúp cải thiện tình trạng vợ không còn ham muốn, cố sẻ chia gánh nặng, giải tỏa áp lực tâm lý đến cầu viện y khoa vẫn không cứu vãn được. Người vợ hiểu hôn nhân sẽ chết nếu gối chăn nguội lạnh. Chị đến các quán cà phê “đèn mờ”, tìm một cô gái ưng ý, bỏ tiền đưa cô gái đi khám sức khỏe, mua cho vài bộ đồ đẹp và yêu cầu cô nghỉ việc, sắp đặt những cuộc gặp “vô tình” giữa chồng và cô gái. Chuyên nghiệp và đầy kinh nghiệm, cô gái nhanh chóng “hạ gục” chồng chị.

Nếu có một khu phố đèn đỏ tồn tại, không riêng các ông, những bà vợ cũng sẽ vui thích tìm đến nếu có “khu mỹ nam” dành riêng - vì rõ ràng, có một đời sống mại dâm nam đang ẩn mình sôi sục. Tôi tin rằng, chỉ những bà vợ/ông chồng… xui lắm mới bị bạn đời ruồng bỏ vì một nhan sắc hành nghề nơi khu phố diễm tình.

Hiển nhiên, người vợ cao tay đã tính toán, không để giữa chồng và cô gái phát sinh tình cảm, bằng cách nói sự thật sau dăm cuộc chồng và cô gái gặp gỡ “riêng tư”. Cô gái biến mất theo thỏa thuận. Chồng chị vò đầu ăn năn. Anh nhẹ lòng hơn khi được vợ thấu hiểu: đó không phải cơn say nắng, mà là sự thúc giục của cơn đói lâu ngày. Phần mình, chị không mảy may đau đớn, bởi ngay khi lên kịch bản, chị đã chiến thắng sự cấu xé tâm can.

Nhưng, cuộc sắp đặt cho chồng và cô gái thứ hai của chị lại… phá sản. Anh bảo mình yêu vợ, không muốn chiều theo ý muốn của vợ và tin rằng có rất nhiều cách khác để yêu thương. Tuy nhiên, ý nghĩ một ngày nào đó, từ thỏa mãn cơn đói đến nảy sinh tình yêu cùng người phụ nữ xa lạ nếu để chồng tự tìm lấy vẫn luôn ám ảnh người vợ. Chị muốn được “kiểm soát” những bữa ăn cho cơn đói của chồng. Không thống nhất được, chị đơn phương ly hôn - một cách đe dọa chồng với lý lẽ thà đau khổ trước, còn hơn tan nát nếu chồng yêu ai đó sau này.

Pho den do tai sao khong?
Ảnh minh họa

Tôi chơi thân với một cặp vợ chồng giảng viên có cuộc sống hạnh phúc, viên mãn, chi phối bởi nguyên tắc duy trì tình bạn, quan hệ tri kỷ trong hôn nhân. Họ bảo, để làm được điều này, họ thống nhất không sở hữu, không ích kỷ, để tôn trọng và có thể nói được với nhau mọi điều. Họ xem ly hôn là sự giải phóng và sẽ giải phóng ngay lập tức nếu một trong hai đem lòng yêu người khác. Nhưng, họ vui vẻ cho phép và chấp nhận cho người kia được “tình một đêm”, miễn… bí mật, an toàn và không ảnh hưởng đến gia đình.

Họ lý giải bằng sự thật đơn giản, ai cũng biết, nhưng không ai dám nói: “Gia đình nào chẳng có lúc ra quán ăn một bữa. Sống với nhau lâu dài, cảm xúc tiêu tán, vợ hay chồng hấp dẫn mấy cũng thành… cơm nguội”. Họ còn không ngần ngại, rằng, việc ăn một bữa ngoài cho họ bí quyết để chế biến món cơm nhà ngon hơn - đó là cách duy trì cảm xúc, mới mẻ giữa hai người.

Tuần trước, nửa đêm, tôi bị người anh kết nghĩa - nhà văn, hiện đang là giám đốc tiếp thị cho một nhà xuất bản - dựng đầu dậy, chỉ để khoe rằng: “Cách đây mấy tiếng, anh đứng trên cầu với ý định gieo mình; nhưng giờ cảm giác tự do, được giải phóng khỏi chính mình khiến anh hưng phấn, yêu sống”. Anh bảo, kéo anh khỏi cơn thất thần là hình ảnh vợ con, song bấy nhiêu không đủ làm vơi cảm giác chán sống tích tụ từ áp lực công việc, áp lực của hôn nhân. Anh đi nhậu, làm quen với cô gái bán bia, sau đó chi tiền để “mua” cô vài tiếng.

“Những khó khăn trong công việc, không chia sẻ được với vợ, những mệt mỏi phải thu xếp để duy trì hạnh phúc hôn nhân, những gãy đổ trong lòng khi cố gắng hòa thuận với các mối quan hệ xung quanh… anh trút hết lên cô gái. Anh thì vơi lòng mà cô gái cũng không hề nặng lòng” - anh kết luận. Tôi đùa: “Anh có làm gì cô gái ấy không?”. “Cũng là chuyện bình thường và thiên thu anh sẽ không tìm lại cổ” - anh cười.

Khi câu chuyện hợp pháp hóa mại dâm vẫn còn đang tranh cãi, không ít người thực sự cần đến những “người lạ” như một giải pháp duy trì hạnh phúc, bù đắp những thiếu hụt trong đời sống riêng tư, hay để giải phóng chính mình khỏi vô vàn ẩn ức, áp lực. Họ cũng cần công khai, hợp pháp những lý do tìm đến người lạ của mình. 

Phong Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI