Phạt vi phạm hành chính trong hôn nhân và gia đình: Những giải pháp bế tắc

18/03/2013 - 16:33

PNO - PN - Nhiều ý kiến đã tỏ ra hoài nghi chế định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình mà Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến (Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp).

Người ta cho rằng, nó chưa nhắm đến việc bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em; rằng hôn nhân gia đình là vấn đề đạo đức, văn hóa của người Việt, sao lại phạt tiền; rồi việc định lượng “ông ăn chả bà ăn nem” thế nào để có thể quy ra người này phạt hai trăm, người kia một triệu? Người ta còn hoài nghi chế tài phạt tiền ấy liệu có cải thiện được môi trường hôn nhân và gia đình, làm cho nó lành mạnh lên không. Tóm lại là hoài nghi đủ thứ...

Phat vi pham hanh chinh trong hon nhan va gia dinh: Nhung giai phap be tac

Gấp đôi mức phạt

Cảnh cáo và phạt tiền là hai hình thức phạt chính, cảnh cáo đi trước phạt tiền. Các hành vi như tảo hôn; tổ chức tảo hôn; vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng; kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; kết hôn giữa những người cùng giới tính; vi phạm quy định về đăng ký khai sinh… tùy mức độ mà áp dụng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền. Vấn đề kết hôn đồng giới dù đang được bàn cãi sôi sục nhưng pháp luật hiện hành cấm hành vi này nên vi phạm cũng bị xử lý. Việc xử phạt các hành vi trên được quy định từ năm 2001(Nghị định 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11/2001), so với dự thảo 2013 chỉ có một khác biệt là mức tiền phạt 2013 nâng cấp, ví dụ năm 2001 là từ 100.000đ đến 500.000đ thì nay gấp đôi, từ 200.000đ đến một triệu.

Ngoại tình có gây hậu quả nghiêm trọng?

Nhiều hành vi được thòng câu “nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng” như lá bùa để “giải cứu” người vi phạm. Câu thòng này đặc biệt “đắc địa” đối với hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Tôi xin được trao đổi lại, việc ngoại tình và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng là không đồng nhất. Theo Hướng dẫn tại điểm 3.1 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/9/2001 liên Bộ Tư pháp - Bộ Công an - Tòa án nhân dân tối cao - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thì chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai, nhưng cùng sinh hoạt như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung, đã được gia đình, cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó. Hậu quả nghiêm trọng có thể là làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát...

Phạt bao nhiêu tiền mới... sợ?

Có một thực tế, dường như tiền phạt tỷ lệ thuận với sự gia tăng vi phạm, đành phải nâng cấp phạt để theo kịp giá cả leo thang và đồng thời là sự xuống cấp đạo đức xã hội. Luật Xử lý vi phạm hành chính Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2014 quy định mức phạt tiền tối đa 30 triệu đồng đối với cá nhân trong các lĩnh vực như hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, bạo lực gia đình, hành chính tư pháp. Có ý kiến cho rằng, mức phạt trong dự thảo chưa đủ “đô” để răn đe vi phạm. Tôi thì cho rằng phạt tiền là giải pháp… bế tắc, vì lời giải không nằm ở tiền, mà ở lòng tự trọng của mỗi người và trách nhiệm công dân trước xã hội. Giả như, thu nhập cá nhân được kiểm soát tốt và tiền phạt tương thích với hầu bao người vi phạm, thì việc phạt tiền mới là tối ưu.

Hoàng Kim Chiến
(Phó vụ trưởng - Phó trưởng Cơ quan đại diện Bộ Tư pháp tại TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI