Phận vợ hờ

28/08/2018 - 06:00

PNO - Cuộc đời Phượng chia thành hai nửa. Một nửa là chăm sóc, lo lắng, yêu thương, hạnh phúc… như một người đàn bà có chồng. Còn nửa kia vẫn là cô đơn với bao tâm sự ngổn ngang, chất chứa.

Phượng xinh đẹp, đảm đang và tận tâm. Dù vậy, cô không hạnh phúc. Suốt cả thời thanh xuân, trong lúc cô vất vả chăm sóc con cái, nhà cửa, chồng Phượng cứ “hoa thơm bướm lượn” hết cành này đến cành khác. Cứ nghĩ chơi chán rồi chồng cũng về nên Phượng cố chịu đựng, tha thứ, cho đến khi chồng đậu phải một cành cây có keo dán sắt. Người phụ nữ ấy đã ràng buộc chồng Phượng bằng một đứa con. Phượng đành ly hôn, một mình nuôi hai con trai.

Phan vo ho
 

Đàn bà nuôi con một mình luôn phải gồng lên trước những khó khăn vật chất, tinh thần và phải che giấu cả những khao khát về một bờ vai để nương tựa. Gần 10 năm, Phượng quên mình vì con. Nhiều người đàn ông đến rồi đi với lý do lớn nhất có lẽ cũng chính là hai đứa trẻ. Đến năm Phượng 45 tuổi, con đã lớn, có người bạn mai mối cho cô một Việt kiều. Người đàn ông hơn cô gần 20 tuổi, đã ly hôn (theo lời ông nói). Tuy tuổi khá lớn, nhưng nhìn ông vẫn còn phong độ, tính tình nhẹ nhàng và ân cần. Phượng vô cùng hạnh phúc.

Đến nay, tình cảm của Phượng và ông ấy kéo dài đã 6 năm. Phượng giới thiệu với mọi người ông ta là chồng. Thế nhưng, thỉnh thoảng, vào những đêm lặng lẽ, những khi đau ốm hay những cơn giận dỗi nhau qua internet, Phượng lại tự hỏi: người đàn ông ấy có thật là chồng mình không? Vì những lý do về visa và công việc, ông Hải (tạm gọi là chồng Phượng) một năm chỉ có thể sống ở Việt Nam chừng 4-5 tháng. Cuộc đời Phượng chia thành hai nửa. Một nửa là chăm sóc, lo lắng, yêu thương, hạnh phúc… như một người đàn bà có chồng. Còn nửa kia vẫn là cô đơn với bao tâm sự ngổn ngang, chất chứa.

Phan vo ho
Ảnh minh họa

Từ ngày ly hôn chồng cũ, Phượng vẫn phải ở thuê, cực khổ kiếm tiền nuôi con. Nay ông Hải chu cấp cho cô tiền thuê nhà hằng tháng - một căn hộ chung cư khá khang trang - cũng là nơi ông sống thoải mái, sung sướng mỗi khi về Việt Nam. Thời gian quen nhau càng dài, ông càng chi tiền rộng rãi hơn cho Phượng. Bên cạnh cảm giác mình có một người đàn ông yêu thương, chăm sóc, quan tâm thì đây cũng là lý do rất lớn khiến Phượng gắn bó với ông Hải, dù không ít lần phải chịu đựng những xỉ vả nặng nề của ông vì ghen tuông.

Sáu năm, Phượng cũng đã trải qua biết bao thử thách của “chồng” và gia đình “chồng”. Mang nặng cái định kiến phụ nữ Việt Nam mê Việt kiều là chỉ muốn lợi dụng, ông Hải và cả gia đình chẳng mấy tin vào tình cảm của Phượng. Sáu năm, cả khi ông Hải không ở Việt Nam, Phượng vẫn phải cúc cung phục vụ cho họ hàng của ông ở Việt Nam, họ hàng của ông ở nước ngoài mỗi khi họ về nước. Nấu ăn, chăm bệnh, dọn dẹp nhà cửa, chạy mua đồ đạc, đưa đi chơi… Quen nhau khá lâu, ông mới tặng cho cô một cái iPhone đời gần mới, để… kiểm soát đời sống riêng tư của cô. Cô đi đâu, làm gì ông cũng ghen tuông, nghi ngờ.

Nhiều lần Phượng ướm hỏi ông Hải chuyện cưới xin, nhưng lần nào ông cũng thoái thác. Ông đưa ra đủ mọi lý do về thủ tục hành chính, gia đình… và luôn chốt: “Anh luôn lo lắng đầy đủ cho em, em còn muốn gì nữa”. Nhiều lần cô bày tỏ ước mong được sang chơi với ông một lần cho biết đất nước người ta, ông cũng từ chối. Chị của ông có lần còn nói một câu khiến Phượng điếng người: “Chừng nào thằng Hải nó già, cần người chăm sóc mà không về được thì hãy làm giấy mời con Phượng qua lo”.

Dù vậy, từ hơn 3 năm nay, Phượng dần có cảm giác được ông tin tưởng và gia đình chồng thừa nhận. Đi đâu ông cũng giới thiệu Phượng là vợ. Và sau sáu năm yêu thương, gắn bó, chờ đợi khi ông đi xa và phục vụ khi ông ở gần, ông Hải cũng đã chi tiền mua một căn hộ chung cư cho mẹ con Phượng. Với Phượng, đó là một đảm bảo cho tương lai của mẹ con cô. Nó khiến cô tin tưởng hơn. Còn với ông Hải, dường như đó là một khoản đầu tư khá lớn nên khiến ông càng thêm cay nghiệt, lo lắng, nghi ngờ.

Phan vo ho
Ảnh minh họa

Từ ngày dọn về căn hộ mới, Phượng mới biết không ít phụ nữ như cô đang có những người chồng Việt kiều như ông Hải. Tất nhiên, mỗi hoàn cảnh ít nhiều khác nhau. Người thì vợ đã mất, người thì đã ly hôn, người thì chỉ ly thân, nhưng vợ bên kia cũng chả thèm ngó tới… Nhưng tình cảnh tất cả đều giống nhau: được gọi là vợ nhưng vẫn chưa phải vợ.

Chiều hôm qua, cô xuống sân ngồi hóng gió và trò chuyện với một người bạn gái mới quen, cũng có “chồng” Việt kiều, nhưng cô ta chưa được chồng mua nhà cho, mà vẫn chỉ thuê căn hộ để ở cùng khi ông về nước.

Mải trò chuyện, Phượng hốt hoảng khi nhớ để quên điện thoại trên nhà. Cô tất tả chạy lên, thấy trong máy gần chục cuộc gọi nhỡ của chồng. Tối ấy, cô nằm chong mắt nhìn trần nhà, thở dài: “Mình là vợ kiểu gì đây?”. 

Song Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI