Nữ chính khách và nỗi cô đơn

22/01/2018 - 17:30

PNO - Thủ tướng Anh Theresa May, ngày 17/1 vừa qua, đã bổ nhiệm một vị trí vô tiền khoáng hậu trong lịch sử chính trị nước Anh: Bộ trưởng Cô đơn.

Bà Tracey Crouch, Bộ trưởng Thể thao và Xã hội dân sự, đã được lựa chọn cho vị trí này, với nhiệm vụ chuyên giải quyết các vấn đề liên quan đến tình trạng sống cô đơn của người dân Anh.

Bộ trưởng Cô đơn vừa nhận chức, đã có thông báo về việc phát triển một chiến lược rộng lớn hơn về tình trạng cô đơn, thu thập thêm chứng cứ và phân tích, cấp quỹ cho các nhóm cộng đồng để thực hiện các hoạt động kết nối con người. 

Nu chinh khach va noi co don
 

Những năm 80 của thế kỷ XX, Batsana Ramishvili, nhân vật nhà văn mang đầy tính biểu tượng trong Quy luật của muôn đời, đã khắc khoải: “Sự cô đơn đẩy người đàn bà vào con đường lầm lạc…”. Nỗi đau cô đơn, căn bệnh cô đơn, một trong những căn bệnh cổ xưa và mơ hồ nhất trong lịch sử nhân loại, gần như đã được coi là không thuốc chữa. Nay thì căn bệnh cô đơn ấy đã được nhận diện thẳng thắn, quan tâm quản lý một cách có hệ thống ở tầm quốc gia tại một đất nước có lịch sử phát triển cũng thuộc loại lâu đời nhất của nhân loại - nước Anh.

Thủ tướng Anh giải thích: "Đối với nhiều người, cô đơn là một thực tế buồn của cuộc sống hiện đại. Tôi muốn đương đầu với thử thách này vì xã hội của chúng ta, và tất cả chúng ta phải hành động để giải quyết sự cô đơn đang bủa vây người cao tuổi, những người cần chăm sóc, những người mất thân nhân - những người không còn ai để trò chuyện hoặc chia sẻ suy nghĩ cũng như kinh nghiệm của mình". 

Nhân loại đã nói, đã viết về nỗi cô đơn hàng ngàn năm rồi, trên tất cả, trong những câu chuyện ấy, hầu như là câu chuyện của con người cá nhân. Nay thì nỗi cô đơn đã được nhận thức một cách vật lý hơn, hữu hình hơn, và nguy hiểm trầm trọng hơn. Một khi nỗi cô đơn buồn nản không còn là một trạng thái tinh thần có thể tự giải quyết, tự thay đổi; một khi nỗi cô đơn trở thành một dạng bệnh lý xã hội, khiến con người không thể kết nối với nhau, không thể chia sẻ kinh nghiệm sống với nhau, không thể hợp quần với nhau thành xã hội; khi đó nỗi cô đơn đã thành căn bệnh phá hủy sức mạnh của nhân loại: sức mạnh của cộng đồng.

Con người cơ bản là một sinh vật xã hội, là “tổng hòa các mối quan hệ xã hội”, khi con người bị cách ly với nhau bởi nỗi cô đơn, bản chất của từng cá nhân cũng như của toàn xã hội đó bị thay đổi, bị suy yếu. 

Nu chinh khach va noi co don
 

Người ta vẫn nói về một nước Anh ít nhiều già cỗi, theo kiểu “bạn có thể được chứng kiến, học hỏi về ít nhất là 2 triệu năm văn minh nhân loại ở Bảo tàng British”. Giữa thời của thế giới phẳng, tưởng chừng con người sẽ kết nối với nhau dễ dàng hơn, chia sẻ với nhau nhiều hơn, thì quyết định trên đây của nữ thủ tướng đất nước này đã thể hiện một lo lắng ngược lại: con người đang tự thu mình lại, sống cô độc trong tâm trạng cô đơn hơn bao giờ hết. Đây không phải là chuyện nhận thức cảm tính: một nữ nghị sĩ khá nổi bật trong chính trường Anh mà sự nghiệp gồm có việc khởi xướng cho hoạt động này đã bị ám sát, truyền thông Anh cho rằng kẻ ám sát vốn cũng sống cô độc. Từ những đề xuất của bà, từ thực tế xã hội, nhiều nghiên cứu và hoạt động đã được tập trung phát triển để tìm giải pháp cho tình trạng này.

Theo số liệu từ tổ chức Chiến dịch chấm dứt cô đơn (Campaign to End Loneliness), hầu hết các bác sĩ tại Anh nhận thấy mỗi ngày có từ 1-5 bệnh nhân tới khám không phải vì bệnh tật, mà vì họ cô đơn, họ không được kết nối với cộng đồng, họ muốn trò chuyện, muốn được hưởng cảm giác quan tâm, chăm sóc từ một người khác.

Chưa rõ kết quả của quyết định bổ nhiệm này sẽ tới đâu, nhưng có thể cho đây là một trong những quyết định thể hiện mối quan tâm mang đậm tính chất nhân văn. Có lẽ cũng có phần do nó được hình thành và xuất phát từ những nữ chính khách. Nhân loại vẫn có một thiên kiến rằng, phụ nữ dễ thấu hiểu, dễ chia sẻ, dễ cảm thông với những vết thương tinh thần và thể chất của đồng loại. Có thể cho đây là một quyết định mang tính tiên phong trong lịch sử, khi các nhà chính trị không chỉ quan tâm đến sức mạnh của quốc gia, của dân tộc thông qua những con số về phát triển kinh tế, quân sự, mà còn thông qua những giải pháp cho sự phát triển toàn diện và bền vững của con người.

Quan tâm đến nỗi cô đơn, cũng có nghĩa là tự đặt ra câu hỏi, tự nhận thức về trách nhiệm của chính cộng đồng mình đối với nỗi cô đơn ấy. Có phải khi lớp trẻ tự do tách ra khỏi gia đình, phát triển độc lập, sự tự lập đến mức độ nào đó sẽ đẩy người ta vào nỗi cô đơn cùng cực, nỗi sợ hãi sẻ chia, không chỉ của người lớn tuổi, của nhóm yếu thế trong xã hội, mà của cả những người trẻ tuổi? Có phải khi các mối liên hệ ràng buộc lẫn nhau trong tế bào gia đình lỏng lẻo đi, xã hội, con người cũng đồng thời phải trả giá vì đã đánh mất thêm nhiều điều khác? 

Câu chuyện trên có thể đã xảy ra ở một quốc gia châu Á, Nhật Bản chẳng hạn, khi con người ngày càng chui sâu vào cái kén cô đơn của mình, khi những cái chết một mình âm thầm xảy ra giữa những chung cư đông đúc, và có những người trẻ đã chọn cách sống biệt lập với xã hội bên ngoài… Sự cô đơn đã thành câu chuyện thường nhật. Chỉ có điều, để nhận ra nó như một căn bệnh nguy hiểm, để có những quyết định thiết thực, cần cái nhìn trực diện trên tinh thần khoa học, nền tảng triết học sâu sắc, và trong trường hợp này, cần cả đến lòng dũng cảm khác biệt của người phụ nữ…

Hoàng Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI