Nồng ấm tình nghèo

19/04/2013 - 15:42

PNO - PN - Gần 12g trưa, khi đã vắng khách, ông Đào Minh lụi cụi cất chiếc cà-mên đựng cơm đã cũ cùng một số dụng cụ sửa xe vào bọc ni lông để về phòng trọ.

Nghe tiếng mở cửa quen thuộc, vợ ông, bà Võ Thị Út, nhoài người ra, mừng rỡ. Ông Minh nhanh nhẹn lết vào nhà trên hai chiếc ghế gỗ gắn vào đôi bàn tay to bè, đầy vết chai sần. Bà Út hớn hở với những thứ chồng mang về là cái bắp cải và mớ cá biển vừa được người quen cho. Chiều nay, hai vợ chồng già sẽ có một bữa cơm tươm tất.

Nong am tinh ngheo

Ông Minh lột mít cho vợ ăn, có gì ngon ông cũng để dành cho vợ - Ảnh: C.T. 

Hạt muối cắn đôi

Đã trò chuyện cùng ông Minh nhiều lần nhưng tôi vẫn không kìm được xúc động khi nghe ông kể về vợ. Có người nói ông khổ vì mang cục nợ, nhưng với ông, còn được sống cùng bà là duyên phận, nên phải trọn nghĩa vẹn tình. Huống chi, đã mấy chục năm hương lửa, có con cái đàng hoàng, đành lòng nào phụ bạc bạn đời khi người ấy lâm trọng bệnh.

Trong căn phòng trọ không có vật dụng gì đáng giá ở khu dân cư 91B, P.An Khánh, Q.Ninh Kiều, TP. Cần Thơ, bà Út nhìn khách cười ngơ ngẩn, rồi chỉ vào miếng mít (cũng là quà của hàng xóm). Biết vợ muốn ăn, ông Minh lột mít đưa vợ. Như một thói quen, hễ có gì ngon, ông đều dành hết cho vợ, dù bản thân ông tật nguyền, lao lực mưu sinh, rất cần được bồi dưỡng. Có những lúc thèm một ly cà phê nhưng ông nhất định nhịn, dành tiền đó mua cho vợ ổ bánh mì hay gói xôi, trái bắp đổi món, khi nào bà ăn không hết mới tới lượt ông. Bà Út vô tư đón nhận sự chăm sóc của chồng, như vốn dĩ nó là như vậy, như niềm tin vào tình yêu tròn vẹn chồng dành cho bà gần 40 năm qua.

Trìu mến nhìn vợ, ông Minh kể: “Mấy hôm nay thời tiết thất thường, nóng bức, sợ bả không ngủ được, đêm tôi thức thăm chừng coi có sốt không, rồi lấy khăn chườm mát để tránh bị rôm sảy. Tội nghiệp, bả ngồi còn không vững, tôi đi làm, ngứa biết nhờ ai gãi”. Hơn bốn năm qua, từ ngày bị tai biến liệt nửa người, lại thêm chứng nhức xương sống kinh niên, thế giới của bà Út chỉ gói gọn trên chiếc chiếu trải dưới sàn gạch. Mọi sinh hoạt cá nhân của bà đều nhờ vào đôi tay của chồng, mà trụ cột ấy cũng đang chống chọi với nhiều căn bệnh trong người, không biết sẽ còn là điểm tựa cho bà được bao lâu nữa? Gần đây, tâm thần bà Út lại không ổn định, lúc nhớ lúc quên, hay nghiến răng ken két, ngồi nói chuyện một mình. Thông thường, ngồi chừng năm-mười phút là bà Út phải nằm và không di chuyển được xa nên những vật dụng cần thiết ông Minh đều để gần vợ. Trưa đi làm về, việc đầu tiên của ông là đổ bô, thay đồ cho vợ rồi lụi cụi làm đồ ăn. Chị Phú Thơ, sống cạnh nhà trọ của ông Minh, kể: “Tôi chưa thấy ai khổ mà lại thương vợ như ổng. Nhìn ổng lê lết, đôi tay không còn khỏe mà cố hết sức đỡ vợ vào nhà tắm làm vệ sinh là cả một vấn đề. Cực nhưng ông cố gắng chịu đựng, không than thở, không làm phiền hàng xóm nên ai cũng quý”.

Tội nhất là những ngày mưa, đi làm chạy ngang qua chỗ ông sửa xe, vắng khách, thấy ông ngồi bó gối, rầu rĩ mà thương. Không có khách cũng đồng nghĩa với việc không tiền mua gạo, mắm. Vì vậy, dù bệnh nhưng ông cũng không dám nghỉ làm ngày nào. Mỗi tháng chi phí nhà trọ, điện nước trên một triệu đồng, rồi thuốc men, ăn uống hàng ngày nên cảnh nhà luôn thiếu hụt. Nặng nhất là tiền mượn mua chiếc xe honda ba bánh và dụng cụ bơm vá xe ngót nghét gần hai mươi triệu, trả mấy năm rồi mà nợ vẫn oằn vai. Có những lúc nằm ngủ, ông chỉ mong đêm dài ra thêm chút nữa để được nghỉ ngơi, tạm quên những nhọc nhằn. Tầm 5g sáng ông Minh đã thức dậy nấu cơm, vợ chồng cùng ăn, sau đó ông mang cơm theo và không quên để sẵn một phần gần chỗ nằm của vợ. Mắt ông đã yếu nên mỗi lần gỡ xương cá cho vợ ông phải ra trước hiên nhà mới thấy đường. Hôm nào đi làm về, thấy chén cơm hết, ông vui vì biết vợ khỏe mới ăn được nhiều. Cả ngày vất vả nên ông bà đi ngủ sớm để mai có sức đi làm. Vậy mà có lúc một-hai giờ khuya bà Út đòi mở ti vi xem, ông phải ngọt ngào dỗ dành như trẻ nhỏ…

Nong am tinh ngheo

Dắt dìu nhau mà đi

66 tuổi, đi gần trọn kiếp người, có thể nói ông Minh chưa biết đến chữ sung sướng là gì. Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em ở tỉnh Sóc Trăng, năm 22 tuổi, ông Minh mồ côi cha, bắt đầu phiêu bạt kiếm sống, phụ mẹ nuôi em bằng nghề tài xế. Trong những chuyến dừng chân ở Cần Thơ, ông gặp và nên duyên với bà Út, khi bà phụ quán ăn cho người quen của ông. Nhà nghèo, hai vợ chồng ở trọ, tích cóp gầy dựng tương lai. Rồi hạnh phúc nhân đôi khi đứa con trai kháu khỉnh chào đời. Nhưng không lâu sau khi con trai lập gia đình, tai họa ập đến, ông Minh bị tai nạn khi đang chở khách đi Đồng Nai. Tỉnh dậy, ông thấy mình mẩy băng trắng toát, chân trái bị cưa cụt tới háng, chân phải bị gãy.

Chán nản, ông đã có ý định tự tử nhưng tình cảm vợ chồng níu ông ở lại. Bao nhiêu tiền dành dụm bay theo những toa thuốc đặc trị, khi ông ra viện, gia đình đã khánh kiệt. Không muốn mình trở thành gánh nặng cho vợ con, nén đau thương, tủi nhục, ông Minh tập đi trên đôi bàn tay. Rồi ông vay tiền mua chiếc xe ba bánh đi bán vé số. Bán không được bao lâu thì vợ ông đổ bệnh liệt giường. Không thể để vợ ở nhà một mình, ông nghỉ bán vé số, mày mò học sửa xe và vay tiền mua dụng cụ hành nghề, kiếm chỗ sửa xe gần nhà trọ để tiện chạy về săn sóc vợ. Nặng gánh mưu sinh, người con trai duy nhất của ông cũng sớm bươn bả vào đời, thi thoảng phụ giúp cha dăm chục ngàn, vì còn phải lo cho cuộc sống riêng. Thương hoàn cảnh của ông, một nhà hảo tâm ở khu dân cư 91B, P.An Khánh, Q.Ninh Kiều, cho ông mượn khoảnh sân làm chỗ sửa xe. Anh Nguyễn Phước Thật, chủ tiệm cơm gần đó cho ông Minh xài điện miễn phí, giữ giúp đồ nghề…

Mấy chục năm ở trọ không biết ông đã chuyển chỗ bao nhiêu lần. Có lúc thuê nhà trong hẻm sâu, trời mưa ngập nước, không thấy đường, ông chạy trúng ổ gà, người và xe ngã nhào… Trong tận cùng đau khổ, ông không cho phép mình gục ngã mà phải đứng lên, lỡ mình có mệnh hệ nào ai sẽ lo cho vợ? Bốn tháng nay, ông Minh chuyển về khu dân cư 91B. Và cũng ở đây, ông gặp được nhiều tấm lòng nhân ái. Ông Đặng Văn Tâm, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi khu vực 6, P.An Khánh, Q.Ninh Kiều cho biết, khu vực đã giúp ông Minh làm hồ sơ để tiếp tục hưởng chế độ trợ cấp cho người tàn tật. Ông Minh cười hiền: “Cuộc đời lấy đi của tôi nhiều thứ nhưng bù lại tôi có được tình thương của vợ, của mọi người. Người thân của bà ấy chẳng còn ai, cha mẹ tôi cũng mất hết, anh em tứ tán nên vợ chồng càng thương nhau hơn. Tôi còn sống ngày nào sẽ cố lo cho bà ấy ngày đó. Chỉ sợ một mai mình đi trước…”, ông bỏ lửng câu nói, buông tiếng thở dài.

 CÁT TƯỜNG

*Sau khi bài báo được đăng, có rất nhiều tấm lòng hảo tâm muốn giúp đỡ gia đình ông Đào Minh. Xin các bạn vui lòng liên hệ với ông qua số điện thoại: 01255560567.  

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI