Những giấc mơ xuất ngoại

07/05/2018 - 06:00

PNO - Người phụ nữ đợi chuyến đi xuất ngoại đã đợi cho đến khi chị chạm tay vào chiếc vé, cũng là chạm tay vào tuổi già, mà giấc mơ thì vẫn còn xa lắc.

Cứ nghĩ tới những lá thư là thấy chuyện buồn. Riết rồi Hạnh Dung đâm nản: sao chẳng có lá thư nào vui hết trơn vậy kìa? Nhưng mà nghĩ lại, tới hồi vui, người ta đâu kiếm Hạnh Dung để viết thư. Chỉ có những lá thư buồn, trắc trở, chỉ có những câu chuyện ghim trong lòng không biết thổ lộ cùng ai, người ta nói với mình vì Hạnh Dung là người lạ, người không gặp, còn lúc vui, thì để chia sẻ với người quen. Thêm nữa, có khi lá thư đầu thật buồn, trao qua đổi lại tới lúc gỡ được nỗi buồn rồi, lại không cần viết thư nữa. 

Nhung giac mo xuat ngoai

Vậy thôi, trong những thư buồn, cố tìm lấy niềm vui. Ví dụ lá thư kể rằng, mình đã có vé cho chuyến xuất ngoại của cuộc đời. Cuối cùng thì chuyến bay cũng đến với cô em gái thứ ba trong nhà, sau anh Hai, chị Ba, chị Tư. Thực ra là còn Út nữa, nhưng Út từ lâu đã rẽ sang một con đường khác, nên không còn đứng trong hàng chờ. Thời điểm chờ bắt đầu từ lâu lắm, khi anh Hai thông báo đã được chấp nhận định cư, những người còn lại trong gia đình đã tự động xếp vào hàng chờ được bảo lãnh, chờ ngày ra đi.

Không ai bắt đầu một chuyện gì lâu dài có nguy cơ sẽ níu họ lại mảnh đất này nữa. Chị Ba có lúc cũng từng yêu ai đó, nhưng rồi người đàn ông không thể cưới một người đêm ngày nghĩ tới chuyện ra đi, họ chia tay nhau. Lúc chuyến bay của chị Ba cất cánh, chị đã qua tuổi sinh nở. Qua đó, chị Ba nói may mắn là mình được mai mối lấy một người đàn ông ngoại quốc già, đã có mấy đứa con riêng, nên cũng không quan trọng chuyện chị phải đẻ con…

Giờ tới chị, không biết có ai cần - Tư Hiên, sinh con hay không, chứ hồi giờ chị toàn bồng ẵm con của Út. Chị hỏi Hạnh Dung, nếu người ta mai mối cho một ông Tây già, có nên gật hay không? Cuộc sống có hạnh phúc không? Tới lúc này mà băn khoăn về hạnh phúc thì cũng hơi kỳ, nhưng bao năm qua, chị chỉ nghĩ chuyện đi, đợi cho bằng được chuyến đi, đến lúc sắp bước chân lên tàu, mới sững người nhận ra hạnh phúc không nằm trong hành lý.

Nhung giac mo xuat ngoai
Ảnh: Internet

Có phải bản chất phụ nữ dễ tin vào những ảo tưởng được vẽ ra và được đám đông đồn thổi? Có phải sự yếu đuối nào đó trong bản tính nữ đã được tìm thấy, được nắm lấy, được điều khiển, khiến phụ nữ trở thành một phần của đám đông mù quáng? Nói gì đi nữa, việc nhắm vào phụ nữ, nhắm vào những tín đồ nữ non nớt, cũng là một tính toán có chủ ý. Hiệu quả hết sức tàn nhẫn của tính toán này thể hiện qua những gia đình tan vỡ, những nữ sinh viên bỏ học hành suốt ngày đi theo hội thánh, những người đàn bà tự nguyện “phụng cúng” số tiền ít ỏi của gia đình.

Chẳng biết sao, câu chuyện khiến Hạnh Dung nghĩ tới những người phụ nữ ở nhiều nơi hiện đang trùm khăn ren trắng lên đầu tham gia “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ”, mong cuộc sống hạnh phúc, an nhàn sẽ đến, nếu làm theo, tin theo lời dạy của những người truyền đạo. Những phụ nữ ấy, và cả đàn ông nữa, cũng đang đợi một chuyến đi, có thể là lên “thiên đường” vào một ngày nào đó.

Họ từ bỏ những gắn bó thân yêu trong cuộc sống, từ bỏ bát hương thờ ông bà, bỏ cả chồng con để đi theo hội thánh, xếp hàng và lôi kéo những người khác cũng xếp hàng với mình chờ chuyến đi cuối cùng. Chẳng biết bao giờ chuyến đi ấy đến, cũng chẳng biết họ có thấy mình đã đánh mất hạnh phúc thực sự khi xếp vào hàng đợi đó hay không.  

Hình như, những chính sách dành cho nữ vẫn chưa lường tới hết những đặc điểm của giới tính. Trong khi những kẻ lợi dụng có trăm mưu ngàn chước để nắm lấy những đặc điểm ấy. Phụ nữ rõ ràng là có nhu cầu trao gửi thân phận, trao gửi niềm tin, những tâm sự buồn vui, thậm chí có thể chỉ là những điều họ tưởng tượng ra để lo lắng. Không quan tâm đến những nhu cầu này, chúng ta sẽ đánh mất chị em mình, những người phụ nữ và đánh mất những đứa trẻ của mình nữa. 

Người phụ nữ đợi chuyến đi xuất ngoại đã đợi cho đến khi chị chạm tay vào chiếc vé, cũng là chạm tay vào tuổi già, mà giấc mơ thì vẫn còn xa lắc. Hạnh Dung không làm được gì ngoài việc cầu mong chị sẽ gặp may mắn nào đó ở nơi chị đến. Nhưng những phụ nữ đang bị dỗ dành đứng vào hàng đợi vé của chuyến tàu “hội thánh”, bỏ lại sau lưng gia đình, người thân… kia, họ đang cần sự thức tỉnh kịp thời để quay trở lại. Hãy tìm đến họ, giữ lấy, ngồi xuống lắng nghe và nhận lấy trao gửi của họ như những người thân yêu, trước khi họ trao nhầm. 

Hạnh Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI