Nhún đến chừng nào?

19/12/2017 - 16:09

PNO - Vợ chồng em cứ cãi vã mãi, tình cảm xấu đi và sự tôn trọng cũng mất dần. Em không biết mình nên nhún nhường tới đâu nữa. Mà em có làm gì sai đâu...

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em năm nay 32 tuổi, làm dịch vụ quảng cáo, có gia đình và hai con đang học tiểu học. Tính em ham việc - luôn muốn được tận tay tận mắt chạm vào kết quả mình làm. Em thích ở lại xưởng, theo sát từng khâu đến khi sản phẩm hoàn tất, khách hàng hài lòng. Công việc nhiều khi căng thẳng, đêm hôm em không ngại, nhưng chồng em thì khó chịu.

Nhun den chung nao?
Ảnh minh họa

Em đã cố gắng nhún nhường, nhưng không biết nhún đến chừng nào là đủ: buổi sáng, em dậy, lo cho cả nhà ăn, chở các con đi học, giao việc cho người làm rồi mới tới xưởng, nhưng chồng em vẫn không hài lòng. Em nghĩ anh ấy tự ái vì em làm ra nhiều tiền hơn, lo được cho cả ba mẹ hai bên. Em đã rất cố gắng, mệt đến mấy cũng giữ thái độ hòa nhã trong gia đình, nhưng nhiều khi không chịu đựng nổi. Ảnh nói em “thân lừa ưa nặng”, “làm chủ thì giao cho thợ làm, mắc gì cực thân”. Em nói nếu mình không làm với con mắt của mình, cái tâm nghề của mình, thì làm sao thành công, giỏi thì anh nhảy vô làm đi.

Vợ chồng em cứ cãi vã mãi, tình cảm xấu đi và sự tôn trọng cũng mất dần. Em không biết mình nên nhún nhường tới đâu nữa. Mà em có làm gì sai đâu.

Kim Huyền (TP.HCM)

Em Kim Huyền thân mến,

Sự tôn trọng nhau trong đời sống hôn nhân là vô cùng quan trọng. Nếu mình không gỡ những rắc rối nho nhỏ này, lâu ngày sẽ dẫn đến định kiến kiểu như mình coi thường chồng, sẽ khó giải quyết hơn nhiều. Vì vậy, thôi đừng đặt câu hỏi chừng nào là đủ, vì cũng đâu giải quyết được gì. Tốt hơn, hãy tìm sự thông cảm, đồng thuận của chồng, để gìn giữ tình cảm yêu thương và hạnh phúc gia đình.

Nhun den chung nao?
Ảnh minh họa

Chồng em có lẽ không bằng lòng vì vợ về nhà trễ, và có thể anh muốn được vợ chăm sóc nhiều hơn. Phản ứng hay gặp là vì sao với công việc thì vợ chi tiết, tận tâm vậy, mà với gia đình thì không bằng. Em nên nói chuyện với anh, nhưng đừng than thở công việc bận rộn, khách hàng khó tính… Hãy bắt đầu bằng việc mình cố gắng đến vậy vì cái gì: dành dụm tiền bạc, mua nhà, cho con đi học, lo cho cha mẹ già… Nếu anh chia sẻ với những mục tiêu của vợ, xem như em đã thành công bước đầu. Anh ấy cũng có thể có những mong muốn riêng, em nên lắng nghe và bàn cách để thực hiện.

Ví dụ, anh ấy muốn vợ bớt vất vả, về nhà sớm hơn, anh có thể giúp em trông coi thợ. Có thể em giỏi hơn, nhưng mục tiêu ở đây là sự đồng thuận trong công việc và gia đình, chứ không phải là hiệu quả công việc. Có thể em cần phải hy sinh một chút sự hoàn hảo của sản phẩm, để chồng có cơ hội tham gia vào công việc ở xưởng. Đó là cách đi đường dài: người ta có hiểu nỗi vất vả của mình thì mới thông cảm và yêu thương mình lâu dài được.

Phụ nữ có thể làm giỏi rất nhiều việc và khi say sưa quá, có thể quên đi việc mình làm giỏi nhất: tổ chức, quán xuyến gia đình. Thành công trong kinh doanh, xét cho cùng, cũng là một phần của hạnh phúc, chứ không nên để thành công ấy làm hao mòn, rạn vỡ hạnh phúc gia đình.

Chúc em thành công và gìn giữ được tổ ấm. 

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, quý vị gởi về:
hanhdung@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI