Nhà thơ – họa sĩ Lê Thị Kim: “Hạnh phúc tròn nhưng chưa đầy…”

11/11/2014 - 07:10

PNO - PN - “Nhìn anh

edf40wrjww2tblPage:Content

Em vẫn nhìn anh

Mênh mông là nhớ

Chảy quanh lệ buồn

Đành thôi

Giấu tận đáy hồn

Cho con khỏi xót

Vở còn cầm tay

Vì con

Đi hết đường này

Thôi đành phận số

Cát bay lá mòn

Mẹ như một cánh lá non

Khi cha bặt vắng mẹ còn hư vô

Vì con mẹ phải tự ru

Thôi thì ráng nốt kiếp hư vô này...”

Đó là một trong 19 bài thơ mà nhà thơ - họa sĩ Lê Thị Kim đã viết trong nỗi đau về sự ra đi vĩnh viễn của người chồng - anh Nguyễn Trọng Châu (nhà văn Đông Quân) vào năm 1998.

Nha tho – hoa si Le Thi Kim:  “Hanh phuc tron nhung chua day…”

PV: Sinh thời, anh Trọng Châu là điểm tựa tinh thần vô cùng quan trọng đối với chị. Anh đột ngột mất đi trong lúc đứa con trai thứ hai của anh chị chỉ mới năm tuổi. Chị làm sao có thể vượt qua được nỗi đau lớn ấy để đứng dậy, vững vàng bước tiếp…?

Nhà thơ - họa sĩ Lê Thị Kim: Tôi vốn là người rất lơ tơ mơ trong những sinh hoạt đời thường. Mọi chuyện lớn nhỏ nhà tôi đều lo chu đáo. Tôi làm thơ, có khi vứt bản thảo lung tung, chính anh Châu là người tập hợp bản thảo để gửi đăng báo hay đưa đi in. Tôi vẽ tranh, anh sẽ lo làm khung, tổ chức triển lãm… Anh đột ngột ra đi khi con trai lớn của chúng tôi Trọng Minh đang học lớp 12 và con trai nhỏ Trọng Hiếu chỉ mới năm tuổi, lại có vấn đề về thể lực. Lúc ấy, tôi như từ đỉnh núi cao rơi xuống vực thẳm. Sau một thời gian đắm chìm trong cảm xúc đớn đau, tôi tự nhủ mình phải tỉnh lại, lấy lại tinh thần. Các con chỉ còn một mình tôi, tôi phải đứng vững để lo cho các con.

* Những khi nghĩ về anh Trọng Châu, chị nhớ nhất điều gì?

- Anh Châu rất yêu thương vợ con. Trọng Hiếu rất thích thổi nến, thế là mỗi năm anh tổ chức cho con trai đến 12 lần sinh nhật (mỗi tháng một lần) để thằng bé được thổi nến. Anh thường cùng con trai đóng vai các nhân vật trong những câu chuyện cổ tích. Hằng ngày, cứ buổi chiều anh đưa Trọng Hiếu đi chữa bệnh, sau đó chở con ra bến Bạch Đằng để xem tàu Mỹ Nhân Ngư. Đang giữ vị trí giám đốc của một công ty ở TP.HCM, anh sẵn sàng từ bỏ để đưa con lên Đà Lạt trị bệnh dài ngày…

* Bây giờ bên cạnh chị là hai cậu con trai đã trưởng thành và thêm một đứa cháu nội. Với ba người “đàn ông” đó, chị có cảm thấy đã đủ hạnh phúc hay vẫn trống vắng và cô đơn vì thiếu một bờ vai?

- Với ba người “đàn ông” đó, đã tròn một niềm hạnh phúc cho tôi - tất nhiên là chưa đầy. Giả dụ như có anh ấy - anh Trọng Châu thì ắt là cuộc sống sẽ đầy đủ hơn với tôi và với cả các con.

* Đã 16 năm trôi qua, lý do gì khiến chị không đi thêm bước nữa?

- Đó là chủ ý của tôi. Tôi muốn dành trọn vẹn tình cảm cho hai con, không muốn san sẻ cho bất cứ ai nữa.

* Các con chị có đồng tình với việc mẹ không đi thêm bước nữa?

- Lúc các con tôi còn nhỏ, chúng cảm thấy cuộc sống rất tốt khi mẹ cứ ở vậy một mình nuôi các con. Thậm chí có lần Trọng Hiếu tuy mới 11 tuổi nhưng đã giận dữ và tuyệt giao với cô bé bạn thân cùng lớp chỉ vì cô bé ấy đã nói: “Hiếu phải về nói mẹ Hiếu lấy chồng đi chứ, để mẹ còn có người nương tựa”… Khi trưởng thành, các con lại khác; hai đứa đều trách tôi: “Sao mẹ không chịu lấy chồng để có người lo cho mẹ…”.

* So với anh trai, dường như Trọng Hiếu được mẹ đặc biệt ưu ái hơn…?

- Tôi quan niệm: thương con phải thương cho đồng đều. Với hai đứa con trai, tôi dành cho hai kiểu thương yêu khác nhau. Em nhỏ, lại không ổn về thể lực thì được ưu ái hơn anh một chút. Con trai lớn vốn trầm tính, ít biểu lộ tình cảm. Con trai nhỏ lại thích biểu hiện tình cảm và muốn mình là “cục cưng nhất của mẹ”. Trọng Minh nhường em, bằng lòng với vị trí “cục cưng nhì”. Gần đây Trọng Hiếu mới chịu chuyển vị trí “cục cưng nhất” cho cháu nội của tôi. Tuy ban ngày Hiếu nói như vậy nhưng đêm về, nằm cạnh mẹ Hiếu lại hỏi: “Dù sao mẹ vẫn yêu con nhất, phải không mẹ?”.

Nha tho – hoa si Le Thi Kim:  “Hanh phuc tron nhung chua day…”

Nhà thơ Lê Thị Kim cùng hai con trai và cháu nội

* Thơ và họa có an ủi và khỏa lấp được nỗi cô đơn của chị?

- Không chỉ an ủi và ru dỗ mà có khi thơ còn là điểm tựa của tôi. Có những khoảnh khắc tôi thả mình trong khung tranh để quên đi những khó khăn bộn bề xung quanh và để vươn tới. Tôi đã từng viết: “Thơ ơi ở lại cùng em/ Xin làm lửa ấm những đêm buồn này/ … / Xin hồn thơ mở bao dung/ Cho em chất chứa những cung bậc buồn/ Thôi đành phận cát long đong/ Níu thơ xin một điểm dừng thơ ơi”.

* “Tình khép nở trong tay/ Sao thực hư như xiếc/ Hôm nay vầng trăng đầy/ Mai vầng trăng có khuyết/ Người tặng ta cỏ biếc/ Mai kia có úa vàng/ Đâu nơi nào bất diệt/ Cỏ xanh tràn ngàn năm…”. Tình yêu trong thơ Lê Thị Kim nồng nàn và da diết là vậy. Tình yêu trong đời thường của chị có giống như trong thơ? Người đàn ông trong thơ chị là những ai đó có thật hay chỉ là bóng hình hư ảo?

- Cảm xúc về tình yêu trong thơ có những trường đoạn và những thời khắc riêng của nó: thời thiếu nữ mơ mộng, thời sinh viên, thời yêu đương, thời làm vợ làm mẹ, thời cô đơn… Thơ đôi khi là trải nghiệm, đôi khi là hồi ức, đôi khi là kỷ niệm, đôi khi là khát khao… với nhiều cung bậc cảm xúc. Những hình ảnh đàn ông trong thơ đương nhiên là có thật và đôi khi chỉ là hình tượng thơ. Xin đừng hỏi quá sâu về những điều này, vì nhà thơ bao giờ cũng cần một “khoảng sân sau bí mật”.

* “Ta thả trên bờm con ngựa bạch/ Nửa đời hoa cỏ mắt môi hồng/ Ta giấu trong lòng con ô mã/ Nửa đời sương giá buốt vầng trăng”, “…Đôi khi trong cõi thật/ Ta nói cười ước mơ / Để giấu trong hư ảo/ Trái tim mình bơ vơ/ Để giấu trong hư ảo/ Nửa vầng trăng không đầy/ Để giấu trong hư ảo/ Mảnh tình gầy xót xa”… Những câu thơ đã phản ánh tâm thế của Lê Thị Kim. Bây giờ ở tuổi ngoài 60, chị có hài lòng với những gì mình đã có? Chị còn nuối tiếc điều gì?

- Những năm tháng qua, tôi đã sống hết mình. Nhìn chung, tôi tương đối hài lòng với cuộc sống. Tôi quan niệm: hạnh phúc hay không là do nơi mình. Có lẽ vì vậy nên tôi cảm thấy tương đối hạnh phúc. Kể ra cũng trùng hợp thú vị, từ thuở nhỏ tôi đã thích thuyết tương đối của Einstein. Tuy nhiên, vẫn có một số điều tôi chưa làm được như mong muốn. Có hai điều nuối tiếc lớn đối với tôi. Một là sự ra đi đột ngột của chồng tôi và những người thân trong đại gia đình. Hai là tuy tôi đã làm hết sức để cải thiện sự bất ổn về thể lực của con trai mình nhưng kết quả không được như mong muốn.

* Xin chia sẻ cùng chị và rất cám ơn chị về buổi trò chuyện chân tình này.

 Nguyễn Diễm (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI