Người vợ bất nhân

08/11/2014 - 12:01

PNO - PN - Nhìn anh nặng nhọc nhấc tấm thân gầy còm, đôi chân bên to bên nhỏ lê bước lên từng bậc tam cấp của trụ sở tòa án với đôi nạng gỗ, ai chứng kiến đều xót xa. Cán bộ tòa án ưu tiên nhận đơn của anh trong khi hãy còn...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ngoài bậu cửa, người mẹ già gần bảy mươi tuổi đau đáu nhìn theo con. Bà chở con đi, giờ thì ngóng đón con về. Những dòng chữ run rẩy trong lá đơn ly hôn như nói hộ phần nào quãng đời khó nhọc, bạc bẽo của người đàn ông chưa tới tuổi bốn mươi này...

 Tôi làm nghề mua bán trái cây chuyến, mỗi chuyến đi có thể hai - bốn ngày mới về. Mười mấy năm nay cũng sắm được một ít tài sản. Trần Thị Ngọc P., vợ tôi, trước giờ chỉ ở nhà chăm con nhỏ, lo nội trợ, đôi khi phụ sổ sách sau những chuyến hàng xa. Nói chung là cuộc sống gia đình tôi khá đủ đầy và hạnh phúc. Nhưng, từ khoảng giữa năm 2012, bỗng dưng vợ tôi bỏ chồng con, thuê nhà trọ sống riêng và làm công nhân. Tôi nhiều lần gọi vợ về vì các con bận học hành, không có mẹ lo cơm nước, vợ tôi lần lữa mãi tới tháng 2/2014 mới trở về nhà. Khi P. trở về được vài tháng, bỗng dưng tôi phát bệnh lao khớp háng và lao phổi phải đi bệnh viện để điều trị. Tiền vốn không có nhiều, đổ vào mấy lượt viện phí, xét nghiệm, thuốc men... sau mấy lần lên xuống đã hết. Tôi bán một số đất là tài sản riêng được 155 triệu đồng. Số tiền này tôi chỉ giữ 43 triệu đồng để trả ít nợ mua bán và khám chữa bệnh, phần còn lại đưa vợ cất để mở quán cà phê - nước giải khát tại nhà, hầu có thu nhập vì tôi bệnh không đi làm được.

Thế nhưng sau khi tôi nằm viện hơn một tháng trở về thì quán cà phê không phải là quán đơn thuần, hễ vắng khách là vợ tôi điện thoại gọi rất nhiều đàn ông tới nhậu nhẹt với cô ấy. P. sắm dàn âm-li, có ti vi màn hình phẳng; ngăn quán ra từng khu vực phục vụ cả khách uống cà phê và khách hát karaoke. Tôi không đồng ý kiểu quán như thế, bảo sao P. làm mà không hỏi ý tôi thì cô ấy nói: “Lỡ rồi. Quán to mới có tiền nhiều”. Tôi muốn giữ sĩ diện cho vợ mình, cũng muốn giữ khách cho quán nên không cự cãi với vợ. Dù tôi bệnh nặng, cần chế độ chăm sóc đặc biệt nhưng vợ không hề quan tâm, sáng con mua gì tôi ăn nấy, trưa 12g con chưa đi học về thì tôi đành nhịn đói chứ vợ cũng không cho cơm cháo gì để ăn... Chiều xế thì vợ tôi hát karaoke với người này, nhậu nhẹt với người khác, y như đây là quán nhậu chứ không phải là quán cà phê.

Tôi nói P. làm như vậy là không đúng, quán nhà mình là quán cà phê, chồng bệnh nằm đây, sao em dắt đàn ông về nhậu nhẹt ca hát um sùm? P. lặng im không nói gì nhưng vẫn vui đùa cùng khách mỗi khi quán vắng.

Sau đó, do bệnh tái phát nặng hơn, tôi phải đi bệnh viện tuyến trên để điều trị. Bảo P. đưa ít tiền thì cô ấy trả lời: “Không còn một cắc!”. Tôi nói: “Vậy vàng em đeo đỏ tay đó, để làm gì, hơn trăm triệu tôi đưa sao chưa đầy hai tháng đã hết?”. P. làm thinh, cất hết vàng vòng rồi bỏ về nhà cha mẹ ruột.

Nguoi vo bat nhan

Anh N. tâm sự trong nỗi u uất

Khi P. đi, cô ta mang theo hết vàng bạc, cả một ít tiền mặt còn lại trong nhà, bao nhiêu tài sản của quán cà phê từ cái ly, cái chén... P. cũng thừa lúc tôi bận đi tái khám mà kêu xe chở đi hết. Hiện giờ ba cha con tôi nheo nhóc với cảnh không tiền và đau ốm.

Nhà còn hai công mì, tôi kêu lái bán để có tiền chữa bệnh. Tiền bán mì chỉ được gần chín triệu đồng, vậy mà P. nhẫn tâm trở về đòi chia đôi. Tôi không chia vì số tiền hơn trăm triệu tôi đưa cô ấy đã chi dùng không hợp lý, thế là cô ta lại bỏ về nhà cha mẹ ruột sau khi bảo: “Không chia hai số tiền này thì mày sẽ không yên với tao đâu!”.

Số mì tại rẫy sau khi bán củ thì cây cũng bán cho người ta làm giống. Con gái đã xin tôi cho nó mớ cây mì đó, chặt gốc xong bó thành bó rồi kêu lái bán để có tiền mua dụng cụ học tập. Vậy mà mẹ nó vẫn ra rẫy giành giật từng bó cây với con để bán lấy 500.000đ rồi đi mất!

Riêng tôi bệnh phổi đã chịu thuốc, còn chứng lao khớp háng thì có chiều hướng nặng hơn. Bác sĩ bảo, với người khác tốn hơn trăm triệu là thay khớp được, nhưng cá biệt khớp của tôi lại có mủ, không thay được mà chỉ uống thuốc cầm chừng cho khô mủ, bớt đau. Ngày phải thay băng ba lượt, con trai 14 tuổi và mẹ già của tôi làm giúp. Từ khi P. bỏ đi, con trai vừa lên lớp 8 đã nghỉ học để theo các chú đi lấy hàng trái cây những tuyến gần, kiếm mỗi ngày 70.000-100.000 đồng phụ thang thuốc cho cha.

Tôi thương hai con nhiều lắm mà chẳng biết làm sao, vì dù nhà gần ông bà nội và các chú nhưng cũng không ai lo cho con bằng mẹ. Thế nhưng vợ tôi đã nhẫn tâm bỏ đi trong lúc chồng con cần cô ta nhất. Bây giờ nhà chỉ còn hai công đất rẫy, tôi muốn bán để lấy tiền chữa bệnh và nuôi con nhưng ngặt nỗi có P. đứng tên chung trên giấy tờ nên tôi phải làm đơn ly hôn, tài sản sau khi chia, còn lại bao nhiêu thì tôi mới tự quyền bán được.

“Người đời vẫn nói: Anh em như thủ túc/vợ chồng như y phục, từ lâu tôi vốn không tin vì vợ chồng là ăn đời ở kiếp, là con cái đầy nhà với bao yêu thương và trách nhiệm... Nhưng giờ rơi vào hoàn cảnh này tôi mới tin... Chỉ mong tòa sớm thụ lý giải quyết, đừng để tôi phải đi lại nhiều lần vì mỗi bước chân là mỗi cơn đau tận óc...”.

HOÀNG PHƯƠNG
ghi theo lời kể của anh Ngô Văn N. (Tây Ninh)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI