Người dưng

04/11/2015 - 14:39

PNO - "Tôi với bả chẳng máu mủ ruột rà chi hết, chỉ là bèo nước gặp nhau trong cuộc mưu sinh, cùng cảnh nghèo nên lo lắng, chăm sóc nhau..."

Cứ vậy riết rồi thành chị em lúc nào không hay. Giờ bả bị nạn, tôi mà bỏ thì ai lo cho bả bây chừ, bà Nguyễn Thị Quế (74 tuổi) nói.

Hai số phận

Căn phòng trọ chật hẹp chưa tới 8m2 nằm sâu trong con hẻm dài trên đường Nguyễn Công Trứ (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) nóng kinh người. Đó là nơi sinh sống của hai cụ già mưu sinh bằng nghề bán vé số.

Cửa phòng mở, chiếc quạt máy cũ kỹ chạy rù rì. Một cụ gầy tong teo nằm trên tấm chiếu trải giữa đất. Chân trái cụ băng bột trắng toát, chân phải co lên, đặt xuống liên tục. Đó là cụ Trần Thị Á nh (79 tuổi, trú H.Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam). “Cái chân bị gãy khiến tôi nằm một chỗ hai tháng rồi. Nằm yên lâu ngày nên chân bên phải cũng trở chứng, phải cử động cho nó dãn cơ”, cụ Ánh nói.

Nguoi dung
Cụ Quế chăm sóc cụ Ánh, người chị em không ruột thịt của mình

“Đói bụng chưa, ăn cơm hỉ?”, cụ Quế hỏi. “Chưa, bà ăn trước đi. Mấy khi có khách, nói chuyện chơi chút đã”, cụ Ánh cười mỉm. Mắt nhìn trân trân lên trần nhà, cụ Ánh tua chậm lại quá khứ qua lời kể đều đều. Quê cụ ở tận vùng núi Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam). Ngày trẻ, cụ cũng có chồng, có con như người ta. Trong trận bom đổ xuống làng, một quả đã rơi trúng nhà. Không ai sống sót. Nước mắt lăn dài, cụ Ánh nhớ lại:

“Bữa đó tôi đi làm đồng nên thoát chết. Năm 1964, căn nhà tranh của tôi bị cuốn trôi trong trận lụt. Cả làng cũng không còn cái nhà nào nguyên vẹn. Người chết, người tha phương cầu thực. Tôi không còn cha mẹ, con cái nên một thân một mình ra Đà Nẵng kiếm sống”.

Suốt 40 năm trời, cụ Ánh mưu sinh bằng cách đi ở đợ nhà người, khi đến tuổi 70 thì … thất nghiệp. Chẳng ai còn thuê một bà lão sức khỏe đã kém, chân run tay yếu.

Không gia đình, không nhà cửa, cụ Ánh đành thuê phòng trọ, nhận vé số đi bán kiếm sống qua ngày. “Đi rạc cẳng cũng kiếm được 50 nghìn đồng, đủ tiền cơm. Hai năm trước tôi đau ốm mấy ngày nên ông chủ trọ nhất quyết đuổi đi. Họ sợ tôi già, đau ốm rồi chết trong nhà của họ”.

“Bữa đó tôi đi bán về trễ, ngang chợ Phước Mỹ thì thấy bả trải áo mưa nằm ngủ. Tôi hỏi chuyện rồi dẫn bả về ở chung. Cái phòng này do một cậu thanh niên thuê rồi cho tụi tôi ở chung”, cụ Quế nói, đưa ánh mắt mờ đục nhìn bạn.

Cụ Quế quê ở Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam). Chồng mất, cụ ở vậy nuôi đàn con sáu đứa. Một tay cụ dựng vợ gả chồng cho từng người, xong xuôi, cụ ra Đà Nẵng bán vé số.

“Không phải là mấy đứa con không lo cho tôi. Tụi nó đứa mô cũng nghèo, con cái nheo nhóc nên tôi không muốn thành gánh nặng. Tôi còn khỏe, còn tự nuôi mình được. Lúc nào ngồi một chỗ tôi mới nhờ tới con cháu”, nở nụ cười hiền lành, cụ Quế nói thêm rằng, cám cảnh phận nghèo nên hai người nương tựa nhau, vậy mà thấm thoắt cũng hơn hai năm trôi qua.

Không máu mủ vẫn là chị em

Hai tháng trước, cụ Ánh đi bán vé số về thì gặp tai nạn. Chiếc xe máy của một thanh niên đâm trúng làm cụ ngã xuống đường. Cụ Quế chạy đến dìu người bạn già về phòng. Tối đó, chân cụ Ánh sưng to nên hai người thuê xe ôm đi bệnh viện. Bác sĩ khám rồi thông báo chân trái cụ Ánh bị gãy, phải nhập viện vài ngày để bó bột. “

Tôi làm chi có tiền, nên đòi về. Bà ấy chạy đi vay khắp nơi được hơn một triệu đồng để lo cho tôi”, cụ Ánh cho hay. Người gây tai nạn cho cụ Ánh cũng đến thăm, hỗ trợ thêm một triệu đồng tiền thuốc men. “Nhà nó cũng nghèo. Nó làm nghề thợ đụng nuôi vợ bầu, mẹ già nên không hỗ trợ được nhiều. Tụi tôi cũng không đòi hỏi gì”, cụ Quế nói.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI