“Ngôn ngữ” thứ ba

10/08/2016 - 13:52

PNO - Đôi khi, cả vợ lẫn chồng đều là người quảng giao, dễ dàng gây thiện cảm với người khác ngoài xã hội, nhưng về nhà lại cứ im như thóc, thật đáng buồn! Sao lại phải mượn một thứ “ngôn ngữ” trung gian nào đấy?

1. Một dịp nghỉ lễ, gia đình chị đi chơi xa. Đây là một sự kiện hiếm hoi đến khó tin, bởi anh chị đều bận rộn, ít khi cùng thu xếp được thời gian như thế. Bọn trẻ con đương nhiên là vô cùng háo hức sẽ được vui chơi, khám phá một vùng đất mới. Chỉ có anh chị, khi kéo ba lô ra sân bay, mới chợt nhận ra, chẳng rõ lần cuối họ đồng hành trong một chuyến đi là khi nào, hình như đã lâu đến mức không ai nhớ nổi… Không biết có phải vì vậy mà họ gượng gạo mỗi khi cần trao đổi gì đó. Thói quen trò chuyện trực tiếp dường như đã mất hẳn, bởi những năm sau này, cần gì thì họ nhắn tin, chat qua mấy cái trình duyệt miễn phí. Gấp gáp gọi điện thì cũng chỉ truyền đạt thông tin đơn thuần, nhanh gọn, không có nội dung dư thừa. Thời buổi mà mọi thứ đều theo một chuẩn mực vô hình nào đấy, lịch sự đến lạnh lùng…

“Ngon ngu” thu ba
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Hai đứa trẻ cũng mơ hồ nhận ra ba mẹ mình không mấy vui vẻ. Để tránh thời gian nhàn rỗi chỉ có hai người, chị đăng lên facebook mấy tấm ảnh chụp hai đứa nhỏ đang cưỡi voi, ngắm thác, chơi các trò chơi… kèm theo dòng trạng thái: “Quan trọng là con mình cảm thấy vui vẻ. Vậy đi”. Người ngoài nhìn vào, chỉ thấy đơn thuần là chia sẻ về một chuyến đi, biểu hiện tâm lý thông thường của cha mẹ là mong con cái được tận hưởng một kỳ nghỉ như ý. Chỉ riêng anh chị - hai người trong cuộc là tự hiểu, lời nhắn đó hàm ý như một thỏa thuận ngầm về “mục tiêu chung”, lại như thể giải thích, thanh minh rằng mọi thứ cũng đều cho con, vì con. Đây không phải là chuyến đi của anh chị, đừng nặng nề làm gì…

2. “Hạng đàn bà nào mà đẩy con vào vùng đất chết?”. Anh Tuấn quăng câu hỏi ấy lên trang mạng xã hội của mình, khi chị Hoa nhất định không hủy bỏ chuyến du lịch của hai mẹ con đến một đất nước vừa xảy ra bạo động. Sống chết có số, nào ai biết chỗ nào thật sự an toàn, đời lúc này lúc khác, có gì mà phải ầm ĩ. Quan điểm của chị là như thế, anh Tuấn nhất định không ủng hộ. Những tranh cãi kết thúc bằng chiến tranh lạnh, không ai muốn nói thêm với ai nữa. Đáp trả những cáo buộc của anh, chị Hoa khoe hình con gái cười tươi tắn ở sở thú, trong khu vui chơi trẻ em, trước mấy món đặc sản nước ngoài ngon lành.

Phản pháo, anh Tuấn dẫn link những nguy cơ có thể xảy ra ở chốn ấy từ vài tờ báo uy tín, như một cách “chửi thẳng vào mặt vợ”, chữ chị Hoa dùng sau này. Mấy hôm mẹ con xuất ngoại, anh Tuấn gọi điện sang, nhìn thấy số là chị đưa cho con trả lời chứ chẳng buồn nghe. Đàn ông gì mà nhỏ mọn, bóng gió xa gần, thích kết tội và tự biên tự diễn đủ thứ, đến là mệt mỏi khó chịu… Thật ra, đó chỉ là giọt nước làm tràn “cái ly mâu thuẫn” vốn tồn tại sẵn giữa anh chị. Giai đoạn sau này, họ thường kết thúc những cuộc tranh cãi lặt vặt bằng cái kết luận đầy hậm hực, là nói chuyện với anh/cô sao bực mình quá, thà "tự xử" với cái đầu gối còn hơn!

3. Từ ngày bé Hảo được sắm cho cái điện thoại riêng, ba mẹ nó muốn trao đổi gì đều nhắn qua con. Con hỏi ba xem đã sửa máy lạnh trên phòng ngủ chưa. Con bảo mẹ tối nay ba có khách về trễ. Bé Hảo bỗng dưng trở thành phương tiện “truyền thông” giữa hai bậc sinh thành. Ban đầu, trong trí óc non nớt của nó, điều đó cũng bình thường, cho đến khi nó bỗng dưng thắc mắc: “Sao ba mẹ không nhắn thẳng cho nhau mà phải dặn con?”.

Ba mẹ bé Hảo lúng túng chẳng biết trả lời con thế nào. Chẳng lẽ lại nói, ba mẹ không muốn nói chuyện với nhau, nghe kỳ kỳ… Đứa trẻ, vốn được ví von là gạch nối của ba mẹ, không dưng lại biến thànhmột kênh liên lạc đặc biệt cho hai người. Nói với con đúng là dễ hơn hẳn. Không phải bực dọc nghĩ ngợi khi lời lẽ chẳng đúng ý mình. Không cần lo bên kia bị phiền, nổi quạu. Mà hai người cũng chẳng có gì nhiều để dặn dò nhau. Những chuyện thông thường còn vậy, huống gì mấy lời quan tâm sến súa, đã tuyệt chủng từ lâu lắm rồi!

4. Nhiều cuộc hôn nhân đang ngấp nghé ở ngưỡng… “vỡ mật” thường báo hiệu bằng việc vợ chồng ít trò chuyện trực tiếp cùng nhau. Bởi bận quá không có thời gian gặp gỡ. Vì chẳng còn biết nói gì. Cứ nói tới là “gây”, tránh nhau cho nó lành… Khi đó, người ta thường lấy con cái làm cầu nối. Nếu còn chút hứng thú công kích nhau, thì hay mượn mấy trang mạng, thậm chí dùng con để làm phương tiện chiến tranh du kích, vậy đấy. Có lạ lắm không, khi mang tiếng là sống chung nhà, ngày này tháng nọ, năm trước năm sau mà người ta lại hiếm khi giao tiếp, thậm chí cơ hội chạm mặt nhau cũng ít ỏi? Thời buổi gì mà vợ chồng mạnh ai nấy sống, ngôi nhà chỉ còn là chốn trở về để ngủ, nạp thêm chút năng lượng, mai lại tiếp tục những bon chen ngoài xã hội. Họ đã quên mất “đối tác” bên cạnh mà mình từng muốn líu lo bao chuyện, hồ hởi tự nguyện chung sống.

Đôi khi, cả vợ lẫn chồng đều là người quảng giao, dễ dàng gây thiện cảm với người khác ngoài xã hội, nhưng về nhà lại cứ im như thóc, thật đáng buồn! Sao lại phải mượn một thứ “ngôn ngữ” trung gian nào đấy? Khi “nói” cùng nhau đã thấy khó khăn, gượng gạo cũng đồng nghĩa, hôn nhân ấy đã có vấn đề về "sức khỏe" mất rồi. Có khi bệnh đã thành nan y, hết thuốc chữa. Nhưng cũng có khi còn cứu vãn được nhưng chẳng ai buồn chữa trị. Sao lại thế?

Ngọc Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI