Ngôi nhà hạnh phúc

19/05/2014 - 11:26

PNO - PNO - Hiệu tóc Đức Design (Nguyễn Văn Giai, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM) đóng cửa nghỉ vào thứ Hai hàng tuần, nhiều khách hàng cho rằng ông chủ “chảnh”, người lại bảo “dại” vì uổng tiền thuê mặt bằng. Nhưng với anh Bùi Thông Đức, thứ...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Anh Đức và vợ là chị Kim Ban có hoàn cảnh giống nhau: mất ba từ bé, nhà đông con nên mẹ đành gửi anh/ chị cho người khác nuôi, tuổi thơ lớn lên trong côi cút, bơ vơ, thiếu thốn tình cảm. Khó khăn mới có được gia đình trọn vẹn, nên từng ngày, từng ngày, anh chị nâng niu, vun đắp mái ấm nhỏ của mình.

Ngoi nha hanh phuc
Gia đình anh Bùi Thông Đức

Trước đây, trong một lần về thăm quê mẹ ở Vĩnh Long, cả nhà anh Đức đi bằng xe khách rồi thuê xe ôm khi đến đoạn đường gần nhà. Cậu bé Thông Khoa con anh Đức, lúc ấy 18 tháng tuổi, bỗng giãy nảy, không chịu nằm yên trong vòng tay mẹ để bác xe ôm chở, cứ khóc đòi ba. Anh ẵm, Khoa vẫn khóc… Đoán biết con sợ lạc mất ba mẹ, muốn đi cùng với cả hai người, anh Đức mượn xe để chở vợ con. Quả nhiên, Khoa nín bặt, gương mặt giãn ra, bắt đầu hớn hở, tươi vui. Sự “thèm hơi ấm gia đình” của hai mảnh đời lạc lõng ấy không ngờ lại “di truyền” sang con, tạo nên một gia đình “sến toàn tập” - theo lời anh Đức tự nhận xét về nhà mình.

“Vợ chồng tôi là người sống và yêu hết lòng hết sức, đã đam mê thì nhiệt tình đến cùng, cháy hết mình, không nửa vời” - anh Đức chia sẻ. “Chính nhờ tình yêu đủ “độ sôi” ấy mà chúng tôi vượt qua nhiều thử thách của cuộc sống. Vợ chồng sống với nhau lâu ngày không chán, xa càng nhớ, gần càng thương” - chị Ban thêm vào.

Là thợ cắt tóc, anh kinh doanh thêm ở lĩnh vực xe tải, vất vả, áp lực nhưng rồi lại mất đi số tiền khá lớn. Tiếc của, tiếc công sức chồng đổ sông đổ biển, chị căng thẳng, trầm cảm, mất ngủ triền miên, nhịp tim trở nhanh. Có lúc không còn sức gượng, chị nằm liệt giường. “Từ buồn đến bệnh, tôi bắt đầu có cảm nhận khác: đồng tiền không quan trọng đến mức như thế. Tôi chỉ cầu mong sức khỏe để được sống và lo cho chồng con. Thời điểm ấy, anh Đức cũng căng người vừa giải quyết việc kinh doanh vừa làm tóc, vừa săn sóc, động viên, tìm mọi cách để tôi khuây khỏa, nhẹ lòng. Tôi không bao giờ quên cái tình của anh” - chị Ban trầm giọng.

Cũng chính sự “ngây thơ vô... số tội” của anh, có lần chị đã phải nhắc nhở để anh lường trước hậu quả. Một cô gái trẻ tuổi muốn gặp riêng anh để tâm sự, chia sẻ nỗi buồn. Chị cảnh cáo nguy cơ nảy sinh tình cảm, cô gái trẻ có thể nhầm lẫn sự quan tâm, đồng cảm với tình yêu để rồi tơ tưởng, dệt mộng. Anh thoáng bực bội “chỉ uống cà phê thôi, sao lại quan trọng hóa vấn đề?”. Nhưng sau đó, anh lại thấy sự liệu lường của chị không hề thừa. Nghĩ mình may mắn có người vợ sâu sắc, tinh tế và yêu chồng, biết giữ hạnh phúc gia đình nên anh bỏ qua tự ái, nghe lời vợ mà điều chỉnh quan hệ.

Sự hòa hợp, thấu cảm không chỉ giúp cho tình cảm vợ chồng bền chặt mà còn giúp anh Đức - chị Ban thống nhất trong giáo dục con. Anh chị có cách dạy đi vào thực chất, thẳng thắn, phân tích cặn kẽ, ngọn ngành, chỉ ra hậu quả, trả lời rốt ráo, không qua loa, né tránh. Ngay với thất bại của mình, anh Đức cũng không che giấu. Một lần ăn cơm, anh nói với con: “Ba đã không thành công trong kinh doanh nhưng ba thu nhặt được nhiều kinh nghiệm từ thất bại này, giống như trả học phí cho một chương trình đại học. Nếu mai sau, con có kinh doanh, ba tin với những hiểu biết và trải nghiệm của mình, ba có thể giúp đỡ, hỗ trợ tốt cho con”. Hiểu chuyện, Khoa không chê ba bất tài mà đồng cảm và ngưỡng mộ.

Ngoi nha hanh phuc
Gia đình Bùi Thông Đức

Với Khoa, mẹ là người gần gũi, tâm lý hơn nhưng ba mới chính là thần tượng. Ngạc nhiên khi nghe lời con tuyên bố, anh Đức hỏi: “Ba không học giỏi, không là siêu sao, không quyền cao chức trọng, tại sao con lại thần tượng ba?”, Khoa chín chắn trả lời: “Dù ba chỉ là một người thợ cắt tóc nhưng ba đã phấn đấu hết lòng với nghề và thành công trong lĩnh vực của mình. Ba làm cho người khác đẹp, vui, hạnh phúc, ba là người sống có ích nên con thần tượng ba”.

Vợ chồng anh Đức thường nhớ lại và xót xa cho thời thơ ấu lạc loài của mình. Mồ côi, muốn hỏi gì, thắc mắc gì cũng không có ai bên cạnh để giải thích, hướng dẫn, luôn phải tự tìm hiểu khám phá cuộc sống. Rút kinh nghiệm, từ khi “lên chức” ba mẹ, anh chị luôn đặt mình ở vị thế bạn của con để kịp thời chia sẻ, uốn nắn. Lần đầu Khoa quen bạn gái, chị Ban không cho hai đứa đi chơi riêng và phân tích những nguy cơ có thể xảy ra. Lúc đầu Khoa cảm thấy bực mình, bất mãn vì bị gò ép, bó buộc nhưng sau đó đã tâm phục khẩu phục. Ngay khi bạn gái giận, chia tay rồi quen chàng khác, Khoa vẫn không trách cứ, đổ lỗi cho mẹ có lẽ vì Khoa thấm lời bỏ nhỏ của ba: “Chuyện tình cảm, không cần vội vàng. Hồi xưa, ba cũng có nhiều mối nhưng ba tìm hiểu, chọn lựa một người thực sự khiến ba tin yêu, quý nể và có thể hiểu nhau, đồng cam cộng khổ đó chính là mẹ con. Giờ ba mới có được hạnh phúc mỹ mãn như vầy”.

Ngoi nha hanh phuc

Gia đình Bùi Thông Đức

Khi tôi ra về, Khoa đã chọn bản Ngôi nhà hạnh phúc (nhạc Hàn Quốc) để đàn tặng khách. Con chơi piano, ba đệm organ, mẹ nhịp nhàng đong đưa theo giai điệu ngọt ngào, ấm áp. Chợt nhớ lời anh Đức lúc nãy: “Hạnh phúc cũng dễ thôi, không khó đâu!”.
 

TÔ DIỆU HIỀN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI