Nghỉ phép chăm em dâu một tuần, chị tự dưng đổi tính nết

21/12/2016 - 06:58

PNO - Xa mẹ từ nhỏ, em dâu lớn lên trong sự chăm sóc của cha. Em tỏ vẻ ngượng ngùng khi phải về nhà chồng sinh con. Nhìn mẹ lo lắng chăm chút cho nhỏ Út trong những ngày ở cữ chị biết, em có chút tủi thân.

Mẹ chăm con gái út và cháu ngoại vừa tròn tháng. Sau tiệc mừng, hai mẹ con được gia đình chồng rước về. Chưa kịp thảnh thơi, mẹ đã phải thu xếp vào bệnh viện chăm sóc ba. Trước khi đi, mẹ dặn chị để ý chăm sóc em dâu, vì em cũng sắp đến ngày sinh.

Nhà có ba chị em. Đứa nhỏ nhất lấy chồng trước, đứa giữa cũng cưới vợ sau đó vài tháng, chỉ có chị vẫn còn một mình. Với chị, không gì để phải vội vàng trong chuyện lập gia đình. Tuần sáu ngày làm việc chăm chỉ, Chủ nhật và thỉnh thoảng thêm vài buổi tối giữa tuần, chị ăn diện thật đẹp xuống phố rong chơi cùng bạn bè. Mẹ giục chuyện chồng con, chị cười tươi: “Dạ, để từ từ, con còn ham vui...”.

Bác sĩ dự báo em dâu có dấu hiệu sinh sớm. Xoay tới xoay lui ngắm nghía bộ đầm mới trước gương, chị chợt khựng lại khi nghe em báo tin với vẻ lo lắng. Mấy ngày gần đây trông em đi đứng khá mệt nhọc. Bảo xin nghỉ việc sớm dưỡng thai nhưng em không chịu. Em nói, còn sức cứ làm, thêm ngày nào đỡ ngày ấy. Được như thế, thời gian nghỉ hậu sản em dành cho con sau này sẽ dài hơn. Đi làm về, em dâu nhăn nhó vì đau. Tưởng chỉ là cơn đau thông thường, nào ngờ càng lúc càng trầm trọng.

Nghi phep cham em dau mot tuan, chi tu dung doi tinh net
Ảnh minh họa.

Chị vội tẩy trang, gọi cho bạn hủy kế hoạch đi xem ca nhạc và chuẩn bị lỉnh kỉnh mọi thứ đưa em nhập viện. Chị cũng không quên gọi nhờ dì Út theo cùng. Mấy chị em đều trẻ, chưa có kinh nghiệm gì, mọi việc đều nghe theo dì. Lúc em dâu vượt cạn, cả mẹ, dì và chị cùng chồng em đứng ngoài cửa, lóng ngóng lo lắng. Ba mươi mấy tuổi nhưng đây là lần đầu tiên chị đến phòng sinh. Thấy em quằn quại đau sao mà xót quá. Chị thấy thương em hơn bao giờ, như tình cảm chị dành cho nhỏ Út.

Dì ở bên cạnh chăm sóc mẹ con em. Mẹ thỉnh thoảng chạy qua trông chừng, vì ba và em nằm cùng bệnh viện. Chị về nhà nấu ăn để chồng em mang vào cho cả bốn người. Rồi chị dọn phòng chờ đón hai mẹ con, căn phòng cô em út vừa ở cữ xong. Lau chùi, khử mùi, giặt thay hết thảm, gối...

Chồng em vô tình bảo em rất thích món thịt heo chà bông. Chị lên mạng học cách làm, vì không muốn mua hàng chợ. Luộc và xé nhuyễn thịt mất gần nửa ngày. Đầu móng tay ê ẩm. Sấy và giã, giã và sấy, mất gần nửa ngày nữa mới xong. Vừa làm vừa nghĩ, sao lại phải công phu thế này. Thương em thương cháu nên siêng, nếu làm cho mình ăn chắc chị không đủ kiên nhẫn như thế.

Hũ chà bông xốp tơi từng sợi nhuyễn như tơ, vàng ươm và thơm nức. Ăn thử một miếng mới biết hàng mua ở siêu thị không thể nào sánh bằng. Nghe kể, em dâu khen ngon, ăn một mạch hết phần cơm chị nấu.

Xa mẹ từ nhỏ, thậm chí không còn nhớ nổi gương mặt của mẹ, em dâu lớn lên trong sự chăm sóc ân cần của cha. Em tỏ vẻ ngượng ngùng khi phải về nhà chồng sinh con, sợ làm phiền mọi người. Nhìn mẹ trước đây lo lắng chăm chút cho nhỏ Út trong những ngày ở cữ, không nói nhưng chị biết, em có chút tủi thân.

Ba ra viện. Mẹ vừa về đến nhà là sà đến bên cháu, bên dâu, rối rít hỏi han. Rồi mẹ vào bếp, làm đủ thứ việc cho người ở cữ mà chỉ mẹ mới có thể hiểu hết.

Nghỉ phép chăm em dâu một tuần, chị tự dưng đổi tính nết. Hình như chị thích vào bếp hơn, thích chăm chút những món ăn, không còn nấu kiểu sơ sài nhanh lẹ gọn. Chị cũng bắt đầu nghĩ về gia đình, về những đứa trẻ. Chúng dễ thương lạ lùng. Trước đây, chị chưa bao giờ dám bế em bé sơ sinh. Từ hôm ẵm dỗ cháu ngủ, nhìn cháu thiếp ngoan trong vòng tay, chị nghĩ chuyện đã đến lúc mình cũng cần có một gia đình và bận rộn với niềm hạnh phúc như em.

Việt Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI