Nghèo khó cùng đường bèn ép duyên con

07/09/2019 - 05:06

PNO - Kinh tế cạn kiệt, cùng đường, chị nghe lời người ta, nhờ mai mối gả đứa con gái đầu lòng sang Đài Loan như một cách giải quyết sự bế tắc.

Hồi đó gia đình chị nghèo lắm, nhà chỉ là căn chòi tạm ven sông. Bảy miệng ăn trông chờ vào từng cuốc xích lô với gánh xôi sáng chiều. Rồi anh bị tai nạn giao thông, chị phải vay nợ lãi suất cao để có tiền chạy chữa. 

Kinh tế cạn kiệt, cùng đường, chị nghe lời người ta, nhờ mai mối gả đứa con gái đầu lòng sang Đài Loan như một cách giải quyết sự bế tắc.

Con gái chị vừa mới lớn, ngoan hiền, siêng năng, xinh xắn và hiếu thảo. Nhà nghèo, việc gì có thể gánh vác phụ giúp cha mẹ là con làm ngay. Dù chưa biết yêu là gì, con vẫn đồng ý lấy chồng xa. Ngày nhà trai đột ngột đến “coi mắt”, con vẫn đang nhổ cỏ thuê ngoài đồng giữa trưa nắng gắt. Đứa em trai chạy ra ruộng gọi về, con chỉ cởi chiếc áo khoác, vốc nước rửa vội gương mặt đẫm mồ hôi, còn chưa kịp chải lại mái tóc.

Ngheo kho cung duong ben ep duyen con
Ảnh minh hoạ

Vừa nhìn thấy con, cậu trai và cha mẹ của họ đã mừng rỡ. Thông qua người phiên dịch, họ hỏi con vài câu, và câu trả lời nào của con cũng khiến họ hài lòng. Gia đình họ đã kén chọn nhiều nơi, và cảm thấy con gái của chị thích hợp nhất. Sau đó, chàng trai trao cho con chị một chiếc nhẫn đính ước. Bà mẹ hỏi thăm hoàn cảnh gia đình. Họ giúp chị giải quyết hết nợ nần và hứa phụ sửa căn nhà.

Con gái chị bắt đầu học tiếng Hoa và nghề làm tóc. Với người ta, đó là sự chuẩn bị cho tương lai đôi lứa. Còn với con chị, nó chỉ nghĩ đơn giản là sắp đi đến một vùng đất hoàn toàn xa lạ, nhưng ở đó, nó có thể kiếm được thật nhiều tiền gửi về phụ giúp cha mẹ. Con may mắn lấy được người chồng trẻ và làm dâu một gia đình đàng hoàng. Mẹ chồng bảo con dâu không phải đóng góp kinh tế gia đình, cho phép giữ riêng toàn bộ số tiền kiếm được.

Từ cô thợ tóc làm thuê, con tích góp, trở thành chủ tiệm chăm sóc thẩm mỹ. Nhờ vậy mà bốn đứa con trai của chị đều được đến trường đại học. Có vốn liếng, hai vợ chồng già mở được một cửa hàng nội thất.

Nhà cửa khang trang hẳn lên, nguồn thu nhập từ cửa hàng ổn định, con cái chị đều lập gia đình đàng hoàng, đứa nào cũng có cơ ngơi riêng. Tuy đã có tuổi, nhưng sức khỏe của hai vợ chồng không gặp vấn đề gì. Như chồng chị nói, đây là cuộc sống nhiều người mơ ước. Vậy mà, chị còn mong mỏi điều gì để đến mức ngày đêm trăn trở, ăn không ngon, ngủ không yên?

Chị không chia sẻ với chồng về nỗi buồn đeo nặng trong lòng mình. Ngày đó, chồng chị không ủng hộ gả con, chị đã một mình quyết định nên bây giờ phải tự gánh mọi thứ.

Vả lại, đàn ông không đa đoan như phụ nữ. Một lần hiếm hoi chị vừa bóng gió thở than thì chồng chị đã gạt đi, bảo chị lo bò trắng răng. Anh nói, con gái yên ấm mười mấy năm, bây giờ chị đã có cháu ngoại, nghĩ vớ vẩn chi rồi tự ôm khổ vào người.

Chị không thể không nghĩ. Đó thật sự là nỗi ám ảnh lớn nhất đời chị. Đã nhiều lần, qua điện thoại, chị gặng hỏi con có hạnh phúc không. Con gái luôn vui vẻ bảo có, nhưng sao chị vẫn không thấy yên lòng. Con luôn là đứa hiếu thảo nhất, có lẽ con sợ cha mẹ lo lắng nên mới nói vậy.

Mỗi lần nghe có trường hợp con cái nhà ai lấy chồng nước ngoài gặp chuyện không may, bị bạo hành, là chị tìm cách lặn lội đến tận nơi hoặc gửi quà chia sẻ. Chị nói thấy cảnh con nhà người ta khổ, lại nhớ con gái của chị cũng đang bôn ba một mình nơi xứ lạ quê người. Chị muốn tích đức cho con.

Đám cưới con trai út, hai vợ chồng con gái cùng về. Con rể của chị đã rành tiếng Việt, lăng xăng phụ vợ chuẩn bị bàn ghế, trà nước. Nhìn vợ chồng con cười cười nói nói bên nhau, chị mừng thầm trong bụng. Đến lúc này chị mới thật sự tin con sống hạnh phúc. Nỗi đau đáu trong lòng đã được tháo gỡ. Chị cứ tưởng sẽ phải dằn vặt suốt phần đời còn lại chỉ vì một quyết định nhẫn tâm của mình. 

Việt Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI