Muốn vợ cũ trả nợ chung, tôi phải làm sao?

26/12/2018 - 09:00

PNO - Khi ly hôn tôi không yêu cầu vợ trả nợ chung, nhưng hiện nay tôi muốn yêu cầu việc đó. Như vậy có được không?

Hỏi: Trong thời gian kết hôn, tôi và vợ cũ có khoản nợ chung phải trả là 500 triệu đồng. Chúng tôi đã ly hôn cách đây hai năm và khi ly hôn tôi không có yêu cầu chia nợ với vợ mình. Nhưng hiện nay do hoàn cảnh khó khăn nên tôi muốn vợ cũ cùng chịu trách nhiệm về khoản nợ trên. Vậy tôi có thể yêu cầu vợ cũ chia khoản nợ trên được không.

                                                                                                    An Ng. (Vĩnh Phúc)

Chào bạn. Trước hết xin cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi về trường hợp của mình đang gặp phải. Tôi xin đưa ra tư vấn nhằm giúp bạn tháo gỡ thắc mắc đối với vấn đề sau khi ly hôn nhằm đảm bảo tốt nhất cho quyền và lợi ích của bạn như sau:

Muon vo cu tra no chung, toi phai lam sao?
Ảnh minh họa

Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng như sau: 

1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình; …”

Đồng thời Điều 60 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc giải quyết quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn như sau:

“1. Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác.

2. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ tài sản thì áp dụng quy định tại các điều 27, 37 và 45 của Luật này và quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết”.

Muon vo cu tra no chung, toi phai lam sao?
Ảnh minh họa

Trong trường hợp của bạn, khoản nợ chung của vợ chồng bạn phải liên đới chịu trách nhiệm là 500 triệu đồng. Do đó, đây là nghĩa vụ chung về tài sản phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập. Tuy nhiên bạn không cung cấp rõ về vấn đề bạn và vợ cũ có thoả thuận với chủ nợ về khoản nợ sẽ do ai thực hiện nghĩa vụ hay không. Do đó, trong trường hợp nếu bạn, vợ cũ của bạn và chủ nợ không thực hiện việc thoả thuận số nợ trên sẽ do một bên thực hiện nghĩa vụ trả nợ hay vẫn là cả hai bên thì trong trường hợp này, bạn và vợ cũ vẫn phải có nghĩa vụ và trách nhiệm liên đới trả nợ chung cùng nhau. Trong trường hợp giữa bạn, vợ cũ của bạn và chủ nợ đã thỏa thuận việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì sẽ chỉ do một bên là vợ cũ của bạn hoặc bạn trả nợ thì sẽ chỉ có một bên phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ đó.

Như vậy nếu như giữa bạn, vợ cũ và chủ nợ đã thoả thuận rằng việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ liên đới đó sẽ chỉ do bạn thực hiện thì bạn sẽ không được yêu cầu vợ cũ của bạn phải chịu trả khoản nợ chung của bạn nữa, trừ trường hợp bạn chứng minh được việc thoả thuận đó là không hợp pháp như thỏa thuận này bị lừa dối, ép buộc thực hiện,...

Còn nếu như giữa bạn và vợ cũ, chủ nợ chưa từng có sự thoả thuận về việc trả nợ, hoặc thoả thuận đó trái pháp luật, vi phạm pháp luật thì bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu vợ cũ của bạn thực hiện nghĩa vụ liên đới cùng bạn. Trường hợp nếu vợ cũ của bạn không đồng ý việc cùng liên đới trả nợ, bạn có thể tiến hành khởi kiện tại tòa án.

Luật Sư Phạm Hoài Nam

(Đoàn LS TP.Hồ Chí Minh)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI