Muốn có con nữa, anh bảo người khác sanh, em đuối quá rồi!

17/05/2017 - 16:32

PNO - Con dần lớn nhưng vẫn ngô nghê, khờ khạo. Chồng em ban đầu cũng thương con, nhưng lại cứ muốn sinh thêm đứa nữa, trong khi em thấy mình không đủ sức...

Chị Hạnh Dung kính mến,

Em 30 tuổi, đã lập gia đình, có con hơn bốn tuổi. Con em không may mắn bị chậm phát triển, không thể tự lo sinh hoạt cá nhân. Em thương con bệnh tật nên đã nghỉ làm để chăm sóc con từ lúc mới sinh, đưa con đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác.

Con dần lớn nhưng vẫn ngô nghê, khờ khạo. Chồng em ban đầu cũng thương con, nhưng lại cứ muốn sinh thêm đứa nữa, trong khi em thấy mình không đủ sức để lo thêm cho một đứa con nữa nên không đồng ý. Vợ chồng nói qua nói lại mãi chuyện đó, anh dần có phần lợt lạt tình cảm, không gắn bó với gia đình như trước nữa. Có khi anh đã có ai khác rồi mà em không biết. 

Muon co con nua, anh bao nguoi khac sanh, em duoi qua roi!
Ảnh minh họa.

Anh vắng nhà thường xuyên, về cũng không ngó đến con, không chuyện trò với vợ như trước, nhiều hôm còn say mèm, la lối lớn tiếng. Gia đình như vậy, sao em dám tính chuyện có thêm con? Thấy rõ gia đình đang rạn vỡ mà em không biết phải làm thế nào. Nếu em không sinh, chắc vợ chồng rồi sẽ chia tay.

Lúc đó, mình em không cáng đáng nổi chi phí cuộc sống và chữa bệnh cho con. Mới đây, em có nói với chồng, anh có ai khác cũng được, kêu người ta đẻ con cho anh, còn em thì đã sinh con không bằng người ta. Thương con thiệt thòi nên trọn đời này em chỉ lo cho con thôi. Anh thản nhiên, đó là cô muốn vậy! Ý chồng em là sao?

Bích Trang
(Q.Tân Bình, TP.HCM)

Em Bích Trang thân mến,

Thương con là bản năng, là thiên tính của người mẹ. Con càng thiệt thòi, người mẹ càng thương con nhiều hơn. Hạnh Dung hiểu tình cảm của em, nhưng thương yêu cũng có năm bảy đường. Có cách thương mà con nên người, gia đình êm ấm; lại có cách thương khiến mọi thứ ngày càng tàn lụi. Em chọn cách nào? Trong tình thương cũng cần phải tỉnh táo mà cân nhắc thiệt hơn, em ạ.

Thương con là giữ cho con được sống trong tổ ấm gia đình, có đầy đủ những điều kiện vật chất và tinh thần để lớn lên, chứ không phải suốt đời bám theo chăm sóc, không rời con một bước. Em cần xem lại, nếu khuyết tật của con thuộc dạng không thể chữa, như bệnh down chẳng hạn, thì việc quanh bé có môi trường thân thương, có anh chị em đùm bọc, chơi đùa, có cha có mẹ… là thuốc chữa bệnh tốt nhất cho bé.

Thông thường, nếu không may mắn có đứa con khiếm khuyết, người ta luôn muốn sinh thêm đứa khác để bù đắp, san sẻ. Chồng em nghĩ đúng chứ không phải không biết thương con bệnh tật thiệt thòi đâu. Có thể do anh ấy chưa nói được hết suy nghĩ của mình với vợ, chưa biết cách thuyết phục em thay đổi suy nghĩ.

Cũng có thể do em cứ khăng khăng ở nhà ôm con nên rất khó khuyên giải. Em thử nghĩ, cứ tập trung đứa con bệnh tật thì cuối cùng hai mẹ con cũng sẽ rơi vào cảnh sống khép kín, cô độc. Không có mọi người chung quanh, con em có vui vẻ được không? Mà con cũng đâu phải con của mình em, quyền quyết định còn của cha đứa bé nữa.

Sự hy sinh của người đàn bà coi vậy mà không hề dễ dàng, em đừng nghĩ chỉ cần mình chịu hy sinh là mọi thứ sẽ tốt đẹp. Em nên thử nói chuyện với chồng, thu xếp để con được chăm sóc mà em vẫn có thể làm việc khác cho gia đình, chăm sóc cả cho chồng.

Tình cảm gia đình ấm lại rồi thì phải tính chuyện sinh thêm con. Y học đã tiến bộ, có thể giúp em kiểm soát tình hình sức khỏe, dị tật của con từ lúc bắt đầu mang thai, đừng quá lo lắng. Rồi cuộc sống sẽ bù đắp cho em, để tình thương con được nhân đôi, nhân ba. Chúc em vui.  

Hạnh Dung 

Thư cho Hạnh Dung, mời quý vị gởi theo địa chỉ:

hanhdungonline@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI