Mẹ già có tật gom đồ, tích rác

11/08/2019 - 10:00

PNO - Đồ dùng cũ, quần áo cũ và các vỏ lon, vỏ hộp, mẹ chất đầy dưới gian bếp. Giường chiếu cũ kỹ, mẹ không vứt đi cái gì, nói là gom cho từ thiện, cái gì còn sẽ bán ve chai vì mọi thứ đều... còn dùng được.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Vừa qua em về thăm mẹ mà chẳng được nghỉ lấy một ngày, vì phải dọn căn nhà mẹ tha đủ thứ về như một núi rác. Từ những đồ dùng cũ, quần áo cũ và các vỏ lon, vỏ hộp, mẹ chất đầy dưới gian bếp. Giường chiếu cũ kỹ, mẹ không vứt đi cái gì, nói là gom cho từ thiện, cái gì còn sẽ bán ve chai vì mọi thứ đều... còn dùng được. Thấy em dọn dẹp và kêu ca, mẹ còn bảo, tao tưởng vài ngày nữa mày mới về để tao dọn bớt, sao mày về sớm?

Rồi hai mẹ con to tiếng với nhau, hỏng hết cả một kỳ nghỉ phép của em. Bực quá em viết lên Facebook cho khuây khỏa thì đứa bạn thân còn mắng: “Khi về già mày cũng sẽ lẩm cẩm thế thôi. Sao viết lên cho cả thế giới người ta chê cười mẹ mày?”.

Em thấy rất bực. Không lẽ em cứ “yên tâm” với cách sống sai trái phản khoa học của mẹ, làm sao cải tạo được bà hả chị?

Lệ Thu (TP.HCM)

Me gia co tat gom do, tich rac
Người già thường tiếc của, thích gom đồ. Và ai già đi rồi cũng lẩm cẩm? Hình minh họa

Gửi em Lệ Thu,

Đúng là có một số người già “mắc” cái tật gom đồ thành... nhà kho như mẹ em. Đó là dấu vết của những người đã trải qua sự sợ hãi một thời nghèo khó, cái gì cũng thiếu thốn.

Bây giờ thương mại phát triển, hàng hóa ê hề, đến các vỏ bọc trưng bày, các chai lọ, hộp đóng gói cũng đẹp, nhiều cái vứt vào sọt rác không đành. Bây giờ là thời của lối sống tối giản; nhân loại hằng ngày “vứt đi” tới 1/3 lượng hàng hóa thực phẩm mình sản xuất ra - đến nỗi phải báo động “cứu lấy hành tinh” khỏi nguy cơ bị hủy hoại do... rác. Việc này cấp thiết lắm rồi và ai cũng biết.

Chị không “bênh vực” lối sống ấy của mẹ em và thông cảm với nỗi khổ của em, nhưng cũng... đồng ý với cô bạn. Viết cảm xúc lên “phây” để “xả” bớt, nhưng dù sao cũng nên... “nghiên cứu” ý kiến cô bạn. Không sợ hiểu là “nói xấu mẹ” vì em chắc không có mục đích đó - và cũng cần cảnh báo những lối sống gây hại cho chính mẹ. Nhưng nên nghĩ cách cải thiện tình hình một cách thực tế hơn. Nói cho mẹ nghe những cái hại về sức khỏe, bệnh tật có thể xảy ra. Động viên mẹ cùng dọn dẹp một cách tự nguyện. Một khi mẹ già đi, sức khỏe yếu dần chắc chẳng còn hơi sức đâu mà khuân về.

Mặt khác nên nghĩ, em đi xa, sống cuộc sống khác, đâu có ở bên mẹ mà “sửa sai” nổi. Làm sao dọn đỡ cho mẹ, khuyên mẹ nên tự giải phóng cho mình khi phải sống xa con. Khi mẹ hiểu sẽ tự điều chỉnh. 

Và đúng là khi già đi, ta sẽ... mắc lắm thứ lẩm cẩm. Có người còn mắc... bệnh sạch thái quá nữa đó em. Tắm hằng giờ, suốt ngày quần quật “lấy thân che của”, không bao giờ thấy thoải mái bằng lòng với cuộc sống. Vậy cũng... chết nhỉ? Chị biết có người sạch quá, đi đâu cũng... sợ vi trùng, khách chưa ra khỏi cửa đã hối hả vệ sinh chỗ khách ngồi. Thế mà chả khổ à? Cái gì thái quá đều gây phiền.

Em nên bình tĩnh, nghĩ cách giúp mẹ từ từ. Lần sau em về chắc bà... sợ quá mà dọn sạch sẽ hơn. Tổ chức cuộc sống, “cưỡng bức bà già” để “cảnh cáo nhẹ” thôi cho mẹ điều chỉnh, mẹ sẽ tự cảm nhận khi vứt bớt đồ sẽ sạch sẽ sung sướng ra sao. Đừng “rắn” quá, sẽ làm tổn thương tình mẹ con.

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, mời quý vị gửi về: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn trực tiếp tại Tòa soạn Báo Phụ nữ: Từ 8g đến 17g các ngày từ thứ Hai, tới thứ Sáu.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI