Mất quyền nuôi con vì thiếu hiểu biết

14/07/2014 - 16:19

PNO - PN - Không chịu nổi sự hà khắc của nhà chồng, năm lần bảy lượt chị Nguyễn Thùy Linh (Kế Sách, Sóc Trăng) ôm con bỏ về nhà mẹ ruột, nhưng lần nào đứa bé cũng bị bắt lại. Túng thế, chị quyết định đem con trốn đi thật xa...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chịu khổ vì con

Đầu năm 2009, không cưới xin, chị Thùy Linh lặng lẽ về sống với anh Trần Tuấn Anh (Phụng Hiệp, Hậu Giang). Lấy lý do Linh bụng chửa vượt mặt, ba mẹ Tuấn Anh không chịu tổ chức cưới. Đã vậy, dù nhà có mình Tuấn Anh là con trai nhưng mẹ anh vẫn nhất quyết buộc con ra ở riêng vì ngại “xui xẻo”. Ba mẹ chồng cho vợ chồng Linh một gian nhà lá với năm công ruộng.

Chỉ sau khi Linh sinh con trai, nhà chồng mới đón mẹ con chị về sống chung. Lúc đó chị mừng lắm, nghĩ nhà chồng đã bỏ qua cái tội “ăn cơm trước kẻng”. Nhưng, về sống chung, Linh mới nhận ra nhà chồng cần cháu chứ chẳng cần dâu. Vốn đã có ác cảm nên mẹ chồng thường xuyên cáu gắt, chửi mắng vô cớ, xưng hô “tao-mày” với chị. Bất chấp Linh sinh con còn non tháng, bao nhiêu công việc trong gia đình đều trút hết cho chị. Linh vừa chăm sóc con nhỏ, vừa phải chăm sóc thêm ông bà nội chồng, rồi cơm nước, nhà cửa, ruộng vườn... quần quật suốt ngày vẫn không hết việc. Mẹ chồng và hai cô em chồng chẳng những không phụ giúp mà còn hoạnh họe, bày biện cho chị vất vả thêm. Không những thế, mới đây ba mẹ chồng chị đột ngột lấy đất lại không cho làm riêng nữa. Anh Tuấn Anh đi làm, lương tháng mẹ chồng cũng giữ. Trước đây, mỗi ngày may vá Linh còn kiếm được vài chục ngàn chi tiêu lặt vặt, nay lo việc nhà chồng, chị không còn thời gian làm nữa, mọi chi tiêu đều phụ thuộc vào mẹ chồng, mỗi lần mua cân đường, hộp sữa là bà cau có, chửi bới. Tiền dành dụm trước đây chị dần chi tiêu hết sạch.

Cơ cực, túng thiếu, Linh khuyên chồng ra ở riêng nhưng anh nhất định không chịu. Vợ chồng mâu thuẫn, mẹ chồng biết chuyện thẳng tay tát con dâu. Em chồng cũng lời ra tiếng vào, châm dầu vào lửa. Buồn tủi, Linh ôm con bỏ về nhà mẹ ruột. Nhưng hai mẹ con vừa về đến nơi, cả gia đình chồng cũng đỗ xe đến trước cửa. Giận vợ, Tuấn Anh - được sự trợ giúp của mẹ và hai em - giằng co đứa con. Cuối cùng Linh đành nhượng bộ cho chồng bế con về. Được vài hôm vì thương nhớ con, chị cắn răng chịu lỗi với nhà chồng để được sống bên con.

Mat quyen nuoi con vi thieu hieu biet

Lỡ bỏ nên khó đòi

Linh không nhớ đã bao nhiêu lần chị bỏ đi rồi lại trở về, sau mỗi lần như thế là phải hứng chịu những trận đòn oan nghiệt của chồng. Thời gian này, Tuấn Anh còn sinh tật rượu chè, trai gái. Chị ngậm ngùi: “Anh ấy đổ thừa tại tôi không chiều chồng. Cả ngày quần quật không được nghỉ ngơi, đêm lại loay hoay với con, tối vô mùng chỉ muốn ngủ, mệt mỏi thêm chán nản… làm sao không nguội lạnh”.

Chị lại quyết định ôm con trốn đi. Hôm ấy, đợi cả nhà ngủ say, chị ẵm con ra Quốc lộ 1A đón xe lên TP.HCM. Một người bà con của bên chồng phát hiện, đứa bé bị bắt lại. Sợ những trận đòn roi, những lời cay nghiệt, chị đành bỏ lại con ra đi một mình, nghĩ khi nào ổn định sẽ quay lại đón con. Nhưng, mọi chuyện không như mong muốn của chị.

Ba năm xa con, càng thương nhớ con, Linh càng cố kiếm tiền mong về sau bù đắp lại cho con. Khi đã sắp xếp ổn thỏa được nơi ăn chốn ở, chị hăm hở về quê xin ly hôn và đòi lại con nhưng tòa đã bác yêu cầu của chị. Theo tòa, chị bỏ đi từ lúc đứa bé mới một tuổi, ba năm qua đứa bé được cha và ông bà nội chăm sóc, nuôi dưỡng, chị chưa một lần về thăm. Đứa bé có tình cảm và gắn bó với cha nhiều hơn, anh cũng có điều kiện chăm sóc con hơn chị.

Chị khóc rưng rức, quỳ sụp xuống xin tòa xem xét lại, bất đắc dĩ chị mới phải bỏ con. Chị ra đi vì không chịu nổi những trận đòn, đi là để kiếm tiền lo cho con. Nói là vậy nhưng Linh không có chứng cứ nào chứng minh từng bị nhà chồng đánh đập, hành hạ. Những vết thương cũ đã lành, chị lại chưa một lần báo chính quyền địa phương hay đi bệnh viện làm giấy chứng thương, ai tin lời chị?

Tòa tuyên cho anh chị ly hôn, giao con cho chồng chị nuôi. Nhìn theo thằng bé được bà nội bế ra về, chị gọi con không nên lời...

 Linh Giang

Theo luật sư Nguyễn Văn Trường (Đoàn Luật sư TP.HCM), căn cứ khoản 2, điều 92, Luật Hôn nhân và gia đình quy định về việc “vợ chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên đối với con sau ly hôn…; nếu không thỏa thuận được tòa sẽ quyết định dựa trên quyền lợi mọi mặt của đứa trẻ”. Trường hợp của chị Nguyễn Thùy Linh, hai bên không thỏa thuận được nên tòa căn cứ vào điều kiện cụ thể của các bên để quyết định. Do trong suốt thời gian ly thân, bé sống với cha, quen với cách dạy dỗ của cha. Hơn nữa, anh Tuấn Anh lại có đủ điều kiện chăm sóc, đảm bảo được sự phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần cho bé hơn chị nên tòa giao con cho cha là phù hợp với quy định của pháp luật. Vì vậy, việc kháng cáo đề nghị tòa án cấp phúc thẩm giao con cho chị nuôi là rất khó được chấp nhận. Về lý, chị không đủ điều kiện đảm bảo cho con phát triển toàn diện bằng chồng. Về tình, đây là giai đoạn bé phát triển, hình thành nhân cách, nếu giao cho chị sẽ làm thay đổi môi trường sống bé đã quen, sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của bé.

Luật sư Nguyễn Văn Trường khuyến cáo, nhiều chị em vì thiếu hiểu biết pháp luật mà mất quyền nuôi con tương tự trường hợp chị Thùy Linh. Để không bị mất quyền nuôi con, ngay từ đầu chị em phải dứt khoát không lẩn trốn, bỏ mặc con. Nếu vì hoàn cảnh không thể trực tiếp chăm sóc con thì phải thường xuyên lui tới thăm nom. Đừng bỏ lâu quá, con sẽ không có tình cảm hoặc quên mẹ, sau này giành lại con rất khó.

Sợ những trận đòn roi, những lời cay nghiệt, chị đành bỏ lại con ra đi một mình, nghĩ khi nào ổn định sẽ quay lại đón con. Nhưng, mọi chuyện không như mong muốn của chị.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI