Mạ nhớ ba dài theo năm tháng

02/03/2016 - 07:54

PNO - Ba mạ tôi đông con, vậy mà tuổi xế chiều họ như vợ chồng son, ra ra vào vào cũng chỉ... “tui với bà”.

Ma nho ba dai theo nam thang
Tác giả và mẹ

Đùng một cái ba ngã bệnh, khi phát hiện bệnh đã vào giai đoạn cuối. Cả nhà con cái, dâu rể, cháu chắt dắt díu nhau về chăm sóc ba được ngày nào hay ngày ấy.

Dài như nỗi nhớ

Bệnh của ba, từ khi bệnh viện “chạy”, ai bày gì theo nấy. Mạ khi ấy 63 tuổi vẫn còn khỏe mạnh. Mạ giấu nỗi buồn, tất tả đi tìm thầy thuốc Nam, với hy vọng “phước chủ may thầy”. Ba đoán mình bệnh nặng khó khỏi, bởi sức yếu dần, mà cơn đau thì ngày càng dày và dài thêm. Dù vậy, ba vẫn gắng uống từng chén thuốc mạ sắc, cho mạ vui. Trước khi mất vài hôm, ba gọi chúng tôi lại, “gửi gắm” mạ, rồi trút mấy lời tận tâm can dành cho mạ “nếu bà đi trước, là tôi có dịp lo cho bà tới giờ phút cuối thật trọn vẹn, vì bà vất vả quá nhiều rồi.

Tôi đi, bà ở lại với con cháu, nhớ sống vui sống khỏe để tôi thanh thản nghe bà!”. Chị em tôi cố giấu cảm xúc, mạnh ai nấy tản ra khỏi giường bệnh, để ba thoải mái bộc bạch mấy lời sau cuối cùng mạ. Mấy ngày sau, ba đi. Mạ tỏ ra mạnh mẽ nhưng không khó để nhìn ra cái “vỏ bọc”. Mạ quên trước quên sau, cầm gì rơi nấy, có khi nói lắp bắp, đôi mắt ráo hoảnh mà cứ xa xăm, vời vợi.

18 tuổi mạ lấy chồng. Tính đến ngày ba mất, mạ đã sống với ba 45 năm. Chỉ cần hơi thở ba hơi nhọc một chút, cái nhíu mày nhăn hơn một chút, hay nụ cười dãn ra hơn một chút, là mạ biết trạng thái ba khi ấy thế nào. Ba mạ nên nghĩa vợ chồng qua mai mối, vậy mà tôi chưa một lần chứng kiến họ cãi nhau, dù cuộc sống đông con, vất vả trăm bề.

Mạ kể thời chiến tranh, năm 17 tuổi bà theo bác hàng xóm, vào lánh ngay nhà ông nội tôi. Thấy mạ tôi xinh gái, hiền lành, lại nghe nói mồ côi cha mẹ từ nhỏ, đang sống với ông bà ngoại, rất giỏi giang, nên ông nội cậy người mang trầu cau sang hỏi cưới mạ cho ba. Bà nội khi ấy không còn, nên vừa chân ướt chân ráo về, mạ tôi “tiếp quản” ngay việc nhà chồng, vừa ruộng nương, vừa đàn em chồng chưa ai tới tuổi xây dựng gia đình. Rồi mạ sinh con đẻ cái, cơ cực trăm bề. Nhưng nhờ thuận đạo vợ chồng, bao vất vả cũng qua.

Từ ngày ba mất, mạ bắt đầu đổ bệnh. Ai cũng tưởng là bệnh người già như đau vai đau lưng, huyết áp. Nhưng tôi đoán biết mạ mắc chứng bệnh... nhớ chồng nên mới như thế. Ngồi đâu cũng nhắc về ba, chừng như ba vừa đi đâu đó, chưa về. Tiếng gàu khua nơi thành giếng, mạ cũng lắng tai nghe, rồi bảo “ai múc nước mà khua gàu y như ba con”. Mạ nhớ tiếng lê dép, hay tiếng chổi tre mỗi sáng ba quét lá rụng quanh vườn nhà...

Đúng như ba tôi hay nói, người chết trở thành cát bụi, chứ người còn sống, chỉ mỗi việc nhớ về người đã khuất cũng đủ hành hạ thể xác. Huống gì ba mạ tôi như hình với bóng. Tôi nhớ ngày mình còn nhỏ, mỗi khi vào vụ lúa, ba hỏi mạ “ngày mai bà cho thợ gặt ăn món gì?”. Còn mạ tôi thì hỏi “ông kêu thợ gặt gồm những ai?”.

Thường thì nấu ăn là chuyện đàn bà. Chuyện kêu thợ là của đàn ông. Nhưng ba mạ tôi luôn trao đổi với nhau. Trong mọi chuyện khác, lớn nhỏ gì hai ngườ i cũng chia sẻ như thế. Ngày còn nhỏ, tôi thấy chuyện ấy bình thường. Bây giờ có gia đình riêng, mới thấy ba mạ mình hay thật, vì chẳng phải cặp vợ chồng nào cũng tôn trọng nhau, lúc nào cũng có thể vì nhau như vậy. Ai nói đàn ông miền Trung gia trưởng, chứ với mạ tôi thì ba là người đặc biệt. Bởi thế, mạ sống mòn với kỷ niệm. Mạ hay nhắc chuyện gia đình nhà ngoại không có con trai, ba tôi cũng không biết mặt cha mẹ vợ, nhưng đến ngày giỗ, ngày tảo mộ, tết nhất... ba đều chu toàn.

Ba tôi mất hơn 17 năm, nhưng nỗi nhớ của mạ không nguôi. Cứ đến ngày cúng cơm ba, mạ tôi tự làm mâm cơm, với những món ba thích, dứt khoát không thiếu bát nước chè xanh. Nỗi nhớ của mạ cứ dài theo năm tháng. Thật ngạc nhiên là trong vô vàn nỗi nhớ về ba, mạ lại nhớ nhất tiếng ngáy. Mạ bảo tiếng ngáy ba tôi không rền như sấm, chỉ khò khò vừa đủ cho người bên cạnh “thưởng thức”.

Mạ kể, hôm nào ba không ngáy, mạ cảm thấy bất an, nên thỉnh thoảng phải quờ tay kiểm tra hơi thở của ba. Để rồi những đêm không ba, mạ bật dậy tỉnh giấc sờ soạng, tìm ba trong vô thức. Ba mạ dù già nhưng vẫn ngủ chung giường để kiểm soát sức khỏe nhau. 45 năm mặn nồng như thế, làm sao mạ không chông chênh khi vắng ba?

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI