Ly hôn lần nữa

16/05/2015 - 18:49

PNO - PN - Cô Hạnh Dung kính mến! Tôi 54 tuổi, sắp đến tuổi nghỉ hưu, như người ta thì đã an nhàn, còn tôi số phận sao quá long đong cực nhọc.

edf40wrjww2tblPage:Content

 Tôi vừa mới ly hôn được hai năm, do chồng tôi phụ bạc, có thêm nhân tình, muốn ly hôn để giành giật phần tài sản. Cô ta thua tôi sáu tuổi, nhưng có cơ sở làm ăn kinh doanh và biết chưng diện nên trẻ hơn nhiều.

Tôi nghĩ thôi thì mặc kệ, tôi sống một mình cũng không sao. Thủ tục ly hôn xong, chỉ mấy tháng sau thì chồng cũ của tôi bị một cơn nhồi máu cơ tim, từ bệnh viện ra ông ấy thân tàn ma dại nên người đàn bà kia bỏ luôn. Các con tôi vì chữ hiếu lại đưa ông ấy về nhà, tôi phải chăm sóc, trong khi tôi cũng đang phải điều trị bệnh tiểu đường. Số tài sản chia khi ly hôn, ông ấy đã giao cả cho người đàn bà kia, bây giờ ông ấy nói năng cũng khó khăn, gần như nằm một chỗ, liệt nửa người.

Nhà cửa đã bán, chia bôi đã xong, tình cảm đã lụi tàn, giờ đối với tôi ông ấy chỉ còn là nỗi khinh ghét và là gánh nặng. Tôi đang sống cùng con trai đầu, cháu còn phải lo vợ con, kinh tế không dư dả mấy. Cơ quan đã có quyết định cuối năm nay cho tôi nghỉ, với đồng lương hưu còm cõi thì lấy đâu mà nuôi bệnh cho ông ấy. Tôi tính toán đủ cách, mà vẫn không biết làm sao để tự giải thoát khỏi món nợ đời này. Chẳng lẽ ly hôn lần nữa…

Trịnh Thị Thuận (TP.HCM)

Ly hon lan nua 

Chị Thuận thân mến,

Đối với chị nỗi đắng cay này là một, thì đối với người bán thân bất toại nằm kia, nỗi đắng cay này là trăm vạn lần. Ở đời chẳng có cái dại nào giống cái dại nào. Những tưởng chia được nhà, rũ được vợ, là một bước lên tiên, ai ngờ bị quả lừa quá nặng. Cũng đáng cho kẻ bạc tình, chưa qua cầu đã lo rút ván.

Nay, về nghĩa vụ pháp lý cũng như về mặt tình cảm thì chị không còn phải có trách nhiệm gì với ông ấy nữa. Tuy nhiên các con chị còn trách nhiệm với cha mình. Chị ở trong thế phải theo con, nên vướng mắc. Hạnh Dung thấy chị dù đã ly hôn nhưng vẫn không thoát ra, không sống với chồng nữa thì lại sống với con, nên cũng dễ hiểu vì sao cái gánh này “cởi ra rồi lại buộc vào như không”.

Nếu thực lòng không còn muốn lãnh trách nhiệm này, chị chỉ cần không sống cùng với con nữa, sống thực sự một mình, sẽ thoát được ngay thôi. Các con chị đã lớn, sẽ bàn nhau thu xếp chăm sóc ba. Chị có thể cố vấn thêm cho các cháu. Đối với người đau ốm, cách tốt nhất là cố gắng chăm sóc chạy chữa cho người ốm ấy khỏe lên.

Tuy nhiên, Hạnh Dung hiểu đối với phụ nữ Việt Nam, buông bỏ như vậy là một điều không dễ. Chị rồi cũng sẽ cảm thấy thôi thì mình sẻ bớt gánh nặng cho các con, mình hy sinh… và chị sẽ nhận lấy phần nặng nhọc. Vậy mình cần tính đường thu xếp: chị bỏ ra một ít thời gian chăm sóc cho chồng cũ, coi như làm phước cứu người, nhưng không chia sẻ gì cuộc sống chung nữa.

Số vốn liếng tiền bạc đã giao cho người đàn bà kia, con chị có thể đứng ra điều đình để lấy lại làm phần kinh phí chăm sóc bệnh tật cho ba, không thì sau này ba nó khỏe lại tất yếu sẽ đi đòi. Phần này khó, nên cũng trông mong vào nó chừng mực thôi. Còn chị, dành thời gian để tự chăm lo lấy mình. Nghĩ đến việc thu xếp một chỗ ở riêng là điều phải tính, nếu muốn về lâu về dài không lâm cảnh bế tắc, tăng gấp đôi gánh nặng cho mình và cho các con.

Chuyện nghỉ hưu là chuyện quy định rồi, khó có thể làm khác. Nhưng nhiều chị sau khi nghỉ vẫn có công việc làm thêm, kiếm thêm thu nhập và niềm vui làm việc, đây là chuyện chị cũng nên chuẩn bị, vì nếu không, toàn bộ thời gian còn lại sẽ bị dồn vào cho bệnh tật, ốm đau và oán trách. Thời điểm nào trong đời cũng phải thu xếp mới có thể thong dong an nhàn được, chứ không phải cứ đến đâu đó là sự an nhàn sẽ tự nhiên xuất hiện trước mặt mình… Mong chị gắng vượt qua!

HẠNH DUNG 

(hanhdung@baophunu.org.vn)

Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ 8g đến 17g các ngày thứ Hai, ba, Tư, năm, Sáu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI