Lẽ công bằng

29/12/2013 - 13:27

PNO - PNCN - Mặc cho em gái tuyên bố “từ” mình, người anh trai vẫn kiên quyết đứng về phía em rể để nói lên sự thật, bảo vệ lẽ công bằng.

edf40wrjww2tblPage:Content

1.

Năm 1997, qua mai mối, bà kết hôn với một người đàn ông giàu có quốc tịch Trung Quốc. Cuộc sống khá hạnh phúc, hai đứa con chung lần lượt chào đời. Ông nhanh chóng thu xếp đưa vợ con sang Trung Quốc đoàn tụ. Tuy nhiên, là một doanh nhân bận rộn, ông không có nhiều thời gian để chăm sóc gia đình. Xứ người lạ lẫm, bà thường xuyên có cảm giác bơ vơ, cô độc. Tình trạng hôn nhân dần trở nên trầm trọng khi vợ chồng bà ngày càng không tìm được tiếng nói chung. Năm 2010, sẵn có công việc cần giải quyết ở quê (tỉnh Bình Thuận), bà đưa hai con về nước. Nhớ vợ con, ông cũng nhanh chóng theo về, mang hy vọng cứu vãn cuộc hôn nhân. Tuy nhiên, hy vọng này sớm tan thành mây khói khi ông phát hiện bà đang quan hệ bất chính cùng người đàn ông khác, thậm chí đã có thai với người này. Tức giận, ông viết đơn ly hôn, đề nghị được nuôi dưỡng hai con mà không cần bà cấp dưỡng.

Vụ ly hôn kéo dài đến hai năm, bởi sự phức tạp trong hòa giải, phân chia tài sản, gồm hai mảnh đất hiện đều đứng tên bà. Bà cho biết: “Mảnh thứ nhất là do mẹ tôi cho, vì là mẹ con nên chỉ cho - nhận bằng miệng, không có thủ tục giấy tờ. Còn mảnh thứ hai vốn thuộc về chị gái, đã sang tên cho tôi theo hình thức cho - tặng, có giấy tờ hẳn hoi. Mặc dù hai mảnh đất tôi có được trong thời kỳ hôn nhân, nhưng đều là tài sản riêng nên không cớ gì tôi phải chia cho ông”. Trong khi đó, ông khẳng định nguồn gốc hai mảnh đất được mua đều từ tiền của ông. Nghĩa vợ chồng gần 20 năm, ông đề nghị chia cho bà theo tỷ lệ 7-3, ông lấy phần nhiều.

Le cong bang

2.

Trong phiên sơ thẩm diễn ra vào tháng 6/2013 tại TAND tỉnh Bình Thuận, ông đưa ra những chứng cứ chứng minh hai mảnh đất mua bằng tiền của mình, bao gồm các giấy tờ mua bán, sắm sửa nguyên vật liệu để xây dựng ngôi nhà trên mảnh đất thứ nhất, do anh trai bà là người đứng ra giao dịch. Anh trai bà cũng thừa nhận: “Em rể gửi tiền nhờ tôi mua”. Cấp sơ thẩm xem xét, nhận thấy hai mảnh đất đều hình thành trong quá trình hôn nhân; mảnh thứ nhất bà không chứng minh được là của mẹ cho; tương tự, mảnh thứ hai, dù có giấy tờ cho - tặng song chị gái của bà liên tục “trốn tránh” mỗi khi tòa triệu tập để lấy lời khai, đối chất để làm rõ nguồn gốc cũng như việc mua đất và xin vắng mặt trong phiên xử… Từ những chứng cứ này, tòa tuyên đủ cơ sở khẳng định đó là tài sản chung của vợ chồng. Do ông có công đóng góp nhiều hơn nên chia theo tỷ lệ 6-4. Tòa đồng thời tuyên hai người ly hôn, các con ở với ông, bà không phải cấp dưỡng.

Sau phiên xử, ông quay về Trung Quốc giải quyết chuyện làm ăn. Cho rằng ông nhận nuôi con song không đưa hai đứa trẻ đi theo, chứng tỏ chẳng có trách nhiệm với con cái; cộng với không bằng lòng việc phân định tài sản như bản án đã tuyên, bà kháng cáo. Trong đơn, bà yêu cầu được nuôi hai đứa trẻ, ông trợ cấp mỗi tháng bốn triệu đồng; phần tài sản, bà giữ nguyên quyết định là “của riêng”, không thể chia cho ông. Mới đây, cấp phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã tạm hoãn phiên xử do có nhiều chi tiết cần xác minh, bổ sung.

3.

Giải thích về quyết định của tòa sơ thẩm, anh trai bà nói: “Em gái tôi cho rằng miếng đất thứ nhất và ngôi nhà được xây trên phần đất ấy đều của mẹ tôi, sau đó mẹ “cho miệng” lại em gái tôi là không đúng. Thực tế, gia đình tôi rất nghèo. Ngày xưa mẹ tôi sống vất vả, bà không làm gì ra tiền. Mấy chục năm nay, mẹ chỉ ở nhà và để con cái chăm sóc. Chị gái tôi cũng vậy, tiền ở đâu ra mà mua đất rồi cho - tặng lại em tôi. Trước kia, chị mưu sinh bằng nghề bán kem dạo và chèo xuồng bán thực phẩm trên sông, thu nhập đủ sống qua ngày. Mấy năm nay, chị đổ bệnh nên ở nhà nội trợ. Nói như thế để biết cả mẹ và chị tôi không có tiền mà mua đất, cất nhà. Em gái tôi lấy chồng, may mắn được chồng thương nên gửi tiền về cho, gia đình mới có ngày hôm nay, ổn định được miếng ăn, chỗ ở”.

Anh trai bà còn khẳng định, hôm diễn ra phiên sơ thẩm, người chủ đất cũng đến để góp thêm tiếng nói thừa nhận đã bán đất cho ông. Bên cạnh đó, nhiều hàng xóm đều biết sự thật “rành rành” gia cảnh xưa nay của gia đình và tiền mua đất ở đâu ra, vì mỗi khi em rể gửi tiền về, người anh trai đều khoe: “Tôi đi mua đất cho em rể đang sống ở nước ngoài”. Cũng bởi lo lắng một ngày vợ chồng em gái cơm không lành, canh không ngọt dẫn đến tranh chấp tài sản, người anh trai mới quyết định gửi lại mọi giấy tờ giao dịch, mua sắm cho em rể.

…Sau phiên tòa sơ thẩm, một cuộc chiến đã xảy ra giữa bà và anh trai. Bà cho rằng anh trai “phản bội” mình, không nghĩ đến mối quan hệ thâm tình cốt nhục mà lại đi bênh vực người ngoài, nên tuyên bố “từ” anh. Bà cũng không quên nhắc gần 20 năm qua, đời sống của anh trai khá lên là nhờ mình. Khối tài sản không dưng trở thành bức tường của lòng tham ngăn lối, đẩy anh trai bà đơn độc phía bên kia chiến tuyến; còn bên này, bà có sự ủng hộ, hậu thuẫn từ mẹ, chị gái và cả dòng họ.

Dẫu vậy, người anh trai không lấy đó làm buồn, ông cho biết: “Tôi không bênh vực em rể. Lẽ công bằng, sự thật cần được tôn trọng. Tôi không thể vì lòng tham mà tráo trở, thay đen đổi trắng. Người ta giàu có đến đâu thì tài sản của họ cũng tạo nên từ mồ hôi nước mắt. Nảy lòng tham biến của người thành của mình là điều tôi không làm được”.

YÊN NHẠN

Không phải cứ đứng tên là chủ sở hữu

Trước đây, pháp luật về nhà, đất không cho người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài (Việt kiều) đứng tên sở hữu, sử dụng. Vì vậy, khi người nước ngoài hoặc Việt kiều kết hôn với người Việt Nam, thường tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân là bất động sản bao giờ cũng đứng tên người trong nước. Đến khi ly hôn, việc tranh chấp tài sản do đó hết sức phức tạp. Có nhiều lúc, nhiều nơi, người ta quan niệm ai đứng tên sở hữu thì người đó là chủ sở hữu mà không cần chứng minh nguồn gốc hình thành tài sản, làm cho việc giải quyết vụ án kéo dài, xử đi xử lại nhiều lần, gây bức xúc cho đương sự.

Trong vụ án này, tôi cho rằng TAND tỉnh Bình Thuận khi xác định đây là tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân và phân chia theo tỷ lệ công sức đóng góp của mỗi bên trong khối tài sản chung là đã có sự cân nhắc và “ưu ái” cho người vợ. Bởi lẽ, phần trình bày của người anh ruột thể hiện, toàn bộ số tiền mua hai mảnh đất đều là tiền của người chồng, người vợ chỉ đứng tên trên giấy tờ. Người chồng còn chứng minh bằng các tài liệu chứng cứ về việc mua sắm vật liệu xây dựng nhà cửa. Cùng với đó là người vợ không chứng minh một cách thuyết phục nguồn gốc hình thành hai mảnh đất đang tranh chấp, nên mức đề nghị của người chồng (chia 7-3) là có tình có lý.

Người anh vợ trong vụ án này rất dũng cảm khi nói lên sự thật. Hành động này tưởng chừng đơn giản, nhưng không phải ai cũng làm được khi trước mắt là một khối tài sản. Bị “tẩy chay” từ người em và họ hàng, nhưng ông đã sống đúng với lương tâm, đạo lý của người Việt là “đói cho sạch, rách cho thơm”. Sự dũng cảm của ông đã góp phần không nhỏ vào việc xác định sự thật.

Câu chuyện một lần nữa lưu ý là không phải cứ đứng tên trên giấy tờ sở hữu tài sản thì đương nhiên là chủ sở hữu, mà còn phải chứng minh nguồn gốc hình thành nên tài sản. Quan trọng hơn, thông qua các vụ án này, Nhà nước cần xây dựng chính sách pháp luật hợp lý hơn trong việc quy định sở hữu tài sản chung (là bất động sản) của vợ chồng đối với hôn nhân có yếu tố nước ngoài.

Luật sư Nguyễn Văn Đức - Giám đốc Công ty Luật Kinh Luân

Từ khóa Lẽ công bằng
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI