Lấy gà theo gà…

27/12/2017 - 14:14

PNO - Con trẻ cần một gia đình, một môi trường tốt đẹp để sống. Nhiều phụ nữ không hiểu được điều đơn giản rằng muốn mang lại hạnh phúc cho người khác, trước hết bản thân họ phải nắm giữ hạnh phúc.

Trong nhiều bộ phim cổ trang thường có câu nói rất kỳ quặc là: “Lấy gà theo gà, lấy chó theo chó”. Đó là một dị bản từ câu tục ngữ “Giá khất tùy khất, giá tẩu tùy tẩu” (Lấy ăn mày thì đi ăn mày, lấy ông lão phải theo ông lão). 

Mới đây, trong hai bộ phim truyền hình hiện đại, câu nói “lấy gà theo gà…” đã bật ra từ những phụ nữ không may lấy phải người chồng không xứng đáng khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Chính vì suy nghĩ ấy, họ đã dung dưỡng cho những thói xấu nơi các ông chồng và tự gắn cho mình nghĩa vụ phải hy sinh, chịu đựng bằng mọi giá. Điều đó giết chết hạnh phúc hôn nhân và giết cả cuộc đời họ.

Lay ga theo ga…
 

Bạn gái tôi tâm sự, cô thấy bế tắc và buồn vô hạn vì lấy phải người chồng thiếu trách nhiệm. Anh không hề quan tâm đến gia đình, con cái, cứ đi biền biệt, hằng tháng ném cho vợ chút tiền, coi như hoàn thành nghĩa vụ. Mọi việc trong ngoài, từ chuyện chu toàn hai bên nội ngoại, nấu nướng, giặt giũ, giáo dục con cái, đưa đón con đi học… đều một mình cô gánh vác. Thậm chí những việc như trám chỗ dột trên mái nhà, thay bóng đèn bạn cũng phải đảm đương. “Làm được thì làm, không thì kêu thợ”, anh ta chỉ nói như vậy, rồi lại đi.

Bạn kể, hai đứa con của bạn không hề quấn quýt cha. Cha có đi công tác cả tuần cũng chẳng đòi hay nhớ nhung gì, vì chúng đã quen sự vắng mặt của cha. Bạn cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng anh ta chẳng khác gì một người cha sinh học - chỉ có việc "truyền giống" rồi chấm hết, không ràng buộc trách nhiệm hay tình cảm gì.

Vai trò của chồng bạn trong gia đình mờ nhạt đến không tưởng. Đành rằng bạn có thể kiếm đủ tiền nuôi con, nhưng việc không gắn kết về trách nhiệm nuôi dạy, chăm sóc… là hoàn toàn đi ngược với mục đích ban đầu của hôn nhân. Tôi có cảm giác từ khi đến với nhau, anh ta đã đặt vào tay bạn một chiếc ly thủy tinh chứa đầy nước và bạn có trách nhiệm phải giữ. Nếu để chiếc ly rơi vỡ, chỉ có bạn là người mất. Thậm chí nếu những mảnh vỡ đó làm bạn bị thương, anh ta cũng là người ngoài cuộc.

Lay ga theo ga…
Ảnh minh họa

Tôi khâm phục bạn vì sự chịu đựng, nhưng không thể đánh giá cao bạn vì chính bạn đã coi thường bản thân, đánh mất cuộc sống tốt đẹp mà bạn và các con có quyền được hưởng. Điều tệ hơn cả là thái độ chấp nhận một cách mặc nhiên của bạn. Trong những cuộc nói chuyện, bạn cứ lặp đi lặp lại: chỉ muốn tốt cho con. Quả là điều không tưởng khi chúng ta kêu gọi bình đẳng giữa vợ và chồng, khi người đàn ông ngày càng ý thức cao về vai trò của họ trong gia đình.

Tôi khuyên bạn hãy dứt khoát rũ bỏ chiếc áo không hợp với mình, mà có lẽ cũng chẳng hợp với bất cứ người phụ nữ nào. Bạn bảo lấy chồng là “may nhờ rủi chịu”, rằng cái số của bạn đã vậy, có thay chồng đổi vợ, chắc gì đã tốt hơn. Rồi bạn bảo, mẹ bạn dạy đàn bà là phải chung thủy, trước sau như một. Tôi hỏi thế mẹ bạn có hạnh phúc không, tiếng bạn trả lời khẽ như tiếng gió: “Không”.

Chỉ riêng việc phải sống theo kiểu bịt mắt, bịt tai, bịt miệng để cho qua mọi chuyện cũng đủ khiến bạn bị trầm cảm, mệt mỏi triền miên. Có bao giờ bạn tự hỏi: “Có chồng để làm gì?”. Chính bạn cũng nhận ra mình đang bị stress nặng, vậy mà đứng trước câu hỏi “nên ly hôn hay tiếp tục”, bạn vẫn cương quyết với lý lẽ của mình. Tôi thật sự “nể” những phụ nữ như bạn.

Lay ga theo ga…
Ảnh minh họa

Lấy chồng, ngoài việc tìm kiếm sự sẻ chia, đồng cảm trong cuộc sống, công việc, trong niềm vui chứng kiến con cái trưởng thành, trong hạnh phúc gối chăn… người ta còn cần được sống đúng với mình chứ đâu phải chỉ như sắm cho mình cái áo cho bằng chị bằng em. Những bé gái rồi sẽ lớn lên, đủ nhạy cảm để nhận ra những khác thường trong cách cư xử giữa cha mẹ, sự phát triển về tinh thần của chúng cũng chịu ảnh hưởng từ đó. Không hẳn một gia đình có đủ cha mẹ mới là tốt. Tại sao cứ phải lấy gà để theo gà, lấy chó để theo chó? Lấy một người đàn ông tử tế, có trách nhiệm và biết yêu thương… không phải tốt hơn ư!?

Mỗi khi chào nhau, câu đầu tiên tôi thường chúc bạn là “sự mẫn tuệ”. Tôi không chúc bạn tiền tài hay sức khỏe mà chỉ chúc bạn tỉnh táo và sáng suốt để nhận ra sự khác biệt về những khái niệm vốn rất mênh mông trong cuộc sống này. “Hy sinh” khác với “chịu đựng”, “dũng cảm” khác với “liều lĩnh”, “yêu thương” không có nghĩa là “mù quáng”… Và cuối cùng, “một gia đình đầy đủ” không đồng nghĩa với “hạnh phúc”. 

 Phạm Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI