Lần đầu thượng đài

17/06/2013 - 16:51

PNO - PN - Tôi mê võ thuật từ lúc mới năm - sáu tuổi, đến độ tay chân “ngứa ngáy”, đứng đâu là vung tay, vung chân biểu diễn những thế võ “tự chế”. Lớn lên ngay lúc phong trào võ thuật quê nhà phát triển mạnh, thanh thiếu niên làng...

Lan dau thuong dai

Sau mấy tháng khổ luyện, tôi cùng một số môn sinh khác được thầy khen là có khả năng đoạt giải khi “thượng đài”. Sau đó, chúng tôi được thầy tách ra một nhóm riêng, về học ngay nhà thầy. Buổi sáng học văn hóa, buổi chiều tập võ. Thần tượng Lý Tiểu Long ngày ấy luôn ngự trị trong trái tim, càng thôi thúc tôi luyện tập. Sư phụ của tôi cũng hết lòng với các môn sinh. Thầy đặc biệt trau dồi “đạo” trong võ học, phần nào giúp chúng tôi “định hình” được mình. Còn nhớ, trước khi vào trận tập, mỗi chúng tôi đều bị thầy phân chia công việc. Chẳng hạn, phải gánh đầy những lu nước, mà giếng lại xa nhà, hay phải cắt những bao cỏ to cho đàn bò nhà thầy. Toàn những việc tốn thời gian, hoặc nặng nhọc, mà nếu không nhẫn nại thì rất dễ bỏ cuộc. Sau này tôi mới biết, đó là cách thầy thử thách tính kiên trì, lòng trung thành, còn luyện chí cho các môn sinh. Lần đầu thượng đài, tôi thật sự căng thẳng, nhất là khi biết đối thủ của mình chính là võ sĩ dày dạn, được đào tạo ở một lò võ nổi tiếng. Buổi chiều ngay hôm thi đấu, ban tổ chức đi phát loa khắp nơi. Giữa lúc áp lực đè nặng trong lòng, tôi được sư phụ trấn an, dặn dò kỹ lưỡng.

Làng xóm, ba mẹ và các chị tôi đang làm đồng, nghe tiếng loa, vội vàng bỏ đồng về nhà, chuẩn bị cơm nước đi xem đấu võ đài, nhưng chủ yếu là để động viên tôi. Má tôi kể lại, khi tôi bước ra sàn đài, má cứ lạy Trời lạy Phật để “nó” đừng đánh trúng con mình. Má muốn tôi chiến thắng trận đầu “mở hàng” nghiệp võ. Những người đàn ông đi xem, còn tổ chức bắt độ. Phần nhiều, họ tin chiến thắng sẽ thuộc về võ sĩ tên tuổi kia. Trong mắt họ, tôi chỉ là chú gà trống choai, mới tập tành cất tiếng gáy, chỉ những ai cùng “phe”, mới cổ vũ, ủng hộ tinh thần cho tôi.

Nghe lời thầy, tôi bước vào cuộc với một tinh thần thoải mái, chỉ với cái áo thun ba lỗ, cái quần đùi lưng thun giản dị. Tôi tận dụng các đòn thế, miếng võ đã học, đặc biệt phát huy cú đấm tay trái sở trường, mà sư phụ vẫn thường khen ngợi. Ngay cả tôi cũng không ngờ mình thắng trận đấu cực kỳ ý nghĩa ấy. Tôi trở về như một người hùng ở làng. Có thể nói, đó là “cú hích” đầu tiên trong đời, rất ý nghĩa và khó phai. Kể từ đó, cứ mỗi khi chuẩn bị thi đấu, tôi được hàng xóm, người cho mấy quả trứng gà tẩm bổ, người cho tiền lộ phí, mặc dù giai đoạn ấy, đồng tiền kiếm được rất khó khăn…

 Ngô Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI