Làm gì khi sếp là người nghiện việc?

07/04/2016 - 14:00

PNO - Quản lý có thể là người làm việc điên cuồng nhiều giờ liên tục, sẵn sàng hy sinh cuối tuần nhưng bạn không nhất thiết phải là người tiếp bước.

Nghe lời sếp vẫn được mặc định là một phần của công việc. Tuy nhiên, điều gì cũng có giới hạn. Nếu không chịu được sự hà khắc của một người quản lý chỉ biết đến làm việc và làm việc thì bạn có thể ra đi, chọn cho mình môi trường mới, phù hợp hơn. Còn nếu như bạn vẫn muốn gắn bó với công việc này, người sếp này, thì có lẽ đã đến lúc bạn cần đứng lên đấu tranh cho chính mình.

Điều đó giúp bạn giảm căng thẳng và lo lắng - những cảm xúc tiêu cực có thể tác động tới gia đình bạn. Quan trọng hơn cả, nó thay đổi "công thức" thành công, từ việc làm hài lòng một người không bao giờ biết thỏa mãn tới những giá trị thực sự ý nghĩ với bạn.

Dưới đây là 4 điều cần thiết để khởi động cho cuộc cách mạng của bạn:

1. Không ủng hộ quan điểm của sếp

Cho dù quản lý có là người khó tính đến thế nào, hãy nhớ rằng đó không phải là kẻ thù của bạn mà cũng chỉ là một người đang cố gắng để thành công. Dẫu vậy, dù bí mật đằng sau đặc tính nghiện việc của họ là gì thì việc thì anh ta/chị ta cũng khó thông cảm cho mong muốn được cân bằng công việc và gia đình của bạn.

Bước đầu tiên của chiến dịch là ngừng khuyến khích thái độ tiêu cực của sếp. Đừng ca ngợi những kết quả, thành công mà họ có được sau những giờ làm việc hùng hục như để chết. Đừng gật đầu ủng hộ khi sếp nói 12 giờ một ngày ở văn phòng là một phần của công việc. Cách bạn phản ứng chính là thông điệp bạn muốn truyền tải: bạn đồng ý hay không đồng ý với quan niệm của sếp.

Lam gi khi sep la nguoi nghien viec?

2. Đối thoại về nhu cầu của bạn

Một trong những vấn đề khó nhất khi đương đầu với sếp nghiện việc là sự thờ ơ trước chuyện cá nhân của nhân viên. Họ không quan tâm việc bạn phải hủy chuyến đi chơi đã hứa cùng con, trì hoãn việc khám bệnh hàng tuần,... để hoàn thành dự án.

Họ chỉ quan tâm đến công việc mà thôi. Do đó, bạn cần phải đối thoại về những nhu cầu cá nhân. Thường xuyên nhắc đi nhắc lại chủ đề này. Nếu sếp đề nghị bạn làm việc vào cuối tuần, đừng vội đồng ý và ôm cục tức trong lòng. Thay vào đó, hãy cho họ biết tại sao làm việc vào cuối tuần lại không hiệu quả.

Nếu bạn có việc quan trọng, hãy gửi thư điện tử thông báo cho quản lý biết nhiều lần trước khi sự việc chính thức diễn ra. Càng đứng lên bảo vệ mình, cơ hội chiến thắng của bạn càng lớn.

3. Phớt lờ những tiêu chuẩn "không thể đạt nổi" của sếp

Sếp nghiện việc giống như bậc cha mẹ không bao giờ biết hài lòng. Cho dù bạn có làm nhiều và làm tốt công việc đến đâu, bạn vẫn không đạt chuẩn. Cho dù bạn thành công đến mấy, bạn vẫn còn thua kém. Đó là túi tham vô đáy.

Chính vì thế, hãy thiết lập tiêu chuẩn thành công của riêng bạn, từ số lượng sang chất lượng. Ngừng lo lắng về việc bạn có thể thực hiện bao nhiêu đầu mục trong danh sách những việc phải làm của bạn. Hãy quan tâm đến kết quả của từng công việc.

Mỗi ngày, trước khi bắt tay vào làm việc, liệt kê 2 - 3 việc quan trọng nhất cần hoàn thành. Dành toàn tâm toàn ý để xử lý những việc này. Nhưng dĩ nhiên, bạn phải tìm cách giải quyết công việc trong giờ làm việc chứ không phải đến tận nửa đêm.

4. Trở thành chất xúc tác cho sự thay đổi

Điểm mấu chốt ở đây là bạn phải tìm được công thức thành công cho công việc mà không liên quan tới nguyên tắc của sếp. Thay vì làm theo lời người quản lý, hãy đề ra cách giải quyết thay thế.

Chẳng hạn, nếu sếp giao cho bạn một loạt công việc vào chiều thứ 6, đừng đồng ý làm ngay. Thay vào đó, sử dụng những câu hỏi như "Chúng ta có thể hoàn thành dự án này theo cách nào hiệu quả hơn, để tôi có thể hoàn thành công việc chỉ trong giờ làm việc thông thường?". Nếu sếp yêu cầu bạn hủy cuộc hẹn với đồng nghiệp sau một tuần làm việc căng thẳng, bạn có thể khẳng định đây là hoạt động quan trọng, giúp mọi người cảm thấy được bù đắp sau những hy sinh cho công ty.

Dĩ nhiên, người quản lý sẽ không dễ dàng chiều theo đề nghị của bạn. Dẫu vậy, khi đưa ra vấn đề, nghĩa là nó đã mở ra cho bạn hướng đi mới, điều quan trọng lúc này chỉ còn là mất bao nhiêu thời gian. Bạn có thể giảm bớt thời gian xử lý thư điện tử hay tham gia những cuộc họp không mang lại giá trị gì để dành cho công việc.

Với thái độ này, bạn cho người quản lý biết bạn thực sự muốn tạo ra những thay đổi tích cực chứ không phải trốn tránh công việc. Điều thứ 2, bạn khẳng định mình là một cá nhân độc lập, không phụ thuộc vào ai, kể cả sếp. Bạn không phải là cái máy và không muốn bị đối xử như một cái máy!

Phương Ly

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI