Lạ lùng chuyện nô tỳ trở thành Hoàng phi

29/08/2015 - 08:58

PNO - Chuyện lạ này nói đến một người vợ của vua Lê Uy Mục, dã sử và truyền tụng tại địa phương cho hậu thế biết nhiều điều lý thú về bà.

Hậu cung của Lê Uy Mục có nhiều mỹ nữ, nhưng có một nhân vật rất đặc biệt là bà hậu phi họ Lê (không rõ tên), có tư liệu nói bà tên là Lê Thị Thanh, quê ở xã Sa Lung, châu Minh Linh (nay là Vĩnh Linh, Quảng Trị).

Bà phi họ Lê này nhờ cơ duyên mà từ thân phận một nữ nô tỳ tấp kém trở thành bà hoàng cao quý. Sách Đại Việt thông sử viết: “Bà phi họ Lê, người xã Sa Lung, châu Minh Linh. Nhân vì gia đình mắc tội, bị sung làm nô tì của nhà nước. Khi vua Uy Mục còn ở tiềm để (nơi ở của hoàng tử), theo học quan vương phó, bà cũng đến đó học chữ, vua trông thấy, đem lòng yêu. Khi lên ngôi vua liền đón bà vào cung. Bà hầu như độc chiếm tình yêu của vua; được sách phong làm phi”.

La lung chuyen no ty tro thanh Hoang phi
Hình phục chế trang phục nữ tỳ trong cung thời Hậu Lê (Tranh minh họa)

Ngoài Đại Việt thông sử, các sách sử khác không cho biết nhiều thông tin về nữ nô tì xinh đẹp, thông minh trở thành vợ vua như thế nào mà chỉ chép rằng sau khi Lê Uy Mục bị giết, Vũ Tá hầu Phùng Mại đã cưỡng ép bà vào cung để hầu hạ vua Lê Tương Dực.

Theo truyền tụng tại quê hương và kết quả nghiên cứu, thu thập tài liệu của Trung tâm Bảo tồn Di tích-Danh thắng tỉnh Quảng Trị thì bà phi họ Lê người làng Sa Lung, châu Minh Linh (nay là làng Sa Trung, xã Vĩnh Long, Vĩnh Linh, Quảng Trị) nhưng quê gốc ở huyện Nam Trực (nay thuộc tỉnh Nam Định), đời cha của bà đã di cư đến sinh sống sau cuộc Nam chinh của Lê Thánh Tông. Bố mẹ qua đời để lại các con thơ dại, cậu ruột là Lê Quang Phú đã đem ba anh em bà về nuôi dưỡng, chăm sóc.

Ông Lê Quang Phú còn có tên Lê Đại Lang chính là một trong 5 vị tiền hiền có công khai lập ra làng Sa Lung vào cuối thế kỷ XV và tên làng cũng được lấy theo quê cũ của họ là làng Sa Lung, tổng Sa Lung (nay thuộc huyện Nam Trực, Nam Định).

Khác với ghi chép trong Đại Việt thông sử, truyền tụng tại địa phương cho biết bà phi họ Lê không phải vì gia đình mắc tội mà bị bắt làm nô tì mà là trước khi đi khai khẩn vùng đất mới ở Minh Linh (Quảng Trị ngày nay), người cậu đã gửi bà vào cung phủ để làm người hầu hạ.

Trong sách “Ô Châu cận lục” cũng có đoạn viết như sau: “Bà quê xã Sa Lung, châu Minh Linh, vốn là con gái vào hầu hạ trong cung. Lúc Mẫn Lệ Vương (tức Lê Uy Mục) còn ở tiềm để và đang theo học với vị vương phó, bà cũng đến học tập ở đây. Vương thấy bà lấy làm vừa ý, hai bên trở nên quyến luyến nhau. Một hôm, Vương dùng chân khèo chân bà, khi về bà đem chuyện ấy kể lại với sư mẫu, sư mẫu nói rằng:

- Vậy là Vương thử lòng con, sau này nếu con thấy Vương làm như thế thì dùng hai tay che chân của Vương lại để tỏ ý thân. 

Hôm sau, bà làm đúng như kế của sư mẫu đã bày, Vương rất vừa lòng, từ đó về sau không cố ý chọc ghẹo nữa. Riêng bà cũng giữ kín mối tình đẹp chẳng hề lộ ra. Đến khi Vương lên ngôi, bà được tuyển vào hậu cung. Vốn là người thông minh nên bà được yêu chuộng hơn cả, vì vậy bà được thăng lên làm hàng phi”.

Thế là nhờ có nhan sắc cùng sự thông minh nên từ một nô tỳ bà được Lê Uy Mục đưa vào hậu cung phong làm Vương phi. Nhờ mối quan hệ đó, hai người anh em trai của bà được triều đình ban tước hiệu, giao trọng trách tiếp tục khai phá đất hoang, chiêu mộ dân chúng, lập ấp dựng làng tại nhiều nơi ở Sen Thủy đến vùng Hạ Bạn (nay thuộc huyện Gio Linh, Quảng Trị).

La lung chuyen no ty tro thanh Hoang phi
Miếu thờ và lăng mộ bà Vương phi họ Lê (Nguồn: baoquangtri.vn)

Cuối năm Kỷ Tị (1509) Lê Uy Mục bị truất ngôi xuống làm Mẫn Lệ Vương, rồi bị giết nên đời sau gọi cho bà là Mẫn Lệ phi hoặc Lê phi. Sau khi bà mất, người dân nhớ ơn công đức của anh, em bà nên lập đền thờ nhưng trải bao biến động tất cả đều bị phá hủy, riêng ngôi miếu thờ bà thì vẫn còn.

Miếu ở khu vực Lòi Xó Rọ, làng Sa Long (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) được gọi là miếu Bà, miếu bà Chúa, Nghè bà Chúa,…Thú vị nhất là tên gọi miếu bà chúa Râm với ý coi bà như cây đại thụ toả bóng râm mát, che chở cho dân chúng. Hàng năm lễ tế bà tổ chức ngày 27/3 (âm lịch) với câu ca lưu truyền:

Đi đâu cũng nhớ tháng Ba,

Hai bảy giỗ bà, tảo mộ vui xuân.

Những câu ca đó như lời nhắc nhở của tiền nhân cho hậu thế phải biết ghi nhớ, trân trọng và yêu quý, gìn giữ từng tấc đất mà cha ông ta đã đổ mồ hôi, xương máu để khai phá vùng đất mới, mở rộng cương thổ cho đời đời cháu con.

Lê Thái Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI