Kiều ơi, nàng có biết?

03/05/2018 - 15:27

PNO - Kiều ơi "thanh lâu hai lượt thanh y hai lần" , như nàng liêu có muốn xây thêm lầu xanh, lập thêm phố đèn đỏ?

Nỗi đau đớn của nhân sinh còn đang khiến hậu thế rùng mình. Ai nhỏ nước mắt khóc Kiều nếu mai này người ta coi việc vào nhà chứa cũng là bình thường, vì đó là nơi "hành nghề" hợp pháp?

Vụ kiện giữa một đại gia và một cựu hoa hậu quanh “hợp đồng tình ái” đến nay vẫn chưa phai trong trí nhớ của nhiều người. Sự việc ồn ào quá, dịch vụ “giá cao” quá, và cô gái trong vòng lao lý trông thương quá, nên đến giờ, dù hết người mẫu này đến diễn viên kia bị phát hiện đã từng là “gái gọi”, giá ngàn đô, người ta cũng không mấy chú ý nữa.

Kieu oi, nang co biet?
 

Giờ dư luận xôn xao chuyện có nên hợp pháp hóa nghề mại dâm. Bao nhiêu ý kiến từ những người trách nhiệm, bao dẫn chứng này kia. Thống kê  của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng ấn tượng: nước ta có khoảng 100.000 người bán dâm, trong đó, người bán dâm là nữ hiện khoảng 75.000 người. Đối tượng và hình thức hoạt động mại dâm vẫn chủ yếu dưới dạng: gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm thông qua internet (Facebook, Zalo)...

Kiều ơi, nàng có biết, trong cả trăm ngàn người làm gái lầu xanh, ai là chị, ai là vợ, ai là mẹ, là em gái của bao người khác? Nỗi đau đâu có đợi đến con số trăm ngàn, mà có khi chỉ một người thôi - em gái của mình, hay vợ mình, phải sa vào con đường bán thân. Kiều ơi, người ta đang nói sao nước người làm thế mình lại không làm, đang nói đến việc tổ chức quản lý hoạt động mại dâm trong các khu vực riêng biệt như một số nước.

Ôi xác thịt đầy tội lỗi và nhân phẩm không tách rời xác thịt! Một lúc sa chân cùng quẫn của con người trong chính xã hội con người, lẽ ra nên làm thêm nhiều đường thoát, đường lánh, nên gắn thêm đèn chiếu sáng, bớt đi cạm bẫy rủi ro, thì người ta đang tính toán làm những điều ngược lại.

Ai đó đang lên giọng, xin dừng lại! Đừng nói tình dục là nhu cầu sinh lý bình thường. Đừng nói đến việc nếu được thỏa mãn tình dục, duy trì sinh hoạt tình dục điều độ thì sẽ tăng năng suất, đảm bảo sức khỏe, để cổ xúy mại dâm hợp pháp. Cái năng lực cơ bản nhất của một người đàn ông là tìm được người đàn bà cho riêng mình - người mà anh ta yêu thương, yêu thương anh ta và sẵn sàng trao cho anh ta món quà ân ái. Nếu anh ta không làm được, không tìm được, anh ta cần xem lại bản thân mình. Đừng nói người mua có tiền nên xã hội phải cung cấp dịch vụ. Nói vậy, chẳng phải cũng là hạ thấp cả người đàn ông sao? Trái cấm bán rẻ, khi nào tiện thì xẹt ra chợ tình mua lấy, lựa lấy, cần chi phải đầu tư, cân nhắc, cần chi phải cố gắng, cho dẫu chỉ để thử yêu lấy một lần.

Đừng nói rằng, hợp pháp hóa mại dâm là phương án an toàn cho xã hội, là có điều kiện tập trung chăm sóc sức khỏe cho những phụ nữ hành nghề. Nghề mại dâm là một bước sa cơ lỡ vận, là cái lỗ hổng đen tối mà con người ta sẩy chân rơi xuống, chứ không phải là nghề nuôi thân. Khi không thể tự quyết định được đời mình, không còn nghề nào để làm, không còn gì để bán, người đàn bà mới bán chính bản thân mình. Hãy thử hỏi những người đàn bà: ai trong số các chị, các em muốn làm nghề ấy?

Cũng đừng nói rằng, đó là một nghề cổ xưa. Chuyện cổ xưa là chuyện đàn ông đàn bà duy trì nòi giống, chứ không phải chuyện mua bán dục tình. Soi lại cái thời nô lệ tối tăm - khi phụ nữ là thứ tôi đòi phải phục vụ đàn ông, khi thân xác đàn bà được xem là một thứ sở hữu, thì đúng là chuyện mua dâm bán dâm có niên đại ngàn năm thật. Nhưng nói chuyện xưa, không phải là để đẩy phụ nữ trở về thuở tăm tối nô dịch ấy. Đâu rồi lời kêu gọi vì sự tiến bộ của phụ nữ? Xin đừng cho rằng, khi không có luật, không hợp pháp hóa nghề mại dâm thì phụ nữ làm nghề mại dâm không được… tôn trọng. Sự tôn trọng phải xét đến đầu tiên là sự tôn trọng con người. Đừng đẩy họ vào sau một thanh chắn, dán lên họ nhãn mại dâm và bảo cộng đồng tôn trọng họ, rằng họ đáng được tôn trọng.

Lạ thay, trên những diễn đàn nóng bỏng chuyện hợp pháp hóa mại dâm, không hề thấy ý kiến của những người lao động thực sự của nghề này - những người mà, lần giở lại từng trang lịch sử thế giới, có thời đã được gọi bằng cái tên “nữ công nhân tình dục”. Không hề thấy ý kiến của một cô gái hay chàng trai bán dâm, một tú bà hay gã ma cô… Có phải tất cả họ đều đồng lòng im lặng? Trong khi nhiều người ra sức bảo rằng, hợp pháp hóa nghề mại dâm là có lợi cho họ, đảm bảo quyền cho họ, thì họ ở đâu trong bức tranh chung? Có ai tìm hiểu về sự im lặng của họ? 

Bảo Phụ

Người mẫu Huỳnh Trang Nhi: Phải mở lối cho người ấy quay về

Tôi từng là người thứ ba, nên hiểu điều này: đàn ông thường có nhu cầu tình dục khá cao và lắm lúc không bằng lòng, thỏa mãn với chỉ vợ mình. Nếu không có cơ hội hoặc không dám ngoại tình, họ sẽ tìm gái mại dâm.

Phụ nữ khó mà chấp nhận việc chồng có quan hệ ngoài luồng. Nhưng nếu người đàn ông của tôi đi công tác xa nhiều ngày, tôi phải hiểu chuyện ấy khó tránh. Nếu thật sự yêu thương, anh ấy sẽ cố gắng hạn chế, chứ chẳng phụ nữ nào có thể quản lý, ngăn cấm điều này cả.

Nếu điều đó xảy ra với tôi, tôi biết mình sẽ rất tổn thương, nên tôi luôn tìm cách ngăn ngừa, kiểm soát, quản lý... Nhưng nếu đã xảy ra mà còn thương, cũng phải mở lối cho người ấy quay về, kể cả chuyện chấp nhận những lý do này khác. Tình yêu có thể làm nên nhiều điều, nhưng đó phải là tình yêu thương được xây đắp trong cả quá trình chung sống. Chuyện đi với gái mại dâm sẽ là giọt nước tràn ly nếu tình yêu đã hết.

Kieu oi, nang co biet?
 

Ca sĩ Vy Oanh: Tôi có thể bỏ qua tất cả, trừ ngoại tình 

Tôi không tin và không muốn tin rằng, nhiều đàn ông từng “qua tay” gái mại dâm. Đến giờ này, tôi tuyệt đối tin chồng, bởi vì chúng tôi luôn ở cạnh nhau. Anh ít khi xa tôi và nếu có thì chúng tôi cũng luôn facetime với nhau. Cứ coi như đó là kiểm tra cũng được, nhưng tôi nghĩ cứ làm gì để vợ chồng an tâm, tin tưởng nhau thì làm. Hơn nữa, chồng tôi là người rất sạch sẽ, ít khả năng anh ấy muốn dính vào những quan hệ có nguy cơ bệnh tật cao.

Từ ngày quen nhau, tôi đã nói trước với anh ấy rằng, tôi có thể bỏ qua tất cả, nếu có khó khăn về kinh tế, tôi cũng sẽ ở bên anh ấy. Nhưng ngoại tình thì tôi sẽ không bỏ qua. Tôi tôn trọng sự chung thủy và tôi muốn vợ chồng tôn trọng nhau. Bạn bè tôi cũng có những người rất thoáng, cho rằng có nhiều lý do khiến đàn ông sa vào cám dỗ. Họ cũng nói khi chuyện xảy ra, có thể ta sẽ nghĩ khác và vì con cái, vì gia đình mà chấp nhận. Tôi cũng biết không thể nói trước được điều gì, nhưng tôi nghĩ, tôi sẽ làm mọi cách để những điều tồi tệ như thế không xuất hiện.

Kieu oi, nang co biet?
 

Phạm Duy Viên (kinh doanh): Chấp nhận đàn ông “ăn bánh trả tiền” là suy nghĩ quái đản

Tôi không biết đàn ông thế hệ khác thế nào, nhưng bạn bè, người quen của chúng tôi - đa phần là người trẻ - không dính đến “tệ nạn” này. Không chỉ phụ nữ coi chuyện quan hệ bừa bãi là xấu, những người đàn ông coi trọng giá trị bản thân cũng không thể sống buông thả theo tiếng gọi của bản năng.

Kieu oi, nang co biet?
 

Tôi biết, một số ít người quen của tôi từng tìm đến gái mại dâm và dần dần bị ghiền đến mức bệnh hoạn. Họ mất cái nhìn đúng đắn về tình yêu và gia đình. Tôi cũng biết có nhiều phụ nữ nghĩ thà chồng đi “ăn bánh trả tiền” còn hơn là ngoại tình rồi… đi luôn. Theo tôi, đó là một suy nghĩ hết sức quái đản, thể hiện sự hạ thấp giá trị của quan hệ gia đình, hạ thấp giá trị của hôn nhân, của bình đẳng vợ - chồng.

 Song Văn (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI