Không được nuôi con vì thu nhập thấp hơn chồng

20/02/2017 - 06:30

PNO - Để khẳng định điều kiện vượt trội của mình trong việc nuôi con, anh Sang đưa ra mức thu nhập gần 45 triệu đồng/tháng, không cần chị Hường cấp dưỡng.

Nghe con gái thỏ thẻ kể chuyện các bạn trong lớp mầm non, nũng nịu ôm mẹ, nhìn con nằm trên tay mẹ ngủ mỗi đêm, chị Trần Thanh Hường (Q.Gò Vấp, TP.HCM) lại cay mắt nghĩ đến cảnh sắp phải chia lìa, giao cả hai con cho chồng cũ nuôi dưỡng khi ly hôn.

Khong duoc nuoi con vi thu nhap thap hon chong
Chị Thanh Hường bức xúc trước phán quyết giao cả hai con cho chồng cũ nuôi dưỡng của tòa

Cuộc hôn nhân từ năm 2004 của chị với anh Huỳnh Minh Sang ngày càng nhiều vướng mắc, khi thuận tình ly hôn, chị chấp nhận không tranh chấp về tài sản, chỉ muốn được trực tiếp nuôi dưỡng hai con: con trai sinh năm 2007, con gái sinh năm 2012. Chị đã lên kế hoạch cho cuộc sống mới, đưa hai con về nhà cha mẹ ruột tại huyện Nhà Bè sống. Những hôm chị bận làm, không về đón con kịp thì đã có ông bà ngoại giúp đỡ.

Với thu nhập 15 triệu đồng/tháng, chị có thể chu toàn cuộc sống của ba mẹ con mà không cần nhận cấp dưỡng của chồng cũ. Người chị ruột tặng căn nhà ở huyện Nhà Bè càng giúp chị tự tin hơn với cuộc sống mới của mấy mẹ con. Nhưng, giấc mơ ấy đã sụp đổ sau phán quyết của tòa, ngay cả khi chị Hường yêu cầu nếu không được xét cho nuôi cả hai con, thì chị chỉ xin được nuôi con gái nhỏ.

Để khẳng định điều kiện vượt trội của mình trong việc nuôi con, anh Sang đưa ra mức thu nhập gần 45 triệu đồng/tháng, không cần chị Hường cấp dưỡng. Anh lập luận, trước giờ cả gia đình vẫn ở trong căn nhà đang dùng làm trụ sở công ty, do anh đứng tên sở hữu, anh làm việc tại nhà nên có điều kiện chăm sóc, kèm cặp các con hơn chị. Phiên tòa sơ thẩm của TAND Q.Gò Vấp đã viện dẫn biên bản xác minh ngày 9/8/2016 từ Hội Phụ nữ P.14 (nơi anh chị tạm trú), người đưa đón con đi học là cha hoặc tài xế chứ không phải mẹ.

Tòa nhận định anh chị đều có trình độ và điều kiện để nuôi con, nhưng cân nhắc về vấn đề đảm bảo sự ổn định, không làm xáo trộn cuộc sống của con, tòa quyết định giao hai con chung cho cha trực tiếp nuôi dưỡng. Cấp phúc thẩm TAND TP.HCM đã giữ nguyên quyết định về phần nuôi con chung của cấp sơ thẩm. Theo tòa phúc thẩm, chị Hường không xuất trình được chứng cứ nào cho thấy anh Sang không đảm bảo được việc chăm sóc, nuôi dưỡng các con hay có hành vi cản trở không cho chị thăm nom, chăm sóc con chung sau ly hôn… Thực tế, chị làm sao có được chứng cứ vì cho đến tận phiên phúc thẩm, chị vẫn chưa dọn đi vì sợ con tổn thương. Vì thế, các con vẫn sống bình an trong vòng tay mẹ, đâu phát sinh những vấn đề như lý lẽ của tòa.

Bàng hoàng trước phán quyết trên, chị Hường nghẹn ngào nói với chúng tôi: “Họ không hề đếm xỉa đến quyền lợi chính đáng và nỗi đau của người mẹ như tôi. Nhận định của chủ tọa phiên tòa là hết sức cảm tính, bởi đã cho rằng việc đưa đón con tôi đã có tài xế, tắm rửa ăn uống thì có người giúp việc lo trong sự giám sát của cha tốt hơn là mẹ và ông bà ngoại lo. Dù lập luận vô lý nhưng họ đã tước mất quyền nuôi con của tôi. Giờ con bị giao cho những người không phải máu mủ ruột rà chăm sóc, bao nguy cơ rình rập, làm sao tôi an tâm? Ai sẽ bảo vệ các con tôi?”.

Tô Diệu Hiền

(*): Tên nhân vật đã được thay đổi.

Luật sư VÕ THỊ ANH LOAN (Ðoàn Luật sư TP.HCM):

GIAO CẢ HAI CON CHO CHA LÀ KHÔNG PHÙ HỢP

Trước giờ chúng ta vẫn nghĩ, sau khi ly hôn con cái không còn sống chung với cha mẹ là một tổn thương lớn, nên các con phải được sống cùng nhau. Thật ra, ý thức của cha mẹ sau ly hôn trong việc nuôi dưỡng con mới thật sự là yếu tố quyết định giúp trẻ trưởng thành không mặc cảm. Vì thế, trong các vụ án ly hôn, thông thường tòa sẽ chia đôi con cái. Chỉ có những trường hợp một trong hai bên không đủ điều kiện để nuôi dạy con mới giao cho bên có điều kiện tốt hơn nuôi dưỡng trẻ. Tuy nhiên, trong trường hợp này, việc tòa giao cả hai con cho một bên chăm sóc là không hợp lý.

Đầu tiên là do khác giới tính, hai anh em không thể chia sẻ và chơi đùa với nhau thường xuyên được. Ở tuổi của mình, bé trai đã có một thế giới khác, thích các bạn cùng lứa tuổi hơn và cũng không thể chơi chung trò chơi của con gái cùng em. Vấn đề chơi chung để gia tăng tình cảm như tòa lập luận là không thể có. Về vấn đề trách nhiệm, liệu người cha có thực sự gánh vác nổi việc chăm sóc hai con cùng lúc khi trước giờ trách nhiệm đó thuộc về người mẹ? Bé trai dù sao cũng đã lớn, có thể tự lập trong các sinh hoạt hàng ngày; nhưng với bé gái ở độ tuổi mầm non thì người cha rất khó chăm sóc.

Ở tuổi lên ba, lên năm, bé rất tò mò, thích khám phá thế giới xung quanh và chính bản thân, người cha có sự tinh tế, nhẹ nhàng để hướng dẫn cho con không? Nhất là về giới tính, rõ ràng người mẹ vẫn phù hợp khi hướng dẫn và cận kề con. Không có mẹ mới thật sự là tổn thương cho bé gái! Mặt khác, trẻ ở giai đoạn mầm non, dù là trai hay gái cũng đều rất cần bàn tay và tình yêu thương của người mẹ, vai trò của người cha chỉ là phụ.

Vì thế, giao hẳn con cho một bên liệu có phải là giải pháp tốt cho trẻ? Việc giao mỗi người chăm sóc một con và thường xuyên cho các con có điều kiện gặp gỡ thì chắc chắn tình cảm anh em vẫn bền vững; đồng thời cũng công bằng hơn cho người mẹ. Người mẹ liệu có chịu đựng được khi bị chia cắt hoàn toàn với các con? Quyền thăm nom con cái là đương nhiên nhưng làm sao bằng được việc trực tiếp nuôi dưỡng.

Việc tòa giao cả hai con cho người chồng là không phù hợp trong trường hợp này, bởi cả hai bên đều có điều kiện nuôi con. Không thể lập luận là thuê người giúp việc và giám sát họ chăm sóc con mình thì tốt hơn giao cho ông bà chăm sóc phụ. Nỗi bất an khi giao con cho người ngoài vẫn lớn hơn nhiều. Tình thương yêu trong việc chăm sóc trẻ cũng chỉ có thể có từ chính người thân chứ không phải từ những người được thuê mướn.

Trong vụ ly hôn này, có thể thấy tòa sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Theo khoản 3, điều 208 Luật Tố tụng dân sự: “Đối với vụ án hôn nhân và gia đình liên quan đến người chưa thành niên, trước khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự thì thẩm phán, thẩm tra viên được chánh án tòa án phân công phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp. Khi xét thấy cần thiết, thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh tranh chấp và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI