Không ai phải hi sinh cho ai

19/06/2015 - 06:59

PNO - PN - Tôi đã từng cúc cung hầu hạ chồng vô điều kiện dù anh chỉ là một kẻ tám năm sống chung vẫn “chưa tìm được việc phù hợp”. Ngày tôi quen anh, anh đâu có tệ như vậy, cũng là một giáo viên hẳn hoi. Cơn lốc bia bọt đã cuốn...

edf40wrjww2tblPage:Content

Khong ai phai hi sinh cho ai

Sống chung, một lần nữa cơn lốc bia bọt lại cuốn anh khỏi công việc khi môn tin học đã bão hòa, học viên ít, trung tâm nhiều, phải chiều chuộng học viên mới mong cân đối được thu-chi. Anh nhiều lần lên lớp trễ, men say ùn ứ trong người, dạy trước quên sau và mấy lần bất nhã với nữ học viên. Vậy là “được” nghỉ việc! Anh mất việc khi tôi vừa sinh con đầu lòng. Chân nhân viên văn phòng ở một doanh nghiệp tư nhân không đủ nuôi gia đình, tôi bỏ việc ra làm dịch vụ vi tính. Chỉ là làm thuê, lợi thế là có hàng nhiều là bà chủ cho mang về nhà làm thêm. Tối nào khách đông, nán lại hơn một giờ cũng được “phụ cấp” bằng nửa ngày làm.

Tôi đi làm, chồng ở nhà trông con vì anh bảo “chưa tìm được việc thích hợp”. Con đi nhà trẻ, chồng vẫn không chịu đi làm, nhưng hễ tôi nói tới cuộc sống tương lai, tới tiền bạc hiện tại thì anh bảo “Cuộc sống này là tạm bợ thôi. Cõi trần là cõi tạm mà. Ngày được ba bữa cơm là quý rồi, em ham giàu sang làm chi mà buộc anh phải đi làm?”. Tôi hỏi anh, vậy ba bữa cơm ở đâu ra? Anh nói “Vậy chứ em đi làm làm chi mà không nuôi nổi chồng con?”.

Tôi… đuối trước kiểu lập luận cùn như vậy của anh. Không chỉ đi làm ngày 12 tiếng, tối về tôi còn phải giặt giũ, rửa dọn chén bát, nhà cửa. Sáng thì tôi dậy thật sớm, nấu ăn để sẵn, vì chiều tối về mệt không nấu nổi. Trong ngày, anh chỉ có nhiệm vụ duy nhất là đưa rước con. Anh ở nhà chẳng làm gì cả, hết “ngồi đồng” quán cà phê đến “di dời” sang quán nhậu khi có người bạn nào đó “hú”.

Nhiều khi bất mãn tôi cũng muốn không làm việc nhà để khơi dậy “tinh thần trách nhiệm” nơi chồng. Nhưng, cứ thử không làm mà xem, ba ngày thôi, rác thải sinh hoạt, quần áo trẻ con, mẩu tàn thuốc… sẽ ngập tới chân!

Đỉnh điểm của sự việc là khi anh vướng vào một vụ nợ nần do ăn nhậu, đề đóm. Người chủ nợ sau khi biết anh không có khả năng trả, đã quay sang vừa dỗ ngọt, vừa đe nẹt, rằng số tiền hơn hai mươi triệu đồng (thời điểm năm 2008) đó ông ta không đòi nữa, đổi lại ông chỉ “muốn” vợ anh thôi! Đau đớn thay, chồng tôi lại đồng ý kiểu “Em muốn sao cũng được. Anh không chấp thì thôi, em ngại làm gì. Không trả cho ổng, ổng thưa kiện, anh ở tù thì con mình bị đen lý lịch mất. Em hy sinh để cứu chồng con em thì có gì mà mất mát?”.

Khong ai phai hi sinh cho ai

Tôi trân trối nhìn chồng. Thương mình đến xót xa.

Đó là giọt nước tràn ly cho cuộc hôn nhân của tôi vì sau đó, vợ chồng hục hặc mãi, lý do là cơm áo gạo tiền không lo xong mà nợ cứ đòi, trong khi chồng thì mãi điệp khúc “chưa tìm được việc thích hợp”.

Tôi đơn phương ly hôn. Quá trình ly hôn cũng là một đoạn đường gian khổ trăm khe nghìn núi mà tôi phải vượt qua.

Tôi không nói trên đời này tất cả các cuộc hôn nhân lần hai đều tốt hơn mái gia đình thứ nhất. Tôi chỉ muốn nói, sau những thương đau mất mát, người ta đã biết chiêm nghiệm lại mình để rút ra những gì được - mất cho mình và người bạn đời để có cuộc sống nhẹ nhõm hơn.

Tôi và người chồng hiện giờ chưa phải là dư dả, vì kết nối với nhau khi ai cũng mang theo gánh nặng của mình. Gia đình tôi bây giờ là gia đình kiểu “con anh, con em, con chúng ta”. Nhưng, chúng tôi hạnh phúc bởi ai cũng có trách nhiệm với cuộc sống, chứ không ai đòi hỏi ai phải hy sinh cho ai. Con anh và con tôi cùng trang lứa, học cùng trường cấp II và tất nhiên về nhà ở chung phòng. Mảnh vườn nhỏ với ít rau và hoa thì sáu ngày trong tuần hai đứa chia nhau tưới.

Ngày Chủ nhật ba mẹ và em bé làm vườn, hai anh được ưu tiên chơi game nửa buổi. Hai anh đi học buổi sáng thì trưa mẹ nấu ăn; chiều hai anh cùng nhau tay dao tay thớt. Bữa sáng qua quýt hay thịnh soạn thì ăn xong ba luôn là người rửa mặt, thay đồ cho em bé. Cùng thời gian đó, mẹ ủi áo cho ba và trang điểm.

Buổi tối - trừ những ngày phải học bài nhiều và có việc gấp - còn lại cả nhà phải đi bộ cùng nhau 30 phút. Đó là thời gian vàng của ba anh em để chúng tự do trêu đùa, chọc ghẹo và quan tâm đến nhau.

Với tài chính gia đình, hai chúng tôi đóng góp ngang nhau. Chấp nhận cho nhau lập “quỹ đen” để chồng tự do cà phê, bia bọt, bạn bè vào cuối tuần (chỉ được uống bia một lần/tuần) và vợ thỏa sức đi đắp mặt nạ bùn non, đi mát xa, đi sơn bộ móng năm màu vàng, xanh, đỏ, tím…

Cha mẹ hai bên đã khuất núi, các em cũng đã tự lập nên khoản thăm viếng không vào “danh bạ bảo vệ hạnh phúc gia đình” của chúng tôi, ngoài việc mỗi năm bốn lần góp giỗ hai bên nội, ngoại.

Hạnh phúc của gia đình tôi hiện giờ là cầu đủ và cầu bình đẳng chứ không cầu dư, mà cũng không đòi hỏi ai phải hy sinh cho ai.

Có lẽ vì thế nên tôi thấy cuộc sống khá nhẹ nhàng.

 THÙY PHƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI