Khi giấc mơ về một mái ấm như mãi trêu ngươi, hạnh phúc cứ như một mưu cầu "xa xỉ"...

11/07/2016 - 06:23

PNO - Thực tế với nhiều chị em đã mấy lượt đò là không ít gian truân mà giấc mơ về một mái ấm như mãi trêu ngươi, hạnh phúc cứ như một mưu cầu xa xỉ!

Khi giac mo ve mot mai am nhu mai treu nguoi, hanh phuc cu nhu mot muu cau

“Ở vậy nuôi con” là tâm nguyện của nhiều người vợ không may gặp cảnh chồng sớm qua đời hoặc ly hôn giữa chừng xuân. Tuy nhiên, có thể có một ngày, những người phụ nữ gãy gánh ấy gặp cơ hội sống lại những cảm xúc dào dạt, khát khao một nhân duyên mới. Có nên yêu lần nữa, cưới lần nữa? Thực tế với nhiều chị em đã mấy lượt đò là không ít gian truân mà giấc mơ về một mái ấm như mãi trêu ngươi, hạnh phúc cứ như một mưu cầu xa xỉ!

Mất lượt

Kế hoạch đưa bạn gái về quê ở Bình Thuận của Hoàng Khanh (29 tuổi, nhân viên kiểm hàng ở KCX Tân Thuận, Q.7, TP.HCM) được chuẩn bị kỹ lưỡng đến từng chiếc vé, chiếc áo khoác, bàn chải đánh răng, từng món quà “hối lộ tình cảm”… Chở nhau bằng xe máy ra bến xe khách, Khanh kéo tay người yêu choàng qua mình, sượng sùng nói: “Từ từ nghe em, tạm thời đừng để lộ chuyện đó cho mẹ anh biết. Anh nghĩ giờ chưa phải lúc. Thông cảm cho anh…”. Chạnh lòng, cay mắt vì hiểu “chuyện đó” là chuyện mình đã trải một đời chồng và đã có con, bạn gái của Khanh vẫn lặng lẽ không phản ứng gì. Và, trong chuyến đi gò bó ấy, cô thậm chí không dám nghe điện thoại khi con trai gọi đến. Khanh không cấm, chỉ là cô tự hiểu và “tự trọng”.

Nhưng vô ích. Chỉ một tuần sau ngày ấn định lễ hỏi, là mẹ Khanh nghe được sự thật từ một người bà con. Gọi con trai về quê gấp, bà tuyên bố từ hôn. Lý do không phải vì bạn gái Khanh là gái nạ dòng (bà đâu đến nỗi khắt khe thế!) mà là vì cô đã che giấu sự thật, đồng nghĩa với sự coi khinh người lớn, muốn đặt gia đình vào chuyện đã rồi.

“Con hồ ly tinh đó hay là mẹ? Con chọn đi!” - tối hậu thư của bà khiến Khanh bàng hoàng. Biết chuyện hôn nhân khó lòng tính được nhưng tình nồng không dứt nổi, hai người vẫn lén lút duy trì quan hệ. Kết quả là thời điểm lẽ ra chuẩn bị chào đón một thiên thần nhỏ thì Khanh phải âm thầm đưa bạn gái đi vứt bỏ giọt máu tội tình.

Luật Hôn nhân và gia đình cấm hành vi cản trở kết hôn đối với người đủ điều kiện kết hôn, nhưng “lệ” thì khác! Nhiều bậc cha mẹ không muốn con mình vướng vào những “con người phức tạp” có quá khứ dở dang. Sự cản trở nhân duyên của con đôi khi không rõ ràng, thẳng thừng mà được nén lại trong thái độ thất vọng: “Bộ hết người hay sao mà con chọn nó?”, “Con làm sao thì làm, cứ coi như ba mẹ đã chết rồi”, “Trong mấy đứa con, mẹ đặt kỳ vọng vào con nhất, mẹ hy vọng con tìm được người vợ xứng hợp hơn”, “Thôi, số tôi vô phước, đành chịu…”. Tiếp sau đó, gia đình chủ động tạo mọi áp lực để chia rẽ cặp đôi.

Trong mắt của nhiều bậc cha mẹ, cuộc hôn nhân từng trải qua của cô dâu tương lai như một phép trừ nhân cách. Những giả định thiếu căn cứ được đặt ra theo hướng tiêu cực, quy kết. Góa phụ thì chịu nghi án “có số sát phu, đừng dại đâm đầu vào”. Phụ nữ ly hôn thì hẳn là nết ăn ở có vấn đề nên không sống được với chồng. Tình yêu của hai người không được đánh giá là đích thực, mà là cảm giác xót thương nhất thời hay một trò khuyến dụ của người đàn bà cao tay. Nhiều rào cản đã khiến người phụ nữ bị “mất lượt” trong khát khao làm lại một mái gia đình.

Nếu đã yêu...

Không đợi đến gia đình bạn trai hay xã hội “cướp lượt” mà thậm chí nhiều phụ nữ dở dang đã tự ngáng chân mình. Lòng họ có khi như bến lở, thuyền tình qua lại cũng dập dìu; cũng hẹn hò, trông đợi, nhớ nhung nhưng không dễ đậu neo. Đó không còn là chuyện tình thơ mộng của những người trẻ với bàn tay trắng, với trang đời phẳng phiu, cùng nhau khám phá vị ngọt yêu đương. Người phụ nữ đã mấy lượt đò, nuôi con nhỏ, kết hôn với đàn ông đồng cảnh cũng khó mà với trai tân càng “chua”. Mấu chốt là người phụ nữ đó không tin mình còn có quyền yêu đương, không tin mình lại được yêu chân thành, nhất là với những phụ nữ đã ly hôn còn nặng mang tâm lý “chim sợ cành cong”.

Hơn mười năm đóng chặt cửa lòng đơn thân nuôi con, chị Kim Hồng (37 tuổi, ngụ H.Bình Chánh, TP.HCM) đã để vuột mất nhiều cơ hội tiến xa trong tình cảm. Chị như con nhím xù lông trước những tình huống mà chị cho là nhạy cảm. Lần anh bạn học ngày xưa từng có tình ý với chị ghé nhà chơi, trời mưa lớn, chị giục anh về nhưng anh cứ lần lữa mãi. Đến khi xách túi từ giã, anh chợt nhớ đã hết giờ có đò qua sông. “Giờ anh tính sao?”. “Thì anh ngủ lại chứ còn sao nữa”.

Khách vừa dứt lời, chủ nhà đã một hai xua đẩy, vừa không kềm được lời nặng tiếng nhẹ: "Thì ra anh cũng như bao người đàn ông thích đùa khác. Tôi thiếu thốn tình cảm thật nhưng không cần đàn ông đâu. Mẹ con tôi đang yên đang lành, anh lại tới quấy phá!”. Khách ngỡ ngàng giây lát rồi... tức giận đi một nước, không mảy may ngoái lại. Có lẽ cả anh cũng không hiểu cơn cớ vì sao. Bao buồn tủi dồn nén chợt bung vỡ, biến người phụ nữ đơn chiếc thành người không còn lịch sự, thậm chí hồ đồ. Sau này, chị Hồng chỉ còn biết hối tiếc vì tự ái, nóng nảy mà thiếu trân trọng một tấm chân tình.

Một chiều tan tầm, đang kẹt cứng giữa rừng xe cộ thì bất ngờ tôi nghe có tiếng gọi tên mình. Hóa ra là Kiều Ngọc - chị bạn trọ học chung 17 năm về trước. Chúng tôi kéo nhau vào quán bên đường. Chuyện đời trôi về từ ký ức, chị kể, chị kết hôn với anh bạn cùng lớp chỉ một năm sau ngày tốt nghiệp nhưng anh không may qua đời vì tai nạn giao thông.

Tôi lỡ lời: “Anh mất lâu rồi, chị xinh đẹp thế này, sao vẫn cứ một mình?”. Như bị chạm vào vết thương lòng, chị ứa nước mắt, rồi đột nhiên văng tục: “Tao cũng muốn lấy chồng chứ! Tao muốn lấy chồng… thấy mẹ luôn, nhưng bộ muốn là được à?”. Hơn mười năm độc thân, nhật ký tình yêu của chị dài ngoằng, đầy kịch tính nhưng vẫn chưa đến hồi kết.

Đầu tiên, chị vớ phải một ông “có vợ mà giấu”, đã vậy mỗi khi có chuyện bất hòa, ông ta lại lớn tiếng: “Cô chen vào phá hoại gia cang của tôi, cô còn muốn gì?”. Ông thứ hai thì ghen cả với người chồng quá cố của chị. Ông thứ ba là trai tân, đã bỏ chị cưới chạy bầu một cô gái khác mà ông ta quen cùng lúc với chị, khiến chị hụt hẫng mất một năm trời. Ông thứ tư là một chàng Tây, chị kết bạn qua mạng để giải sầu trong giai đoạn thất tình. Sau mấy tháng thư qua tin lại với lời lẽ cực lãng mạn, ông đã gieo vào lòng chị tình cảm ngây ngất đến độ chị nhiều lần gửi tiền vào tài khoản của ông để xúc tiến việc bảo lãnh, xuất cảnh. Đùng một cái, chị thấy hình ông trên báo trong một tin về đường dây lừa đảo xuyên quốc gia.

Chị cầm tay tôi, chân thành: “Vợ chồng sống với nhau thế nào cũng có chuyện này kia, phải cố mà giải tỏa, nhường nhịn, cố giữ lấy gia đình. Vuột đi rồi khó gầy dựng lại lắm. Chuyện tài sản, chuyện con chung con riêng rất khó thu xếp. Đi công tác cũng phập phồng lo con gái ở nhà bị cha dượng xâm hại… Khổ nhất là phụ nữ qua nhiều lượt đò thường có tâm lý phải đền bù cho bạn đời, phải hết lòng hy sinh… Tâm lý hạ mình đó chính là mầm mống của bất ổn. Đã yêu nhau, chọn nhau thì phải bình đẳng. Nếu gặp người đàn ông yêu theo kiểu ban ơn, bố thí thì đúng là bi kịch của “bến lở”. Còn gặp người đàn ông có tình yêu đủ lớn, có tấm lòng bao dung, mạnh mẽ, dám sống với tình yêu của mình, biết cân bằng các mối quan hệ thì còn gì bằng. Chị vẫn tin mình sẽ gặp một người như thế ở phía trước”.

Khi phóng viên một tờ báo hỏi: “Anh có thấy thiệt thòi khi cưới người mẫu Kim Cương vốn là gái một con?”, ca sĩ Ưng Hoàng Phúc đã chia sẻ thật lòng là anh chẳng thấy có gì thiệt thòi. Sao gọi là thiệt thòi khi mình được sống cạnh người “tâm đầu ý hợp”? Thậm chí, chàng ca sĩ điển trai của boyband 1088 ngày nào còn không thèm quan tâm đến người cũ của vợ là ai. Người vợ tự tin, người chồng thiện chí, mẹ chồng dang rộng vòng tay đón nhận, hứa hẹn chặng đường trăm năm của họ sẽ cho nhiều hoa thơm trái ngọt.

Khi bài báo này sắp lên trang, một nhân vật đã gọi cho người viết: “Xin lỗi, có thể đừng đăng bài, ảnh về lễ cưới của tôi không? Dù vợ chồng chị cưới nhau quang minh chính đại nhưng chồng chị còn ngại, chưa thực sự sẵn sàng”. Nhìn những bức ảnh rạng ngời của cô dâu chú rể tuổi 53 chuẩn bị đăng kèm bài báo, tôi thật sự tiếc nhưng đành phải tôn trọng yêu cầu của chị.

Họ đã tìm nhau suốt mấy mươi năm giữa mênh mông đất trời, qua bao tan vỡ, đắng cay. Trải nghiệm những đổ vỡ hôn nhân đã cho anh chị sự thấu cảm để kịp hiểu những gì chưa nói, nói những gì chưa hiểu. Anh không dựa vào quá khứ để nhìn nhận con người chị mà nhìn ở góc độ những nỗi đau đang đè nặng và anh cần san sẻ, bù đắp cho chị.

Chị đã chực rơi nước mắt trước cảnh ba người đàn ông hợp sức treo tấm bảng tên quán cà phê chuẩn bị khai trương của chị. Ba người ấy là chồng mới cưới và hai con trai của chị, mỗi đứa một cha. Giờ tất cả đã thành một gia đình. Về với nhau, anh chị không e dè, ngờ vực, thủ thân, chỉ sợ thời gian không còn đủ để yêu thương.

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI