Tự nhìn lại

26/02/2016 - 07:54

PNO - Vợ chồng không hạnh phúc, luôn bất hòa vì anh không cho em đi làm, nghĩ em đi làm chỉ nhằm kiếm tiền gửi về Việt Nam, chẳng giúp cho nhà chồng.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em 32 tuổi, có một con. Chồng em là người Thổ, theo Hồi giáo. Em cải sang đạo Hồi, theo về quê chồng từ năm 2009. Gia đình anh không thích em, thường kiếm chuyện này nọ, vì nghĩ em không thật lòng, chỉ theo đạo để được kết hôn với anh; chồng em lại bênh mẹ chứ không bảo vệ cho vợ. Vợ chồng không hạnh phúc, luôn bất hòa vì anh không cho em đi làm, nghĩ em đi làm chỉ nhằm kiếm tiền gửi về Việt Nam, chứ chẳng phụ giúp cho nhà chồng.

Đã vậy, anh còn chẳng quan tâm gì đến nhà vợ. Em sống dựa vào chồng nên bị anh xem thường, mọi chuyện anh đều tự ý quyết định. Anh cho rằng mỗi tháng đưa em một khoản tiền để chi tiêu là xong bổn phận, không cần biết em nghĩ gì, cần gì, buồn vui thế nào… Anh lại nóng tính, hiếu thắng, không bao giờ chịu nhận lỗi về mình, việc gì sai lại đổ thừa vợ, bắt bẻ vợ từng chút.

Tuy nhiều bất đồng nhưng thật lòng em vẫn thấy anh là người chồng chung thủy, chịu khó làm việc, không cờ bạc, rượu chè. Ba năm trước, vì bất hòa, em đã một lần bỏ về Việt Nam sống gần hai năm, anh phải sang thuyết phục em quay lại, hứa hẹn đủ điều. Thế nhưng, về lại với nhau, em tiếp tục bị ức chế tinh thần như cũ vì anh vẫn vậy, chẳng sửa đổi gì. Mới đây, vợ chồng lại mâu thuẫn gay gắt, em lại ôm con về Việt Nam. Em không biết mình có nên tiếp tục hay dứt khoát chia tay, mong chị giúp em một lối thoát.

Hồng (TP.HCM)

Tu nhin lai
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Em Hồng mến,

Qua thư, có thể nhận ra cuộc hôn nhân của em không hạnh phúc là do hai người đã không thực sự hiểu nhau, thiếu chia sẻ để tìm sự cảm thông, lại thiếu quan tâm, không tôn trọng nhau. Một thân một mình nơi xứ người, những cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống chung đã đẩy em đến tâm trạng cô đơn, tủi thân và ngày càng ức chế hơn vì không tìm được lối thoát. Mâu thuẫn phát sinh không giải quyết được cứ chồng chất, khiến người trong cuộc dễ có những phản ứng thiếu kiềm chế với nhau. Tuy nhiên, để bị rơi vào cảnh bế tắc này, xét cho cùng, em không phải là không có lỗi.

Lẽ ra, trước khi kết hôn với một người khác chủng tộc, lại phải đến một môi trường sống khác, em phải biết phác thảo trước và thống nhất với chồng một số vấn đề cơ bản của cuộc sống chung. Cụ thể như em cần xác định với anh ấy trách nhiệm của em với cha mẹ già ở Việt Nam, chồng em phải hiểu và tôn trọng nghĩa vụ đó; xác định việc dù chồng đủ sức bảo bọc nhưng em vẫn cần phải làm việc để có thu nhập, có sự độc lập tối thiểu, không lệ thuộc vào chồng; định hướng việc tạo lập cuộc sống riêng cho gia đình nhỏ của mình, không tựa mãi vào đại gia đình nhà chồng…

Nếu làm được như vậy và những ngày qua em biết sống tích cực hơn để hòa nhập môi trường mới, chắc chắn em sẽ chẳng cô đơn đến mức không có lấy một người bạn như bây giờ. Khi em tự chủ được bản thân, cái nhìn và cách ứng xử của chồng với em chắc chắn cũng sẽ khác: quan tâm hơn, tôn trọng hơn, nhiều chia sẻ hơn… Khi đó, em đâu đến nỗi phải cô đơn, ức chế, bế tắc; con đường tìm kiếm hạnh phúc có thể sẽ quang đãng hơn rất nhiều.

Hiện nay, trong mắt em, chồng em vẫn là một người chồng tốt - đây là cái nền cơ bản để hai em có thể dựa vào mà “sửa chữa” lại cuộc hôn nhân đang chông chênh của mình. Nếu thật lòng không muốn chia tay, em nên có những cuộc nói chuyện thẳng thắn với chồng. Không chỉ giãi bày cho anh ấy hiểu mình cần gì, muốn gì, yêu cầu chồng chấp nhận, tạo điều kiện cho mình tự chủ... em còn phải xác định được với bản thân quyết tâm hội nhập vào cuộc sống ở quê chồng.

Đã nhiều năm ở nhà chồng mà em vẫn không sử dụng được ngôn ngữ địa phương, không lái được xe, không có việc làm, không bạn bè, chỉ quanh quẩn trong nhà thì làm sao không mất tự tin, không mặc cảm; làm sao tìm được niềm vui sống? Nếu cứ như thế thì dù có quay lại với chồng lần nữa, em cũng vẫn sẽ tiếp tục cô đơn và bế tắc. Như vậy, thà ly hôn, ở lại Việt Nam một mình nuôi con, cuộc sống của em còn dễ chịu hơn. Hãy tự nhìn lại xem em muốn sống cách nào, có đủ cố gắng để vượt qua những rào cản nơi quê chồng không, rồi hãy xác định con đường mình sẽ đi.

Hạnh Dung

(hanhdung@baophunu.org.vn)

Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ 8g đến 17g các ngày thứ Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI