Cần hỏi một người

06/04/2016 - 10:47

PNO - Tôi đã cố gắng chăm sóc cho cháu mọi thứ, kể cả việc lo liệu đám cưới này, nhưng bây giờ, tôi như người bị đẩy ra ngoài cuộc.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Chồng tôi hơn tôi 18 tuổi, từng một lần ly hôn. Cuộc sống chung không có gì phiền trách, chỉ gần đây mới có chuyện lấn cấn. Con gái riêng của chồng tôi sắp lấy chồng trong tình trạng đã có thai trước. Cháu vẫn sống với vợ chồng tôi, nên nay tất nhiên là anh đứng ra gả chồng cho con, nhưng có người nhắc phải hỏi qua ý của mẹ cháu. Vợ cũ của anh sống ở nước ngoài, lâu nay không ngó ngàng gì đến cuộc sống của hai cha con, nay bỗng nhiên bắn tin sẽ về tổ chức đám cưới cho con gái. Vậy là trong đám cưới, nhà gái sẽ là chồng tôi và vợ cũ của anh ấy.

Suốt tháng nay, gia đình tôi căng thẳng trước tin chị ấy sắp về. Tôi rất buồn. Tôi đã cố gắng chăm sóc cho cháu mọi thứ, kể cả việc lo liệu đám cưới này, nhưng bây giờ, tôi như người bị đẩy ra ngoài cuộc. Đã vậy, mẹ cháu còn đổ lỗi cho vợ chồng tôi đã thiếu quan tâm, để con gái dính bầu trước khi cưới. Tôi nghĩ, không biết mình có nên ở lại gia đình trong thời gian này không, hay bỏ đi đâu đó cho khuất mắt, đỡ buồn bực?

Thanh Thư (TP.HCM)

Can hoi mot nguoi
Ảnh minh họa

Chị Thanh Thư thân mến,

Việc con gái mình trót lỡ có thai trước, không phải do lỗi của ai cả. Miệng thiên hạ có trách “con dại cái mang” cũng là thường tình, chị đừng quá để tâm, đừng lo nghĩ trước những lời ra tiếng vào tất nhiên phải có của họ hàng. Việc mẹ cháu về dự đám cưới, chị cũng nên coi là bình thường. Là người đã sinh ra cháu, chị ấy có quyền được chứng kiến phút giây hạnh phúc và chúc mừng cho sự trưởng thành của con gái mình.

Việc lâu nay người mẹ ấy không ngó ngàng gì đến con, chị hãy gác sang một bên. Chị hãy nghĩ, giả sử nếu chị ấy cứ chăm chăm ngó đến, có khi cuộc sống của chị đã thêm khó khăn. Mình không cần phải tranh giành gì ở đây. Tất nhiên, người vợ nào cũng có chút chạnh lòng khi nhìn chồng mình bên cạnh người đàn bà khác trong một dịp quan trọng như thế, nhưng đám cưới chỉ là một ngày thôi, còn trước và sau đó, gia đình chị vẫn là của chị, cháu còn sống với chị, còn cầ n chị giúp đỡ, quan tâm cả đời.

Chị nhường nhịn nhưng không có nghĩa là phó mặc, không nên bỏ gia đình mà đi đâu cả. Chị cứ ở lại, lo cho cháu những thứ cháu cần. Trong đám cưới, tùy chị trao đổi với chồng nên giới thiệu gia đình theo cách nào đó mà chị thấy thoải mái, không gây cảm giác tranh giành gì, chỉ cần lặng lẽ “khẳng định chủ quyền” bằng chính sự có mặt của mình.

Trước khi vợ cũ của chồng chị về và đám cưới diễn ra, còn một người chị phải hỏi ý kiến, phải nói chuyện cặn kẽ, chân tình là cô con gái sắp về nhà chồng. Chị có thể nói rõ những suy nghĩ và tình cảm của mình, cùng cháu xác định những việc quan trọng nên làm, việc nào cần có mặt chị, việc nào cần đến mẹ ruột của cháu.

Nên tránh làm cho sự có mặt của mẹ ruột cháu trở thành một áp lực đẩy cả gia đình vào thế bị động, căng thẳng và mâu thuẫn nhau. Nếu mình đã là một gia đình gắn bó lâu nay, cần chuẩn bị trước kế hoạch và tinh thần đón tiếp chị ấy như một người khách, chủ động, thoải mái. Chị và cháu sẽ là những nhân vật chính trong cuộc đón tiếp này. Hãy thả lỏng suy nghĩ cho thoải mái, chuyện rồi sẽ qua trong êm đẹp

Hạnh Dung

(hanhdung@baophunu.org.vn)

Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ 8g đến 17g các ngày thứ Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI