Hôn nhân có thật sự cần đến một quy định chung?

16/09/2017 - 06:00

PNO - Theo bạn, trong đời sống vợ chồng có cần thiết phải đặt ra những quy định buộc cả hai người phải tuân thủ để bảo vệ hạnh phúc, xây dựng gia đình? Chúng ta thử nghe ý kiến của những người vợ...

Jennifer Võ Mai Anh - đồng sáng lập & Giám đốc sản xuất tạp chí Nữ Doanh Nhân: Chỉ nên là sự ngầm hiểu

Hon nhan co that su can den mot quy dinh chung?
 

Theo tôi, đã là chuyện liên quan đến tình cảm thì chúng ta nên để tự nhiên nhất có thể. Nếu đưa ra những yêu cầu và biến nó thành quy định bắt buộc phải thực hiện thì lâu dần chỉ thành thói quen chứ không còn là cảm xúc. Trong tình cảm vợ chồng, nếu không còn cảm xúc mà chỉ là ràng buộc trách nhiệm thì hết sức vô vị. Chưa kể, đặt ra những quy định sẽ dẫn đến sự kỳ vọng người kia thực hiện, tạo áp lực và sự gò bó lên cả hai, khiến cuộc sống chung dần trở nên ngột ngạt, phát sinh tâm lý muốn giải thoát. 

Quy định giữa hai vợ chồng, nếu có, chỉ nên là sự ngầm hiểu, dựa trên sự thấu hiểu và thông cảm cho nhau; người này hiểu người kia có thể làm được gì, không làm được gì, bản thân có thể chấp nhận đến đâu, có thể bao dung đến mức nào, từ đó có những gợi ý khéo léo về những mong đợi của mình để đối phương tự nguyện thực hiện. Được như vậy, tôi tin vợ chồng sẽ hạnh phúc lâu dài. Nếu biết trân trọng hôn nhân của mình, hai người sẽ tự khớp với nhau những “giao ước” giúp hôn nhân bền vững. Tuy nhiên, các “giao ước ngầm” này cũng chỉ nên mang tính tương đối, đừng lý tưởng hóa chúng.

Gia đình tôi không hề có quy định nào trong cuộc sống chung. Mỗi người được tự do sống theo đặc thù công việc, thói quen và sở thích của mình, trong tư cách là “người đã có gia đình”. Chỉ cần bạn hiểu mình đã có gia đình và biết trân trọng gia đình, bạn sẽ tự biết và tự nguyện cùng nhau thống nhất những nguyên tắc sống sao cho hòa hợp mà không cần phải biến nó thành quy định gì cả.

Hãy luôn tự hỏi bản thân rằng mình có cần cuộc hôn nhân này không? Mình có muốn sống với người này không? Người đó có còn muốn sống với bạn không? Nếu cả 3 câu trả lời là "có", bạn hãy chọn sống luôn vị tha và bao dung với tất cả vấn đề. Việc này rất khó, nhưng nếu chúng ta cần nhau và cảm thông cho nhau, chúng ta sẽ biết cách vượt qua sóng gió để giữ gia đình bình yên.

Đặng Thị Huyền Nga - giảng viên Trường cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Lâm Đồng: Có hay không có quy định, chúng tôi vẫn tôn trọng nhau

Hon nhan co that su can den mot quy dinh chung?
 

Tuy nhiên, nếu xem việc đó là nội quy thì có vẻ nặng nề quá. Đã là vợ chồng, người ta sẽ tự hiểu mình cần làm gì là đúng nhất cho hôn nhân và cho cuộc sống của mình. Chẳng hạn, việc xưng hô mày tao hay ông tui gì đó, thì có bao giờ được xem như nội quy đâu, nhưng cả hai đều tự giác tuân thủ. Thật tình, nghĩ đến chuyện mình mắc phải lỗi lầm gì đó là đã thấy sợ rồi, cần gì đến nội quy hay vùng cấm.

Vợ chồng tôi cùng quan điểm sống là bỏ qua những điều nhỏ nhặt, không chấp những chuyện có thể ảnh hưởng xấu đến sự yên vui của gia đình. Đơn giản vậy thôi!Vấn đề này thật ra khó có thể nói cho cụ thể, đủ đầy. Nói không có thì chắc chắn không đúng, vì gần như gia đình nào cũng có những quy định riêng. Ví dụ nhà tôi, ai đi đâu cũng phải thông báo cho người kia biết, thì có phải là nội quy? Chúng tôi ngầm hiểu, làm như vậy vì tôn trọng người đang sống chung với mình, sợ người đó lo lắng khi không biết mình đi đâu, nhất là nếu đi một thời gian dài.

Nguyễn Thị Thanh - nhân viên văn phòng: Tôn trọng sở thích của nhau

Hon nhan co that su can den mot quy dinh chung?
 


Chúng tôi may mắn cùng quê, hai nhà chỉ cách nhau 7km nên không khác biệt văn hóa vùng miền, cũng không phải lo về khẩu vị ẩm thực; lối sống cũng sẵn một số nét tương đồng, sống tình cảm, tin tưởng nhau và vì nhau. Vợ chồng lại chỉ cách nhau một tuổi nên cũng không có nhiều khác biệt về tâm sinh lý, dễ hòa hợp, thấu hiểu. Tuy nhiên, anh trầm tính, lại là dân kỹ thuật và làm kinh tế nên không lãng mạn, bay bổng. Trong khi đó, tôi là dân văn chương, viết lách, nên cũng lãng mạn, bay bổng… 

Trong đời sống vợ chồng, ngoài giấy đăng ký kết hôn thì luôn cần những nội quy bất thành văn, xem như thỏa thuận giữa hai người để đảm bảo cuộc sống gia đình bền chặt. Hai con người dù có yêu thương nhau đến mấy thì cũng là hai tính cách khác nhau, xuất thân khác nhau, sẽ có nhiều khác biệt; nên khi sống chung một mái nhà, nếu không có quy định chung thì sẽ không ổn. Giả sử ai muốn sống sao thì sống, muốn làm gì thì làm như thời còn độc thân thì rất dễ dẫn đến đổ vỡ.

Chúng tôi tôn trọng sở thích và công việc của nhau. Tôi ghét mùi thuốc lá và may mắn là anh chỉ hút thuốc thời sinh viên, sau tự bỏ. Tôi không thích chồng thường xuyên nhậu nhẹt, bỏ cơm nhà thì may mắn là anh rất biết lượng sức trong chuyện đó, từ khi cưới nhau đến giờ chỉ thật sự say vài lần, những lần khác anh đều uống có chừng mực.

Anh thích cơm nhà, không thích ăn hàng quán, thì tôi nấu ăn khá ngon và cũng ngại ăn hàng quán, nên gia đình ít khi đi ăn ngoài. Nếu có đi chơi gần, đi picnic thì tôi cũng làm vài món ăn nhẹ mang theo. Vợ chồng tôi thống nhất nguyên tắc,  dù có bận đến thế nào cũng phải sắp xếp về ăn tối cùng nhau, để vợ chồng con cái có thời gian cùng trò chuyện. Thỉnh thoảng nguyên tắc này cũng bị vi phạm vì nhiều lúc công việc đột xuất. 

Khi đã có con, chúng tôi thống nhất một số nguyên tắc chung là phải dành nhiều thời gian cho con. Cụ thể như tối trước khi đi ngủ sẽ chia thời khóa biểu đọc sách cho con. Nếu ba bận thì mẹ đọc, mẹ bận thì ba đọc. Cuối tuần là đưa con đi nhà sách, đi chơi, đi bơi... Khi đang dành thời gian cho con thì phải cất hết các thiết bị điện tử và hạn chế dùng điện thoại.

Chúng tôi cũng thống nhất cách nuôi dạy con, tôn trọng năng khiếu và sở thích của con, tìm trường học cho con dựa trên khả năng tài chính và điều kiện của gia đình chứ không gượng ép. Ngoài ra, phải luôn tạo điều kiện về không gian và thời gian để con kết nối với hai bên nội ngoại, họ hàng xa gần. Trong bếp thì tôi đi chợ, nấu ăn; chồng tôi rửa chén. Hôm nào tôi choàng luôn việc đó là anh mừng lắm. Nói vui vậy thôi, chứ ai cũng bận nên phải chia sẻ việc nhà cho nhau để đỡ vất vả. 

Vợ chồng muốn cùng nhau đi đường dài cần sự nỗ lực từ hai phía. Giàu nghèo còn tùy hoàn cảnh, nhưng cả hai đều phải có việc làm, có thu nhập để đóng góp vào tài chính của gia đình. Mặt khác, mọi gia đình đều cần có hơi ấm và niềm vui, nếu không thì dù nhà to đẹp đến thế nào cũng vô hồn, vô nghĩa.

Trong cuộc sống chung, nếu một trong hai người buông xuôi, hay chỉ biết dựa dẫm; không tôn trọng người bạn đời, không có trách nhiệm và quan tâm cho gia đình, không còn tin tưởng nhau hoặc có người thứ ba chen vào mà không khéo ứng xử, ghen tuông mù quáng thì gia đình sớm muộn gì cũng tan vỡ. Một nguyên tắc cuối là phải tôn trọng gia đình hai bên. Kết hôn với một người là ta có thêm một gia đình lớn với nhiều mối quan hệ mới. Nếu ta ích kỷ chỉ nghĩ đến gia đình nhỏ của mình mà bỏ quên gia đình lớn thì nhiều lúc sự rạn nứt sẽ bắt đầu từ đó. 

Lan Khôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI