Hoạn nạn có nhau

20/08/2014 - 15:14

PNO - PN - Ngoài trời mưa lắc rắc, cầm ngọn đèn pin, tôi lần mò trên con đường đất dẫn vào nhà chị, bùn quến từng mảng vào chân, lạnh ngắt. Thấy tôi, chị phì cười, “mới 3g sáng mà đã có khách đến thăm rồi”. Chị dẫn tôi đến...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ngọn lửa bập bùng soi vào gương mặt hốc hác của người phụ nữ. 39 tuổi nhưng mái tóc của chị Nguyễn Thị Cẩm Lan (ấp Hòa Đức, xã Hòa Tú, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) đã bạc gần quá nửa. Từ ngày chồng chị đổ bệnh, mọi gánh nặng gia đình đều trút lên đôi vai gầy của chị.

Hoan nan co nhau

Từng cọng lá dừa cũng được chị chắt chiu để có thêm thu nhập cho gia đình

“Mắc nợ…”

Chị kết hôn đã được 15 năm. Khi đến với anh, chị không còn là “con gái” nên khi có rượu vào anh lại đem chuyện này ra đay nghiến vợ. Mỗi lần như vậy chị đều nhịn nhục, vì “mình là người sai” nên chồng có nói gì, làm gì chị cũng ráng chịu. “Chắc chị mắc nợ ảnh em à. Với lại khi có rượu ảnh mới như vậy, chứ lúc tỉnh ảnh hiền lắm, làm quần quật suốt ngày”, chị cười ngượng nghịu.

Từ khi hai đứa con trai lần lượt ra đời, tính tình anh thay đổi nhiều, bớt rượu chè và chị cũng không còn bị ăn đòn như trước. Có người bảo hai đứa con “ẩn” tuổi anh, nên chúng “trị” được cha. Nhưng chị biết, anh dần suy nghĩ chín chắn hơn, cảm thông hơn cho vợ nên thôi không nhắc đến chuyện ngày xưa nữa.

Hàng ngày chồng ra ruộng, chị ở nhà lo chuyện cơm nước, giặt giũ, chăm sóc hai con, kiếm mớ củi khô, lá dừa bán kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống của chị cứ ngỡ đã yên bình, nhưng hạnh phúc không được bao lâu, tai họa đã ập đến. Dạo gần đây anh hay bị đau nửa đầu. Cứ ngỡ mình bị cảm thông thường nên anh chỉ bảo chị mua vài viên thuốc trị cảm uống cho qua. Nhưng chứng đau đầu ngày càng dữ dội, có lần anh đau đến ngất lịm. Chị đưa anh vào viện, kết quả chẩn đoán ở bệnh viện địa phương là ung thư não. Chị ngã quỵ, nhưng vẫn mong đây chỉ là nhầm lẫn.

Chị đưa anh lên Bệnh viện Chợ Rẫy, kết quả chẩn đoán vẫn vậy. Nghe bác sĩ thông báo bệnh tình của chồng, chị thấy cổ họng mình nghẹn đắng. Cầm phiếu xét nghiệm, chị nuốt nước mắt dặn lòng phải thật mạnh mẽ, vì lúc này chị chính là chỗ dựa cho anh.

Hoan nan co nhau

3g sáng, bếp nhà chị đã đỏ lửa

Cùng nhau vượt dốc

Lúc ra riêng, vợ chồng chị được cha mẹ cho hai công ruộng, nhưng không có sổ đỏ nên chẳng thể thế chấp vay vốn ngân hàng. Quẫn bách, chị quyết định cầm cố ruộng, vay mượn khắp nơi, từ anh em, họ hàng đến bạn bè thân thiết. Cuối cùng cũng đủ số tiền 30 triệu để xạ trị cho chồng. Lúc đầu anh một mực ngăn cản, bảo “bệnh của anh, dù có xạ trị cũng chưa chắc khỏi, nếu anh có mệnh hệ nào, ba mẹ con vẫn còn miếng đất để nuôi trồng kiếm sống. Mang đi cầm cố khi nào mới có tiền mà chuộc lại, lỡ như anh không qua khỏi thì ba mẹ con biết làm sao”. Nhưng chị bảo “người còn thì của còn, em tin là anh sẽ khỏi, lúc đó mình làm lụng chuộc lại”.

Chị không cho phép anh bỏ cuộc và cũng không bao giờ cho phép bản thân mình buông xuôi. Ngày anh bắt đầu xạ trị cũng là lúc chị ngã gục trước phòng chờ vì tụt canxi. Suốt cả tháng trời anh nằm viện, vì không có tiền nên chị chỉ mua phần ăn cho anh, còn chị thì nhờ vào bếp ăn từ thiện của bệnh viện. Dù thế nhưng không một lần nào chị tỏ ra yếu đuối trước mặt anh. Lúc nào chị cũng tươi cười động viên chồng lạc quan, cố gắng.

Cuối cùng bác sĩ cũng thông báo bệnh của anh đã thuyên giảm, khối u đã được kiểm soát. Lòng chị như trút đi một tảng đá lớn. Chị bảo “nghèo không sợ, chỉ sợ bệnh”.

Từ bệnh viện trở về, tài sản lớn nhất còn lại của anh chị là đôi bàn tay. Anh chưa thể lao động bình thường. Kinh tế gia đình đều do chị lèo lái. Không còn đất để canh tác, chị quyết định làm bánh bán để chạy ăn cho gia đình.

Từ nhỏ chị đã rất khéo tay, lại biết làm nhiều loại bánh nên bánh chị làm ra được mọi người ưa thích. Hàng ngày, 3g sáng chị đã dậy để chuẩn bị xay bột, làm nhân, chiên bánh. Ngày bảy, tám chục cái, khi là bánh cam, bánh chuối, lúc lại bánh dừa, bánh khoai, chị cũng kiếm được vài chục ngàn tiền lời. Vất vả là vậy nhưng số tiền kiếm được chỉ đủ mua gạo, đường, mắm, muối. Cũng may là anh được cấp bảo hiểm y tế dành cho người nghèo nên thuốc thang hàng tháng của anh đều được phát miễn phí.

Thương vợ vất vả, anh cố gắng tìm việc làm. Được bạn bè cho mượn ít vốn, anh mua vịt về nuôi. Trong cái ao nhỏ cạnh nhà, anh thả xuống vài trăm con cá tra giống. Được anh chăm sóc tốt, bầy vịt và đàn cá lớn nhanh, đang đợi ngày thu hoạch. Sức khỏe chưa hồi phục nên anh chỉ làm được những việc lặt vặt trong nhà. Khi chị đi bán, anh ở nhà nấu cơm, quét dọn, rồi xắt chuối cho vịt ăn, thăm nom ao cá. Anh hiếm khi chịu nghỉ tay, trừ lúc nào thấy quá mệt.

Cho thêm củi vào lò, chị quay sang tôi, giọng trầm xuống: “Vợ chồng lúc hoạn nạn mới biết thương nhau như thế nào”. Chỉ cần tưởng tượng đến việc ngôi nhà này không có anh, chị đã không kìm được nước mắt. Sống với nhau, có đôi khi cãi vã, cũng có những lời nói, hành động làm tổn thương nhau, nhưng chị biết anh rất thương vợ. Dù cực nhọc cỡ nào anh cũng không hề than vãn. Đến lúc nằm trên giường bệnh, anh chỉ lo sợ một điều, lỡ anh không qua khỏi thì mẹ con chị sẽ khổ.

Mỗi sáng chị dậy làm bánh, anh cũng thức cùng để phụ việc. Chị bảo chồng ngủ thêm chút nữa nhưng anh muốn thức làm cùng với vợ. Nhìn mấy cái bánh méo mó anh nắn mà chị thấy xót lòng. Không có vốn liếng, không đất sản xuất, lại thêm món nợ vài chục triệu nhưng chị lúc nào cũng lạc quan: “Đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn. Chỉ cần anh khỏe lại, chị tin là hai vợ chồng sẽ vượt qua được mọi khó khăn”.

Mẻ bánh cuối cùng đã hoàn thành, nhìn những cái bánh vàng ươm và nụ cười trên môi chị, tôi thấy ấm lòng.

Sáng sớm, chị xách rổ bánh chuẩn bị lên đường, anh loay hoay dọn dẹp bếp núc rồi bắc lên bếp nồi cơm cho bữa sáng. Hai cậu con trai cũng đã dậy, giúp cha lùa bầy vịt ra khỏi chuồng. Đằng đông, ánh mặt trời đang từ từ ló dạng, chiếu những ánh nắng ấm áp trên con đường quê lầy lội sau một trận mưa đêm. Tiếng cười nói của hai đứa trẻ như làm bừng sáng mọi ngóc ngách của ngôi nhà nhỏ bé này. Xa xa là tiếng rao từng hồi của chị: “Ai bánh cam, bánh chuối không?…”.

 T. Trúc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI