Họ đã đi qua cuộc chiến, cùng nhau...

30/04/2016 - 13:37

PNO - Ông đã đi biết bao năm tháng dài, để bà ở nhà một mình với cuộc chiến đấu đơn độc. Giờ đây, ông không muốn rời xa bà dù chỉ một ngày.

Rời TP.HCM, vượt một quãng đường xa, tới Long An, băng qua TP.Tân An có những căn nhà lầu khang trang đẹp đẽ, xe chúng tôi đi vào khu vực làng quê, qua cổng ấp Bình Nam, xe dừng trước một cổng căn nhà giản dị có nhiều hoa, cỏ, có tiếng chim cu gù gù trong nắng. Từ nơi này, 55 năm trước, người lính ấy đã ra đi, vào chiến khu để rồi phải 15 năm sau mới trở về đúng nơi này, với người vợ tảo tần, sống tiếp cuộc đời bình dị.

Chết thì thôi, còn sống còn là vợ chồng

Tháng 6/1958, chàng trai Nguyễn Văn Trượng mới chỉ tròn 17 tuổi khi được người thân mai mối, cha mẹ dẫn đi hỏi cưới cô Đinh Thị Bời đang độ tuổi trăng rằm về làm vợ. Đám cưới nhà quê thuở ấy đơn sơ, mộc mạc. Chàng ở xã bên này, nàng ở xã bên kia. Đám rước dâu, chú rể khăn đóng áo dài, cô dâu nón gụ quai thao về ngang qua một con sông.

Sau đám cưới, chàng trai nói với cô gái hai điều mà anh đã học lóm từ sách, từ cuộc sống của mẹ cha, xóm giềng: “Từ giờ cha mẹ là cha mẹ chung của hai bên, chết thì thôi, còn sống thì phải là vợ chồng”. Cô gái gật đầu đồng ý. Chỉ vậy thôi mà tình yêu của họ bền chặt gắn bó hơn 50 năm ròng, trải qua những thử thách của chiến tranh và chia ly, gian khó.

Ho da di qua cuoc chien, cung nhau...
Tấm ảnh hiếm hoi tjời thanh xuân của bà

Ngày ấy họ vẫn chưa từng biết đến rung động của tình yêu. Họ về làm vợ làm chồng chỉ qua mai mối, theo đúng nghĩa “cha mẹ đặt đâu thì ngồi đấy”, sống với nhau bằng tinh thần: cái gì được cha mẹ cho là quý giá. Cặp vợ chồng trẻ sống đầm ấm bên nhau. Nhưng canh cánh trong lòng ông Trượng là thoát ly theo cách mạng, lên rừng để chiến đấu, giành độc lập, thống nhất nước nhà. Ngày đón đứa con đầu lòng cũng là ngày ông lên đường vào chiến khu, người vợ trẻ ở lại nhà nuôi con. Đó là một ngày của tháng 4/1961.

Ngày ông đi, con gái đầu lòng chỉ mới năm tháng tuổi. Cồn cào trong lòng ông là nỗi nhớ con, nhớ những lúc vợ chồng cùng nhau lao động, vất vả mà đầm ấm, yên vui và ấm áp vì những chăm sóc nhỏ nhặt dành cho nhau. Ấy thế mà đến tận ba năm sau, họ mới được gặp lại nhau một lần, rồi mãi 10 năm sau mới gặp nhau lần thứ hai. Bởi hồi đó, chuyện gặp nhau vô cùng khó khăn. Họ phải có hai đầu cơ sở móc nối, vợ ông phải có người về tận nhà, đưa lên Sài Gòn rồi từ Sài Gòn lên Tây Ninh.

Gian khổ, lẩn lút, nguy hiểm chực chờ, nhưng hẹn rồi có khi đụng trận càn, lại phải quay về, đến lúc gặp nhau cũng vội vàng một, hai ngày lại chia xa dằng dặc. Mà chẳng nói gì đến chuyện gặp nhau, ngay cả thư từ, dù là chỉ một mẩu giấy nhỏ cũng chẳng dám gửi cho nhau. Bởi lỡ dọc đường thư đi mà giao liên bị bắt, giấy tờ rơi vào tay giặc, sẽ nguy hiểm cho người ở nhà. Nối họ với nhau chỉ là vài lần nhắn tin qua những anh em đồng chí về chiến khu học tập, hội họp, rằng: "Anh vẫn mạnh giỏi, em ở nhà yên tâm". Chỉ có thế thôi, 15 năm xa nhau biền biệt, duyên vợ chồng được giữ gìn bằng những điều hết sức kỳ diệu của tình yêu và tình nghĩa.

Ho da di qua cuoc chien, cung nhau...
Bạn bè và gia đình thường gọi ông là con của Bác Hồ

Trong lần gặp đầu tiên vào năm 1964 ở Tà Păng, Tây Ninh, bà khoe với ông là đã được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam. Nghe vậy, ông vừa mừng, vừa lo. Mừng là nỗi mừng của người chồng, hiểu rằng vợ mình đã thành đồng chí, là người cùng chí hướng, tâm huyết với mình. Lo là lo bà sống trong vùng địch, biết bao hiểm nguy.

Nỗi lo của ông thành hiện thực: năm 1970, bà bị bắt ngay trước cửa nhà với một lá thư của Xã ủy trong túi. Ngay trước mặt kẻ thù, bà vội nhai và nuốt bức thư. Hành động đó khiến bà bị tra khảo. Tin bà bị bắt, ông cũng chỉ biết sau này, qua đồng chí bí thư Tỉnh ủy Long An, khi ông về Trung ương Cục họp: “Tôi được báo là cô ấy bị bắt. Thế nhưng cơ sở Xã ủy không phải rời đi. Cô ấy giữ khí tiết tốt, không có gì xảy ra”. Hình dung ra những tra tấn, tù đày mà vợ đã phải chịu đựng; hình dung ra đứa con gái nhỏ bơ vơ thiếu cha, thiếu mẹ, trái tim của người chồng, người cha chỉ biết xót xa, câm lặng.

Sau này, có nhiều người hỏi ông: ngày ấy, có bao giờ ông lo vợ không chịu đựng được cách xa, gian khổ mà lấy chồng khác. Ông cười hiền hậu, kể lại một kỷ niệm: “Ngày đó, trong đơn vị tôi có một anh tên Chín ở Củ Chi. Những lúc trò chuyện, anh hay kể về vợ mình. Thời gian sau, vợ anh đi lấy chồng khác”. Anh buồn lắm, bảo với tôi: “Tôi thật mắc cỡ với anh”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI