Hào quang của người đàn bà cũ khi có quyền được hạnh phúc

29/04/2017 - 11:40

PNO - Trên các mạng xã hội Việt Nam, hàng loạt cô nàng FA (độc thân) trào phúng treo status động viên nhau “Hãy kiên nhẫn! Chồng tương lai của bạn hiện vẫn còn đang... quấn tã”.

Cuộc bầu cử tổng thống Pháp hôm 23/4 đã ghi nhận một sự kiện quan trọng: lần đầu tiên trong hơn nửa thế kỷ, hai đảng lớn nhất, vốn thay nhau lãnh đạo đất nước này (Cộng hòa và Xã hội) đã thất bại thảm hại trước một ứng viên tự do và lãnh đạo một đảng nhỏ bé.

Hao quang cua nguoi dan ba cu khi co quyen duoc hanh phuc
Dẫu hơn Emmanuel Macron đến 24 tuổi, từng có một đời chồng với ba con, Brigitte Trogneux vẫn có quyền mưu cầu hạnh phúc

Dù là ai trong hai người - Emmanuel Macron và Marine Le Pen - chiến thắng, họ cũng sẽ làm nên lịch sử tại Pháp. Nếu Macron thành tổng thống, ông sẽ là tổng thống Pháp trẻ nhất - 40 tuổi. Nếu Le Pen thắng, bà sẽ là nữ tổng thống Pháp đầu tiên. Kết quả cuộc đua ra sao, chúng ta cần đợi đến khi vòng bầu cử thứ hai kết thúc vào tháng

Năm tới. Nhưng lúc này, những thông tin tràn ngập trên báo chí - không phải thông tin về bầu cử, cũng chẳng phải khả năng Pháp sẽ làm một cuộc Frexit như cách người Anh đã rời Liên minh châu Âu, đẩy khối này vào nguy cơ sụp đổ - mà là chuyện tình của ứng viên tân tổng thống và người vợ hơn ông những 24 tuổi.

Trong đêm 24/4, sau khi kết quả vòng bầu cử thứ nhất tại Pháp được công bố, báo chí khắp thế giới, thay vì phân tích đường lối, chính sách, dự báo tương lai nước Pháp... như thường thấy lại dành phần lớn diện tích để khai thác mối tình cô-trò của Emmanuel Macron và Brigitte Trogneux, từ khi Macron chỉ mới 17 tuổi và Brigitte vừa ly hôn với một gánh ba con.  

Từ chuyện họ đã tán tỉnh nhau ra sao, vượt qua những trở ngại gì, kết hôn thế nào... đều được lôi lên mặt báo. Trên các mạng xã hội Việt Nam, hàng loạt cô nàng FA (độc thân) trào phúng treo status động viên nhau “Hãy kiên nhẫn! Chồng tương lai của bạn hiện vẫn còn đang... quấn tã”. Giữa bộn bề những thông tin câu khách ấy, điều có thể nhìn thấy là quyền được hạnh phúc của một người phụ nữ.

Hao quang cua nguoi dan ba cu khi co quyen duoc hanh phuc
 

Ở nhiều nước, chuyện tình thầy trò còn là điều khó khăn huống chi là quan hệ cô trò. Chẳng thế mà Tiểu Long Nữ và Dương Quá đã phải trải qua biết bao chông gai mới đến được với nhau. Những người đàn bà một lần dang dở như Brigitte, nếu ở Việt Nam, sẽ có thể tự thấy rằng đời mình thôi đã hết, chấp nhận hy sinh những tháng ngày còn lại để nuôi con.

Nếu có tái duyên, phần lớn họ vẫn mang mặc cảm mình không tròn vẹn, lắm lúc phải thở dài “rổ rá cạp lại”, phải cố chịu đựng để tránh cảnh con anh, con tôi, con chúng ta. Nếu rơi vào trường hợp như Macron và Brigitte, người đàn bà sẽ có thể phải chịu điều tiếng, bị phản đối từ nhiều phía.

Không ai (hoặc nếu có cũng rất ít) thừa nhận sự thật là dù có trải bao nhiêu đời chồng, có bao nhiêu đứa con hay gì khác thì người phụ nữ vẫn có quyền được mưu cầu hạnh phúc và có quyền hạnh phúc như mọi người. Sòng phẳng mà nói, nếu họ có thua kém các cô gái trẻ thì chỉ là chút xuống cấp của cơ thể do tuổi tác và sinh nở; nhưng bù lại họ sẽ có thừa kinh nghiệm và kỹ năng.

Trên tất cả những điều đó, người đàn bà vẫn vẹn nguyên giá trị của mình, có quyền chọn lựa bước hay không bước tiếp, chọn lựa người sẽ sánh đôi cùng mình, kể cả việc chọn những cuộc vui.

Có thể ta vẫn chưa quên câu chuyện của Leena Jungyanja - nữ đại gia Thái Lan vừa nhanh chóng ly hôn người chồng thứ chín, trẻ hơn mình 33 tuổi - người đã vượt qua 60.000 chàng trai khác để lọt vào mắt xanh của nàng, để cặp với tình mới.

Bỏ qua những câu chuyện giật gân, Leena có quyền chọn sống như mình muốn, bởi bà độc lập, ý thức được giá trị của mình, kiêu hãnh và không tự nhốt mình trong những định kiến vốn vẫn luôn đè nặng lên thân phận đàn bà.

Tất nhiên, ta có thể nói rằng Brigitte và Leena làm được như vậy bởi họ giàu hay có những lợi thế nào đó; nhưng đó không phải là điểm mấu chốt. Cái chính là mỗi người đàn bà phải biết cởi bỏ những xiềng xích vô hình mà xã hội tròng vào cổ họ để dám bước qua đổ vỡ, làm lại cuộc đời.

Hạnh phúc không phải là thứ được ban phát, cũng chẳng từ trên trời rơi xuống. Nó là thứ ta phải tìm, phải tranh đấu, vun đắp cho bản thân. Trên hành trình ấy, “chấp nhận” cũng đồng nghĩa với buông xuôi mà chẳng giọt nước mắt nào có thể cứu vớt ta được.

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI