Hạnh phúc nhỏ

27/10/2015 - 08:54

PNO - Cho đến khi trút hơi thở sau cùng, nội tôi cũng chưa ra khỏi nhà, “cái chùa gì đó lớn lắm” cũng không còn cơ hội để đi coi lại.

Hanh phuc nho
Ảnh mang tính minh họa - Nguồn: Internet

Tôi ghé vào quán ăn quen. Hôm nay quán đông khách quá, hết bàn trống nên phải “xin phép” ngồi vào chỗ duy nhất còn lại của chiếc bàn dành cho bốn người. Bên kia bàn là cô gái và người phụ nữ tầm năm mươi tuổi. Bên này bàn là người đàn ông hơn sáu mươi, dáng cao to. Ông nói với cô gái: “Sang bên này ngồi đi con, để ba qua đút cho mẹ”. Cô gái đáp: “Còn vài muỗng nữa thôi ba”.

Tôi nhìn kỹ người phụ nữ. Dáng bà nhỏ nhắn, bộ quần áo ka-tê xanh nhạt sạch sẽ. Đầu bà nghiêng nghiêng qua phía trái, miệng luôn cười cười dù miếng bánh mì cô gái đút sát miệng, bà vẫn cười. Vì bà mải cười nên nước bò kho trên miếng bánh mì rớt xuống quần áo. Người đàn ông lẹ tay cầm khăn giấy chồm qua bàn thấm cho bà. “Đừng cười nữa, ăn hết đi rồi về coi ti vi, bà ơi!”, người đàn ông nói giọng trìu mến.

Đầu bà vẫn nghiêng, cơ thể cũng nghiêng theo. Rồi bà đưa tay phải ra gạt muỗng nước xúp cô gái vừa kê vào miệng. “Thôi, xong rồi, tới ba”. Người đàn ông nói. Cô gái đứng dậy, sang phía bên này bàn ngồi với tôi khi tô bánh canh trước mặt dần nguội. Người đàn ông qua bên kia bàn, bật nắp chai nước mang theo, có sẵn ống hút, kê vào miệng vợ. Rồi ông lấy khăn lau sạch miệng bà.

Vừa ăn, tôi vừa trao đổi vài câu làm quen. Cô gái ba mươi nhưng chưa chồng. Cô nói: “Mà không biết chừng nào có chồng hay ở vậy chăm má đây chị. Má em hồi đó là cô giáo dạy văn cấp III, vậy mà bị tai biến và 5 năm nay thì như một đứa trẻ. Má bệnh nhưng ham vui lắm, ai đi đâu cũng đòi đi theo. Riết rồi cả nhà trẻ theo “con nít đầu bạc” này luôn!”. Người phụ nữ hình như biết nói về mình nên đầu cúi xuống ra vẻ mắc cỡ, nhưng vẫn cười.

Cô gái cho biết thêm, từ ngày mẹ bệnh, các anh chị ở xa, nên cô nghỉ việc ở ủ y ban xã , ở nhà chăm sóc mẹ. “Hồi trước ba em là lái gỗ, đi năm non bảy xứ. Giờ mẹ bệnh thì về sắm mấy cái rạp cưới, vài chục bộ bàn ghế cho thuê. Em thì chăm sóc mẹ và bán hàng qua mạng".

Nghe cô nói nhẹ hều mà tôi chạnh lòng cho gia cảnh mình quá đỗi.

Nội tôi ngày đó đã chín mươi. Đã quên nhiều hơn nhớ. Dù nội nhiều con nhưng ai cũng có gia đình riêng. Nội sống với chú thím Út, chú thím cũng đã lên chức ông bà ngoại. Khi nội bệnh nhiều, thím Út vừa chăm sóc mẹ chồng, vừa nuôi con gái sinh nở nên phải “cầu cứu” các anh chị. Và chú thím nhắm đến ba mẹ tôi vì nhà tôi cách nhà nội không đầy 10km; mẹ tôi không bận con cháu nhỏ.

Nhưng mẹ tôi một mực lắc đầu: “Nhà mình chỉ bốn, năm phòng, sao có chỗ rước nội về? Ấy là chưa kể, mấy chục năm nay mẹ không làm dâu nên… không quen. Mà không biết chừng lỡ nửa đêm nội chết bất tử thì chú thím Út bắt đền, mình biết làm sao?”

Còn nội, sau khi nghe phong thanh chuyện “đến nhà anh Hai chơi vài bữa” từ thím Út, bà mừng ra mặt, quên quên nhớ nhớ nhưng bà vẫn biết: “Gần nhà thằng Hai có cái chùa gì lớn lắm. Tao phải đi coi lại, mấy trăm năm rồi không có đi”.

Mẹ tôi không nhận chăm nội, có nghĩa là niềm vui “thăm cái chùa gì lớn lắm” của nội sẽ không thành. Tôi xin đón nội về nhà riêng để chăm sóc. Nhưng ba mẹ tôi nói: “Con muốn thiên hạ kêu rêu rát mặt ba mẹ à? Tụi tao còn sờ sờ đây, không tới lượt mày nuôi bà nội”.

Vậy là cho đến khi trút hơi thở sau cùng, nội tôi cũng chưa ra khỏi nhà, “cái chùa gì đó lớn lắm” cũng không còn cơ hội để đi coi lại.

Mẹ tôi ôm xác nội khóc như mưa gió, nói phải chi má sống thêm vài năm nữa, cho con cháu được dịp báo hiếu. Hạnh phúc nhỏ nhoi của nội mà ba mẹ còn không đáp ứng được thì sẽ báo hiếu gì đây?

Kim An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI