Hai mảnh ghép không lành lặn thành hoàn hảo

25/01/2015 - 07:09

PNO - PNCN - Chàng trai mù và cô gái liệt hai chân quyết định kết duyên. Gần mười năm nay, hai mảnh ghép ấy đã tạo thành bức tranh đẹp với cuộc sống êm đềm, hạnh phúc khiến bao người ngưỡng mộ.

edf40wrjww2tblPage:Content

Ở những ngõ phố Đà Nẵng, ai cũng quen mặt vợ chồng anh Triệu Sinh Hùng (SN 1986) và chị Đặng Thị Vân (SN 1982). Ngày ngày, họ đèo nhau trên chiếc xe dành cho người khuyết tật, đi khắp phố phường, quán xá để bán từng tấm vé số mưu sinh. Sau một ngày bươn chải, họ trở về trong căn phòng nhỏ, ở đó có một cô con gái xinh xắn - kết quả của một tình yêu đẹp.

 Hai manh ghep khong lanh lan thanh hoan hao

Hai vợ chồng trong căn phòng trọ

Tình yêu vượt số phận

Phòng trọ của anh chị nằm sâu trong một con hẻm nhỏ, sát đường ray xe lửa trên đường Lê Độ (P.Xuân Hà, Q.Thanh Khê, Đà Nẵng). Căn phòng rộng chừng 10m2 chỉ đủ chỗ chứa một chiếc giường, một chiếc ti vi cũ kỹ cùng chiếc bàn học nhỏ xinh của con gái. Đây là chỗ mà anh Hùng, chị Vân tá túc hơn 10 năm qua, khi họ mới từ quê nhà đến thành phố biển này. “Thấy tụi em khó khăn, cô chủ đại lý vé số tốt bụng cho ở nhờ. 10 năm nay cô ấy không lấy của vợ chồng em một đồng tiền trọ nào. Nhờ vậy, vợ chồng em cũng bớt đi một nỗi lo”, chị Vân nói.

Chị Vân lớn lên trong một gia đình khốn khó ở Phú Thọ. Bố mẹ chị là nông dân, quanh năm bám ruộng đồng nhưng vẫn không thoát được cái nghèo. Ngày mang thai chị, mẹ chị bị cảm cúm. Không có tiền chữa trị, bà tự mua thuốc uống. Do vậy, ngay lúc lọt lòng, đôi chân chị đã bị liệt. Suốt quãng đời tuổi thơ, nhiều lần chị Vân đã cố gắng tập luyện để đi nhưng cuối cùng phải đành chấp nhận số phận.

Anh Hùng quê Hà Tây, cũng có một tuổi thơ bất hạnh. Lúc mới chào đời, anh là một cậu bé kháu khỉnh, dễ thương. Thế nhưng đến năm lên hai tuổi, mắt anh sinh bệnh rồi dần mờ đi cho đến khi mù hẳn. Gia đình vì quá nghèo nên không có tiền chạy chữa cho anh.

Hai con người bất hạnh đến Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề nhân đạo ở Hà Nội để học nghề. Tại đây, họ tình cờ gặp nhau rồi tình yêu nảy nở. “Em chưa bao giờ nghĩ mình sẽ được yêu và có được một tình yêu chân thật. Hơn 20 tuổi đời, em chưa từng rung động với một người đàn ông nào. Mặc cảm vì đôi chân tật nguyền, em luôn sợ mình mang lại gánh nặng cho người khác. Từ khi gặp anh, em tìm được ở anh sự đồng cảm, ấm áp và sự rung động. Em cảm nhận được sự chân thành của anh để đặt niềm tin. Ngày anh ngỏ lời yêu, em đồng ý không chút do dự”, chị Vân bày tỏ. “Mặc dù chưa một lần được nhìn thấy cô ấy, nhưng tôi cảm nhận được đây là người phụ nữ của cuộc đời tôi”, anh Hùng tiếp lời vợ. Anh Hùng lần tìm đôi bàn tay người vợ nhỏ bé, nắm chặt, nở nụ cười mãn nguyện.

Họ quyết định lấy nhau. Cái tin ấy khiến gia đình hai bên phản đối kịch liệt. Họ không muốn con cái khổ thêm. Viễn cảnh một gia đình tật nguyền khiến ai cũng đặt cậu hỏi: "Sẽ lấy gì mà ăn, làm gì mà sống. “Đứa mù, đứa què, dính vào nhau chỉ khổ thêm. Bố mẹ nói như thế rồi đưa em về quê”, chị Vân kể.

Anh Hùng, chị Vân quyết cùng nhau bỏ trốn. Họ chọn Đà Nẵng để xây dựng hạnh phúc. Cuộc sống những ngày đầu cơ cực, khốn khó không ngăn cản bước chân của họ. Niềm vui nhân lên khi tình yêu đơm hoa kết trái. Cô bé Triệu Vy ra đời và hoàn toàn khỏe mạnh khiến hạnh phúc của họ nhân lên bội phần. Khi con gái tròn hai tuổi, họ quyết định đưa nhau về quê để xin lỗi gia đình và làm lễ cưới. “Mẹ tôi và cả mẹ Vân đều khóc vì thương con. Ngày ra mắt hai bên gia đình, chúng tôi hứa sẽ cùng nhau nuôi dạy con gái thật tốt, sống một cuộc sống thật tươm tất, đàng hoàng và hạnh phúc”.

Dò dẫm mưu sinh

Tờ mờ sáng mỗi ngày, anh Hùng và chị Vân đã trở dậy để kịp chuẩn bị cho một ngày mưu sinh. Gửi con gái đến trường, chị lại chở anh rong ruổi phố phường trên chiếc xe quen thuộc. Anh Hùng kể, chiếc xe ba bánh làm bạn đồng hành trên con đường mưu sinh do một người khách mua vé số tặng anh chị cách đây bảy năm. Cứ mỗi lần xe dừng, anh Hùng lại bế hoặc cõng vợ đi. Chị Vân làm đôi mắt chỉ đường cho đôi chân của chồng. “Từ lúc lấy nhau đến giờ, tụi em chưa va vào ai cả”, anh Hùng cười nói.

Cứ thế, hai mảnh ghép không lành lặn gắn lại với nhau một cách hoàn thiện. Trên những con phố Đà Nẵng, không ai xa lạ với hình ảnh người chồng mù cõng vợ bại liệt với xấp vé số trên tay. Chị nói: “Tụi em bán từng tấm vé số kiếm tiền lãi sống qua ngày, chưa từng xin xỏ ai đồng nào. Khách thương vợ chồng em thì mua giúp vé số chứ cho tiền tụi em không nhận. Vợ chồng em không phải ăn xin mà nhận tiền bố thí”.

“Có những hôm, nhiều vị khách thương tình gợi ý mua cả tập vé số mà không lấy vé, chỉ trả tiền. Vợ chồng tôi không đồng ý. Mình còn sức còn làm. Trên đời có rất nhiều người có hoàn cảnh thương tâm hơn nhưng họ vẫn sống và làm việc bằng chính sức lao động, bằng những đồng tiền mồ hôi nước mắt”, anh Hùng chia sẻ.

Lặn lội từ sáng sớm đến chiều tối, thu nhập của cả hai vợ chồng chỉ chừng 100 ngàn đồng. Chiều về, họ cõng nhau vào phiên chợ cóc nhỏ bên khu nhà trọ. Chị mặc cả và mua vội ít thực phẩm để chuẩn bị bữa cơm chiều. Thu nhập ít ỏi nhưng chị Vân biết vun vén cho gia đình, vì vậy họ luôn có đủ tiền cho con gái đến trường, không thua kém bạn bè cùng trang lứa. Mỗi ngày, chị trích ra một số tiền nhỏ từ thu nhập để bỏ vào heo đất. Để dành suốt một năm, chị mổ heo rồi gửi vào sổ tiết kiệm. “Hai vợ chồng đều tật nguyền, phải dành dụm để bé Triệu Vy có tiền học đến đại học. Có như thế, con gái mới không khổ như chúng tôi”, chị Vân tâm sự.

Mỗi tối đến, chị Vân đều nhắc con gái ngồi vào bàn học. Như hiểu được nỗi lo toan của cha mẹ, Triệu Vy lúc nào cũng ý thức sự quan trọng của việc học hành. Mới lớp 3 nhưng trong căn phòng nhỏ đã đầy giấy khen mang tên cô bé. “Mỗi lúc họp phụ huynh, cô giáo đều khen Vy siêng năng, ngoan ngoãn và học rất giỏi. Vợ chồng tôi tự hào vì điều đó”, anh Hùng thổ lộ.

 ĐÌNH THỨC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI