Giận chồng bỏ nhà đi cũng có lợi

10/04/2017 - 13:45

PNO - Chưa bao giờ chị dùng sự dịu dàng, nhẹ nhàng đàn bà giúp chồng hạ hỏa để không tiếp tục tuôn ra những lời khó nghe nữa.

Chị có tính hay giận, nói đúng hơn là chị nhớ dai nên khó quên những lời chồng thốt ra trong cơn nóng nảy. Sau mỗi trận cãi cọ, chị thường xách áo quần tới chỗ con gái vì không muốn nhìn mặt chồng. 

Gian chong bo nha di cung co loi
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vợ chồng chị có hai đứa con gái trọ học ở thành phố. Chị giận chồng bỏ nhà đi nhiều đến nỗi mấy đứa sinh viên khu trọ ghen tị với hai đứa con của chị, vì chúng nghĩ con chị hay được má lên thăm.

Mỗi khi má lên thăm thì không phải ăn cơm hàng cháo chợ, có má nấu cơm canh nóng sốt, ngon lành. Đi ngang qua phòng những ngày có chị, mấy đứa sinh viên vô tư hít hà và nói với con chị “Ghen tị quá đó nghe”.

Con của chị cười cười với bạn bè rồi vội vàng kéo cửa phòng lại vì giọng má nói chuyện với ba qua điện thoại sao mà chua chát quá, lỡ người bên ngoài nghe được thì kỳ. 

Hai đứa con lần lượt theo chồng, khi giận, không còn chỗ để bỏ nhà đi nữa, chị bí bách lắm. Phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp, căn nhà có chừng đó không gian, đi lên đi xuống đụng nhau mà không muốn nhìn mặt, quá khó chịu. Chồng muốn làm hòa, cứ kiếm cớ xán lại gần, chị càng thêm cáu kỉnh.

Chị gọi điện thoại cho con gái và kể tội ba nó cho tới khi hết pin mới thôi. Rồi con gái gọi lại, thì thầm lo lắng: “Má ơi, lỡ mà chồng con nghe máy thì má đừng nói như nói với con nha”. Chị nghe mà càng tức thêm, cứ như là chị sai và con gái sợ chồng nó đánh giá chị vậy. Vậy thì thôi, không thèm kể cho con cái nghe chuyện nhà nữa, tìm cách khác. 

Chi hội Phụ nữ của khu phố chị hoạt động nhộn nhịp lắm: người già tập dưỡng sinh, mấy cô trẻ thì khiêu vũ, tầm tuổi như chị thì đi chơi đây đó. Mùa hè, bà tổ trưởng kêu “ai muốn tắm biển không?”, khi danh sách đủ hai mươi bốn người hoặc nhiều hơn thì gọi điện thoại đặt xe.

Gian chong bo nha di cung co loi
 

Khách trên xe toàn là người trong khu phố nên tha hồ ngủ ngon cho đến khi tới nơi, đồ đạc để trong xe không sợ nhầm lẫn, mất mát, giữa đường thấy cảnh đẹp muốn ngừng lại chụp vài tấm hình kỷ niệm thì chỉ cần ới lên một tiếng là cả xe rần rần hùa theo, rất vui.

Tham quan thắng cảnh hay chơi trò chơi thì đi thành đoàn để được giảm giá vé, còn ăn thì tùy ý, ai thích tiêu tiền thì rủ nhau đi quán, ai tiết kiệm thì đem thức ăn nhà theo. Du lịch như ý, giá rẻ, mà tuyệt đối an toàn.

Qua mấy ngày tết, bà tổ trưởng rao “ai hành hương thập tự không?”. Cách nói chữ nghĩa này là bắt chước quý sư trên chùa, chứ thật ra là chuyến du lịch đi tới mười chỗ mà chỗ nào cũng có một ngôi chùa, vậy thôi. 

Vợ chồng vừa mới cãi nhau, chị bèn đăng ký đi ngay cho khuất mắt. Nào ngờ, ghi tên thu tiền, lên danh sách xong thì bà tổ trưởng thông báo phải đợi qua rằm vì có mấy nhà trong xóm còn phải lo chuyện cúng kiếng. Trong lúc chờ đợi, ngày nào chị cũng lang thang siêu thị cho tới tối, rồi đi coi phim, coi kịch đủ thứ cớ để ra khỏi nhà cho khỏi phải nhìn mặt nhau.

Bà tổ trưởng vui tính, chịu chơi, hay nói nửa đùa nửa thật kiểu như phụ nữ phục vụ chồng con hoài rồi, cho nên hãy tự tặng cho mình vài ngày thảnh thơi, đừng có đi đâu cũng kè kè ông chồng theo cho nặng. Vậy nên chẳng ai thắc mắc hỏi han gì chuyện chị đi du lịch một mình, chị thấy thoải mái. 

Lần này cũng chẳng ai thắc mắc hỏi han gì, chỉ có điều là trên xe có nhiều người đi thành cặp. Có lẽ không khí đầu năm mới vẫn còn vương vấn nên chuyến đi này kết hợp được cả hai: đi chơi mà cũng là đi lễ chùa. Cả vợ cùng chồng cầu nguyện cho gia đình mình thì còn gì bằng. Tự lý giải vậy rồi chị thấy chạnh lòng, có người mà số phận mãi mãi một mình thôi!

Toàn người quen nên không khí nhanh chóng sôi động, người này kể chuyện hài hước, cả xe cười, người kia kể chuyện tiếu lâm hơn, lại cười rộ. Nói qua nói lại một hồi thì nảy ra chơi đố tục giảng thanh. Mấy bà mấy cô che miệng cười và đỏ mặt, còn các đấng đàn ông thì cười ha hả.

Cặp vợ chồng ngồi gần chị góp phần hai câu đố mà câu nào khi ông chồng vừa nói ra thì bà vợ vội đưa tay bịt miệng chồng lại. Vậy mà cuối cùng thì cả xe đều nghe rõ và cười ồ vì sự quá thô thiển của lời giải. Bà vợ cũng cười mà cau mặt với chồng. 

Gian chong bo nha di cung co loi
 

Chị vốn không thích kiểu đùa này nên thấy đồng cảm với bà vợ, chắc là bà giận ghê lắm. Chị tò mò đợi xem cơn giận mà đang giữa đông người thì ra sao? Bà vợ lục lọi trong giỏ lấy ra một cái hộp nhỏ. Bà mở nắp hộp, mùi gừng tươi thơm thơm. Bà lấy một lát gừng đưa tới miệng chồng: “Nói nhiều quá khan cổ chưa?”.

Nghe như một lời trách yêu, mà dập tắt tiếng cười nhạo. Có lẽ mọi người chờ đợi bà vợ nạt ông chồng một câu thì đúng hơn. Lát gừng khiến người ta ghen tị với ông chồng vụng về thì phải. 

Chị đâm ra nghĩ ngợi lan man. Người ta có thể vừa xấu hổ vừa dịu dàng với nhau như vậy sao? Không thể ngăn chồng ngừng nói nhưng người đàn bà đã cứu vãn được không khí sau đó chỉ bằng một lát gừng tươi chuẩn bị sẵn cho đường xa thấm mệt, dễ say xe. Chị nhớ lại những khi chồng nói những lời khiến mình đau nhói trong lòng, chị đã làm gì?

Chưa bao giờ chị thông cảm và chấp nhận cách nói năng của chồng như là một điểm yếu của anh. Chưa bao giờ chị dùng sự dịu dàng, nhẹ nhàng đàn bà giúp chồng hạ hỏa để không tiếp tục tuôn ra những lời khó nghe nữa. Chị chỉ biết tức giận và muốn bỏ đi mà thôi. Như chuyến du lịch này, chị lại đang bỏ đi. 

Bao nhiêu lần chị muốn đi luôn, nhưng rồi chị quay về vì chồng nhờ hai đứa con điện thoại gọi mẹ về. Bao năm qua, chị tâm niệm mình chỉ sống vì con. Mà hai đứa con của chị có được yên lòng không?

Người đàn bà lại mở hộp lấy thêm một lát gừng nữa, lần này là cho chính mình. Chị nuốt xuống mùi gừng cay cay, nhận ra mình chưa bao giờ chuẩn bị cho hành trình...

Nguyên Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI