Giải cứu nàng khỏi... "bà hỏa"

15/11/2014 - 06:50

PNO - PN - Một cơn giận của phụ nữ có thể bất thần từ trên trời rơi xuống, nhưng để hóa giải nó, các ông chồng hầu như lúc nào cũng phải dụng công, chứ không thể tự nhiên mà “thoát”. Bởi thế, “hạ hỏa” là một trong những...

edf40wrjww2tblPage:Content

Giai cuu nang  khoi...

Im lặng

Vợ thuộc mẫu phụ nữ hiện đại, yêu gia đình, yêu công việc, yêu bản thân. Mẹ chồng, đương nhiên, thuộc mẫu truyền thống, không bao giờ biết tiêu xài cho riêng mình. Mâu thuẫn cứ thế liên miên, không lần nào quá gay gắt, nhưng đủ khiến các bên dằn vặt, khổ tâm. Lần này, trong ngày giỗ bố chồng, vài lời nói ra nói vào của mẹ về việc “xài sang” của con dâu khiến vợ ấm ức, tủi thân; mặt ủ mày chau suốt buổi. Đến lúc sửa soạn đi ngủ, như không kìm được nữa; vừa ôm đống chăn màn mới phơi khô vứt ra giường, vợ “châm ngòi”.

Vợ (thở dài): Làm trâu làm ngựa chẳng ai hay, đến khi ngả lưng nghỉ mệt, hưởng thụ chút đỉnh thì trăm mắt đổ dồn, thật vô phúc!

Chồng lặng lẽ giành lấy tấm drap giường, tự sửa cho ngay ngắn, vợ vội giật phăng lại.

Vợ: Để mặc đấy! Tự tôi liệu. Anh không nghe người ta nói sao, nào hưởng thụ, nào phung phí; tôi phải nai lưng hầu hạ anh thì mới bù vào được mấy phần tội lỗi ấy chứ!

Chồng (chặc lưỡi): Thôi, chuyện trong nhà mình tự biết với nhau, các cụ cả đời quẩn quanh trong nhà, thấy con cháu bỏ tiền trăm triệu du lịch thế giới thì xót của cũng phải...

Vợ (cắt ngang): Phải là sao cơ? Anh cũng xót như mẹ, đúng không?

Chồng: Anh không có ý đó, công sức lao động của em, em có quyền sử dụng, nếu xót của, anh đã ngăn từ đầu.

Vợ: Cả ngày 10 tiếng thí xác ở công ty, lại thêm chuyện nhà cửa, con cái, có người đàn bà nào năm này tháng nọ chỉ ngủ năm tiếng mỗi ngày như em không? Sao chuyện rành rành người ta chẳng ghi nhận, lại giỏi phán xét thế?

Chồng: Người ta nào? Cũng là mẹ anh, mẹ em chứ ai! Anh đã bảo em đừng để tâm, mẹ nhắc cũng là nhắc cho vợ chồng mình, các cụ quen dè xẻn, thu vén nên hơi sốc khi thấy con cái chơi sang.

Vợ (không buồn quan tâm thái độ của chồng): Em nghĩ kỹ rồi, lần này em thất bại, em chấp nhận. Mình ly hôn đi. Em tự do, anh cũng chẳng phải khổ sở, ấm ức vì phải đứng giữa vợ và mẹ nữa.

Chồng: Ơ, sao em vô lý thế? Chưa gì đã đòi chia tay là sao?

Vợ (gào lên): Ừ, em vô lý đấy! Đã tiêu hoang còn vô lý, còn ăn ít nói nhiều mau già lâu chết gì gì đấy nữa đấy! Đã vậy anh buông tha cho tôi đi.

Chồng: Này, em bình tĩnh lại đi.

Không đợi vợ phản ứng, chồng đứng lên chạy biến khỏi cửa, thoát thân. Rõ ràng, cảm xúc tiêu cực đã xâm chiếm, khiến cô vợ chỉ muốn... gây sự. Lúc này, người vợ chẳng cần lý lẽ, mà có khi, bấy nhiêu lý lẽ cô đã nằm lòng, nhưng bất cần hết, chỉ tập trung làm sao kéo anh chồng vào cuộc “khẩu chiến”, cho thỏa nỗi ấm ức mẹ chồng. Đã vậy, càng giải thích, anh chồng sẽ càng cung cấp thêm dữ kiện cho “bà hỏa” suy diễn, lời lẽ càng lúc sẽ càng chua cay. Trong cảnh huống ấy, im lặng và lảng đi chuyện khác là lối thoát duy nhất.

Giai cuu nang  khoi...

Nghiêm túc, điềm tĩnh

Khác với động cơ gây sự trên kia, trong một tình huống khác, cơn giận của vợ lại xuất phát từ “động cơ nhũng nhiễu”, cố tình bắt bí, gây khó dễ cho chồng - một thuộc tính “xấu xí” kiểu... đàn bà. Lúc này, im lặng tức là thỏa hiệp, là nhu nhược, là dung dưỡng cái tôi và sự hiếu thắng của nàng.

Buổi tối mất vui khi anh đề cập đến khoản tiền chị gái vừa hỏi vay lúc sáng.

Vợ: Bao giờ chị ấy cần?

Chồng: Anh không rõ.

Vợ: Anh không rõ sao anh không hỏi cho rõ?

Chồng: Anh không để ý, mình có thì đưa ngay cho chị ấy đi, chứ đã định cho mượn thì đưa trước đưa sau gì cũng vậy.

Chồng nói xong lơ đễnh nhìn vào ti vi, vợ khó chịu ra mặt.

Vợ: Em cũng có định kỳ kèo núm níu đâu. Nhưng đã đụng đến tiền bạc thì phải rõ ràng, lúc vay thì chẳng sao, nhưng đến lúc trả phiền phức lắm.

Chồng: Cái gì mà không rõ ràng? Không rõ chỗ nào?

Vợ: Thì đấy, bao giờ chị ấy cần, rồi bao giờ chị ấy trả, sao anh không hỏi một lần cho rõ?

Chồng (chau mày, vẻ phiền phức): Chị em trong nhà, mượn có vài triệu bạc, có cần phải hỏi tới hỏi lui vậy không?

Vợ: Ơ hay, tiền nhà này chẳng phải lá mít, cứ phải hô đâu có đó đâu. Mà đã muốn mượn, thì phải chủ động rõ ràng đi chứ! Ai đâu vừa cho mượn, vừa phải tốn công vặn vẹo thế này.

Chồng rời mắt khỏi ti vi, chưa kịp nói gì thì vợ nói tiếp.

Vợ: Còn anh nữa, từ mai anh giữ chìa khóa tủ, giữ cả thẻ ATM đi, để lúc nào cần thì dùng ngay cho tiện. Chẳng việc gì mà một người giữ tiền, một người giữ quyền, đến lúc cần phải hỏi qua hỏi lại cho mệt.

Chồng (điềm tĩnh nhìn thẳng vào mắt vợ, nhẹ nhàng cắt ngang): Cuối cùng là em thấy mệt vì phải cho chị Hai mượn tiền, phải không?

Vợ (vội lia mắt khỏi gương mặt chồng, nói như… mất trớn): Ai nói anh thế?

Chồng: Em nói nãy giờ còn gì? Quyền quyết định thuộc về cả hai vợ chồng, nếu em không thích thì mình sẽ từ chối.

Vợ (tròn mắt, giọng thảng thốt, cầu thị): Em không có ý đó đâu đấy...

Phụ nữ thường thế, chỉ cần bất bình vì một chi tiết nhỏ, hoặc thậm chí chỉ vướng víu một nỗi khó chịu mơ hồ nào đấy, nàng có thể “tự giải tỏa” bằng hàng trăm câu nói khó nghe, mà càng nói càng đi xa ý nghĩ ban đầu, chính nàng cũng không ngờ tới. Lúc ấy, nếu anh chồng cũng nổi máu Trương Phi, tả xung hữu đột phản đòn thì mâu thuẫn chẳng biết sẽ được đẩy lên tận đâu. Ngược lại, chỉ cần điềm tĩnh, chồng sẽ đưa vợ về với tình huống thực tại, đối diện với cả ý lẫn lời mình vừa thốt ra trong cơn nóng nảy mà... giật mình, tự nhận thấy cả sự sai khác lẫn sai trái trong lời lẽ mà điều chỉnh. Đối thoại lúc ấy mới thật là “đối thoại”.

 Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI