Em làm ơn tầm thường được không?

30/12/2015 - 09:32

PNO - Để trở thành một người hoàn hảo, để biến gia đình thành một nơi hoàn hảo, thật không dễ dàng. Chị không để mất một buổi hẹn đối tác nào...

Tiêu đề trên dựa vào tên một truyện ngắn, đồng thời cũng là tên một tập truyện của nhà văn Mỹ nổi tiếng Raymond Caver Em làm ơn im đi được không? Đó là tập truyện về gia đình đẹp và buồn, sắc bén và mai mỉa.

Trong truyện, những chi tiết nhỏ nhặt, những tích tụ tâm lý như những mảnh thủy tinh cài trên đời sống hôn nhân, có thể gây thương tích bất ngờ, những vết thương khó liền sẹo. Và, ngay cả việc một người vợ muốn trở nên hoàn hảo, muốn vượt thoát khỏi hình ảnh “người phụ nữ tầm thường” cũng rất có thể là một mảnh thủy tinh sắc gây chảy máu cuộc hôn nhân!

Anh là nhà văn, đồng thời còn có một công việc văn phòng ổn định, có thể chủ động được thời gian. Chị là họa sĩ thiết kế, một người tổ chức sự kiện quảng giao. Trước ngày cưới, chị nấu một bữa ăn mời bạn bè anh đến chơi, ai cũng khen ngon, khen anh tốt số, anh cười mắt lấp lánh.

Rồi anh chị có em bé, anh tất bật chăm con, ít gặp gỡ bạn bè, mỗi lần gặp nhau, mắt anh lại sâu hơn chút, hơi thở dài hơn chút. Hỏi chuyện gia đình, anh lắc đầu thở dài. Chị vẫn tốt, vẫn đẹp, vẫn nấu ăn ngon, anh chị vẫn chung thủy với nhau… Một gia đình như thế sao có thể ẩn chứa bão tố khiến anh thất thần? “Chị cầu toàn, muốn mọi thứ hoàn hảo, kể cả cách mọi người nhìn chị”, anh nói.

Em lam on tam thuong duoc khong?
Ảnh minh họa: Internet

Để trở thành một người hoàn hảo, để biến gia đình thành một nơi hoàn hảo, thật không dễ dàng. Chị không để mất một buổi hẹn đối tác nào dù cuộc hẹn có kéo dài quá nửa đêm, anh không nghi ngờ gì chị, chỉ có điều là con đang tuổi định hình nhân cách mà mẹ không hề rảnh buổi tối nào để cùng con nghe nhạc, đọc cho con nghe một câu chuyện cổ tích…

Anh nhắc, chị nghiêm mặt bảo, em đã là một người vợ thủy chung rồi, em cũng đóng góp tài chính cho gia đình như anh, anh đừng bắt em phải sống như những cô gái thời xưa, cắm mặt vào gia đình, bị che khuất phía sau chồng, rồi nhàn nhạt mà mất đi.

Chị vỗ về anh, em là người phụ nữ hoàn hảo, hiện đại, gia đình mình sung túc, yên ổn cũng là niềm hạnh phúc của anh mà. Anh cúi đầu thở dài. Anh biết chị nói có phần đúng, nếu cản chân chị, chẳng phải anh là người gia trưởng, là người gây ra mâu thuẫn gia đình? Anh đành gắng thu xếp về nhà sớm hơn, đưa con đi chơi, nấu cho con ăn, kể chuyện cho con nghe…

Chị làm việc nhiều quá, ở công ty chưa xong, về đến nhà chị còn phải tay điện thoại, tay máy tính. Thường ngày anh nấu ăn, hôm nào rỗi, chị nấu qua quýt mấy món rồi để cha con anh ngồi đấy mà lên phòng làm việc.

Bữa cơm nhạt! “Có lần dồn nén quá mà nói không được, con làm rơi bát cơm, anh đã đánh nó một trận. Nhìn con khóc, thấy mình như quỷ dữ, anh ôm con rớm nước mắt”, anh kể. Khuya, chị ngồi ăn một mình, đâu thấy con và anh đã khóc.

Anh nói, chắc phải thuê người giúp việc, chị giãy nảy rằng người lạ trong nhà không yên tâm, rằng con cái chỉ cần bố mẹ, rằng làm vậy họ hàng và bạn bè sẽ chê bai chị không chăm sóc nổi cho anh, rằng phụ nữ hiện đại là phải đảm được cả gia đình và sự nghiệp riêng. Anh lại lên phòng cho con ngủ, chị lại làm việc tiếp. “Sống với người muốn hoàn hảo khó quá, khó hơn cả sống một mình”, anh nói vội trước khi chạy về đón con buổi chiều.

Một gia đình khác, tình trạng hoàn toàn ngược lại, anh là công chức bình thường, chị ở nhà buôn bán nhỏ. Khi có con, chị nói: “Phụ nữ tốt là dành hết tất cả những điều tốt đẹp cho con mình”. Anh gật gù tâm đắc. Anh cũng chỉ mong như thế thôi.

Nhưng, để lo được những điều tốt cho con cũng cần phải có tiền. Thấy con học trường mẫu giáo tư nhân gần nhà nóng bức, lại sợ điều kiện sinh hoạt không tốt và cả chuyện bạo hành, chị đòi anh cho con học ở trường cao cấp để con được thụ hưởng sự giáo dục tốt hơn anh chị ngày xưa. Anh đồng ý, dù học phí đã ngốn đến nửa thu nhập anh chị hàng tháng. Bữa cơm gia đình bớt dần thịt cá, anh chặc lưỡi “cũng vì con”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI